Các ngành nghề thiết kế và yêu cầu công việc

0
110

Các ngành nghề thiết kế và yêu cầu công việc

Thế kỷ XXI, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt là những phần mềm thiết kế chuyên dụng đã cung cấp cho ngành thiết kế nhiều công cụ mới và đẩy mạnh sự phát triển của ngành này. Năm 1998, tạp chí Times của Mỹ đã bình chọn thiết kế trong danh sách 15 nghề nóng nhất trong thập kỷ 90 của thế kỷ XX. Sang đến thế kỷ XXI, vị trí ấy càng được củng cố.

Công việc chính của nhà thiết kế

Các ngành nghề thiết kế và yêu cầu công việc

Công việc của nhà thiết kế rất đa dạng, tùy thuộc vào lĩnh vực thiết kế. Tuy nhiên, về cơ bản, để hoàn thành công việc của mình, nhà thiết kế thường:

  • Xác định nhu cầu, thị hiếu của khách hàng.
  • Nghiên cứu những đặc tính của sản phẩm như kích cỡ, hình dáng, trọng lượng, màu sắc, chất liệu sử dụng, giá cả, độ tiện dụng, an toàn v.v…
  • Phác thảo hình dáng chung của sản phẩm
  • Tham khảo ý kiến của khách hàng rồi xây dựng bức vẽ chi tiết, mô hình thực hoặc mô hình trên máy vi tính.
  • Ngày nay, các nhà thiết kế thường sử dụng các phần mềm hỗ trợ thiết kế giúp lược bớt thao tác, lại có thể thay đổi linh hoạt, tiết kiệm chi phí và thời gian.

Một số nghề nghiệp trong ngành thiết kế:

Thiết kế đồ họa

Đây là lĩnh vực hấp dẫn, thu hút một bộ phận đông đảo các nhà thiết kế Việt Nam hiện nay.
Lĩnh vực hoạt động của các nhà thiết kế đồ họa rất phong phú: minh hoạ, trình bày, thiết kế sách báo…; làm tờ gấp, catalog giới thiệu sản phẩm, những cuốn niên giám công ty; thiết kế logo, biểu tượng cho sản phẩm, doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan…; thiết kế giao diện của các website hay các giao diện khác trong lĩnh vực kỹ thuật số v.v…
Nhà thiết kế đồ họa làm việc trong các công ty truyền thông, công ty quảng cáo, công ty hay văn phòng tư vấn thiết kế, các báo, tạp chí, nhà xuất bản, các công ty sản xuất, các đài truyền hình v.v… Ngoài ra, họ cũng thường lập ra công ty hoặc nhóm của riêng mình, cộng tác thường xuyên với các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu.

Thiết kế thời trang

Nhà thiết kế thời trang chuyên về thiết kế trang phục, đồ phụ trang. Họ làm việc trong các nhà mốt, các hãng thời trang, công ty dệt may hoặc các nhà may cao cấp hoặc trong cửa hàng thiết kế của chính mình. Ban đầu, họ thường làm việc với tư cách người phụ việc, học việc… rồi phấn đấu trở thành nhà thiết kế chính. Khi đã tích lũy đủ kinh nghiệm, vốn liếng và tạo được chỗ đứng nhất định trong làng thời trang, nhà thiết kế thời trang có thể mở cửa hàng, công ty thời trang của riêng mình.

Các ngành nghề thiết kế và yêu cầu công việc

* Một số kỹ năng cần có trong ngành thiết kế thời trang

  • Kiến thức về các kỹ thuật, nguyên tắc thiết kế cũng như kỹ năng làm việc với các bản vẽ phác thảo, bản vẽ chi tiết, kiểu mẫu v.v…
  • Kỹ năng giải quyết vấn đề sáng tạo: biết giải quyết vấn đề bằng các phương pháp khác nhau, có các ý tưởng mang tính đột phá, sáng tạo cho một tình huống hoặc đề tài có sẵn.
  • Kỹ năng học hỏi chủ động: liên tục làm việc với những chất liệu mới hoặc cập nhật thông tin về chất liệu, xu hướng thời trang…
  • Kỹ năng phân tích: biết cách phân tích những nhu cầu và yêu cầu với sản phẩm thiết kế.
  • Kỹ năng tổ chức và quản lý: quan sát, phác thảo trang đầu những công việc, mắt xích cần thiết để hoàn thành ý tưởng thiết kế.
  • Kỹ năng phối hợp công việc với những người khác trong nhóm.

Thiết kế và trang trí nội thất

Là thiết kế không gian bên trong của công trình kiến trúc như tổ chức không gian cho một cơ quan, một ngôi nhà, các gian hàng ở hội chợ triển lãm, các rạp hát v.v… Thiết kế và trang trí nội thất có quan hệ chặt chẽ với ngành kiến trúc, nhiều khi được coi là một bộ phận của ngành kiến trúc bởi nhà thiết kế nội thất hoàn thiện và thổi sự sống vào công trình của các kiến trúc sư.

