Đối với các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, việc chụp ảnh trên các thiết bị SmartPhone vẫn có thể giúp họ tạo ra những hình ảnh chuyên nghiệp nhờ vào kỹ năng cũng như kinh nghiệm của họ, nhưng đối với một số nhiếp ảnh gia nghiệp dư, không chuyên thì việc sử dụng điện thoại để chụp ảnh đôi khi lại tạo ra những hình ảnh không ưng ý, khó nhìn. Dưới đây là 7 lỗi mà các người chụp ảnh không chuyên, nhiếp ảnh gia nghiệp dư thường mắc phải khi chụp, bạn có thể tham khảo và rút ra cho mình kinh nghiệm để tạo ra các hình ảnh tốt hơn.
1. SỬ DỤNG ZOOM
Nhớ nhé, đừng bao giờ sử dụng chức năng Zoom khi chụp ảnh trên smartphone. Điện thoại không có chức năng zoom quang học như máy ảnh chuyên nghiệp, việc zoom ảnh khi chụp chỉ khiến cho ảnh bị giảm pixel mà thôi.
ẢNH BÊN TRÁI ĐƯỢC CHỤP KHI ĐẾN GẦN CHỦ THỂ, CÒN ẢNH BÊN PHẢI LÀ SỬ DỤNG ZOOM CỦA MÁY ẢNH
Nếu muốn, hãy sử dụng tính năng Crop, hoặc tốt nhất là zoom bằng chân. Hehe.
2. RUNG TAY
Nhiều người dù đã lấy nét đúng nhưng vẫn chụp ra một bức ảnh mờ tịt, nguyên nhân là điện thoại bị rung khi chụp. Điều này càng dễ gặp nếu chụp khi trời tối hoặc trong điều kiện ít ánh sáng.
Hiện tượng này xảy ra khi chúng ta rung tay khi bấm nút chụp ảnh, hoặc chụp trong điều kiện ánh sáng yếu mà không đặt smartphone cố định khiến máy bị rung. Hãy giữ điện thoại thật chắc, tìm cho mình một điểm tựa, hoặc tốt nhất là sử dụng chân máy (tripod) khi chụp.
3. ĐỂ MẶC CHO CHẾ ĐỘ AUTO
Công bằng mà nói, đây không phải một lỗi, bằng chứng là chế độ Auto của 1 số điện thoại như Iphone 5s trở lên, Samsung Galaxy S6 hay Sony Xperia Z5 khá tốt. Tuy nhiên, trong một số trường hợp ánh sáng phức tạp, chẳng hạn như có nhiều nguồn sáng, chế độ Auto sẽ tính toán sai về Exposure, từ đó gây ra hiện tượng ảnh quá sáng/thiếu sáng.
TỪ TRÁI QUA: THIẾU SÁNG – ĐỦ SÁNG VÀ THỪA SÁNG
Để cho bức ảnh đúng sáng theo ý, hãy điều chỉnh một vài thông số như iso, EV. Trên Iphone, điều này thậm chí còn dễ dàng hơn bằng việc trượt lên/xuống khi chụp để thay đổi EV.
4. KHÔNG BẬT GRID ( Đường tham chiếu )
Bật grid giúp bạn định hình bố cục trước khi chụp, tiết kiệm được nhiều thời gian so với việc lọc ra ảnh có bố cục đẹp hoặc crop.
Ngoài ra, một số bố cục kinh điển như ⅓, căn giữa cũng dễ thực hiện hơn khi bạn bật grid.
Ví dụ nhé, khi chụp phong cảnh, chúng ta thường thích phần bầu trời chiếm khoảng ⅓ hoặc ⅔ ảnh, grid là công cụ dễ nhất để bạn thực hiện chúng.
Trong iOS bạn thực hiện việc bật Grid trong mục Setting/Photos.
Còn trong Android thì các bạn có thể thao thác ngay trên các chế độ chụp.
GRIP LINES – BẬT NÓ LÊN NHÉ.
5. BẬT FLASH
Lại một lỗi cơ bản nhưng vẫn có nhiều người mắc phải. Flash điện thoại sẽ cho ra ánh sáng rất gắt và phẳng, khiến cho bức ảnh không tự nhiên. Ngoài ra nếu chụp chân dung, bạn sẽ gặp phải hiện tượng “mắt đỏ”.
SỬ DỤNG FLASH RỜI GIÚP BẠN KIỂM SOÁT HƯỚNG, CHẤT LƯỢNG ÁNH SÁNG TỐT HƠN
Nếu có thể, hãy tìm đến nơi có nguồn sáng để chụp ảnh. Còn không, sử dụng flash rời để tự điều chỉnh được hướng ánh sáng cũng như công suất mạnh hay nhẹ.
6. CHỤP, CHỤP VÀ CHỤP
Thừa nhận đi, chắc hẳn bạn đã từng bấm nút chụp liên tục với suy nghĩ “cứ chụp cho sướng cái đã, về lọc rồi chỉnh sửa sau”. Hậu quả là những bức ảnh méo mó, có bức thì lấy nét sai, có bức thì bố cục xấu, chẳng hiểu chủ thể trong ảnh ở đâu nữa.
Hãy chỉn chu hơn trong từng bức ảnh, có thời gian sắp đặt bố cục, lựa chọn chủ thể kỹ càng, di chuyển để tìm ra một góc máy đẹp. Chất lượng hơn số lượng, một bức ảnh đẹp có giá trị hơn cả trăm bức ảnh xấu.
Muốn đối tượng chính nét, đơn giản chúng ta chạm vào màn hình tại điểm có đối tượng. Chạm rồi đợi nó ổn định, nhìn thật nét rồi hãy chạm vào nút chụp nha.
7. CHỈNH ẢNH “QUÁ ĐÀ”
Một bức ảnh chụp ra xấu, dù có chỉnh sửa cỡ nào cũng chẳng thế đẹp. Rất nhiều người nghĩ rằng nếu ảnh gốc chưa đẹp thì chuyển sang trắng đen sẽ đẹp, hoặc chèn một vài preset màu film, màu vintage trên VSCO là “từ quạ thành công”.
Thay vì việc lạm dụng các phần mềm chỉnh sửa, hãy tập chụp ra những bức ảnh đẹp. Từ bố cục, ánh sáng cho tới màu sắc… Khi đó hậu kỳ sẽ chỉ xoay quanh việc crop đi một vài chi tiết thừa, làm nổi bật chủ thể và thay đổi một chút màu sắc để ảnh có hồn hơn.
Hy vọng những kinh nghiệm ít ỏi trên sẽ giúp bạn chụp được những bức ảnh đẹp hơn từ chiếc smartphone của mình.