Công việc của nhà thiết kế nội thất thường gồm khảo sát, đo đạc hiện trạng của công trình cần trang trí nội thất; thảo luận với khách hàng, nghiên cứu sở thích, nhu cầu, mong muốn của người sử dụng công trình thiết kế công năng sử dụng, bố trí các trang thiết bị công năng như bàn, ghế, giường, tủ v.v… trên mặt bằng; tìm phong cách chủ đạo cho công trình, chú ý đến sự hòa hợp với ý tưởng kiến trúc sư đã đề ra; chọn màu sắc, vật liệu hoàn thiện, ốp lát cho các phần cố định của công trình; thiết kế và lựa chọn trang thiết bị; lựa chọn và hoàn thiện các yếu tố trang trí như tranh ảnh, hoa v.v…; tổ chức không gian ánh sáng, lựa chọn các loại đèn phù hợp; giám sát việc thi công v.v…

Chuyên viên thiết kế nội thất làm việc trong các công ty thiết kế nội thất, văn phòng kiến trúc v.v… Ngoài ra, một bộ phận khá lớn trong số họ làm việc như những nhà thiết kế độc lập hoặc tự mở văn phòng riêng của mình.

Thiết kế công nghiệp

Nhà thiết kế công nghiệp nghiên cứu và phát triển những mẫu thiết kế cho các sản phẩm công nghiệp, thương mại v.v… Họ phụ trách việc chuẩn bị các mẫu thiết kế với các đặc tính kỹ thuật cũng như các bản vẽ để hỗ trợ cho sản xuất. Nhà thiết kế công nghiệp tạo ra sự liên kết giữa nhà sản xuất, sản phẩm và khách hàng. Các sản phẩm thiết kế công nghiệp rất đa dạng, từ đồ chơi trẻ em cho đến các máy móc thiết bị nặng…

Công việc chính của nhà thiết kế công nghiệp là thảo luận, tìm hiểu về yêu cầu của nhà sản xuất và khách hàng; đánh giá, phân tích các nghiên cứu về mẫu sản phẩm; xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến thiết kế sản phẩm như giá cả, tính sẵn có của vật liệu, phương pháp sản xuất, công nghệ mới, tính an toàn, xu hướng thời trang…; chuẩn bị các phác họa thể hiện phong cách, kích cỡ, hình dáng của sản phẩm; xây dựng các mẫu hoặc các mô hình sản phẩm, kiểm tra chức năng, chất lượng và khả năng kích thích tiêu dùng của chúng; xác định chi phí sản xuất v.v… Anh ta cũng sửa chữa thiết kế (nếu cần) để đáp ứng các yêu cầu về sản xuất và chi phí.

Nhà thiết kế công nghiệp thường chuyên môn hóa vào một ngành cụ thể như thiết kế hàng điện tử, hàng tiêu dùng, đồ chơi v.v…
Nhà thiết kế công nghiệp hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia như kỹ sư, nhà nghiên cứu thị trường, nhân viên marketing v.v… Họ chủ yếu làm việc trong những xưởng thiết kế với sự hỗ trợ của các phần mềm thiết kế nhưng cũng thường xuyên đi thực tế để quan sát và nghiên cứu việc sử dụng sản phẩm, thu thập thông tin về các vật liệu và các quy trình sản xuất mới v.v…

Các ngành nghề thiết kế và yêu cầu công việc

Thiết kế trang sức

Tạo ra các mẫu trang sức, làm đẹp cho mọi người, sử dụng đính kèm vào trang phục và đồ phụ trang… là công việc của nhà thiết kế trang sức. Chất liệu sử dụng trong ngành công nghiệp này ngày càng phong phú. Không chỉ từ vàng bạc đá quý mà từ những viên đá, gốm, sành sứ, vỏ trai, với sức sáng tạo, nhiều nhà thiết kế tạo nên những mẫu trang sức hấp dẫn, không cần số vốn dư dả từ ban đầu. Bạn có thể làm việc tại các cửa hàng vàng bạc đá quý hay các công ty vàng bạc quốc doanh và tư nhân, hoặc mở cửa hàng trang sức của riêng mình.

Thiết kế phương tiện giao thông

Ở nước ta, ngành thiết kế này còn non trẻ nhưng hứa hẹn phát triển mạnh trong tương lai gần. Trong vài năm gần đây, chúng ta bắt đầu thiết kế được ô tô chở khách, ô tô buýt. Nhiều hãng ô tô nước ngoài đã liên doanh và đặt trụ sở lắp ráp các loại ô tô cá nhân loại nhỏ ở nước ta. Các hãng sản xuất xe đạp, xe máy không ngừng phát triển. Đã có những cuộc thi thiết kế kiểu dáng cho các phương tiện do các hãng tổ chức. Đây là cơ hội để bạn trẻ thể hiện sức sáng tạo. Trong ngành này, bạn có thể làm việc tại các hãng, xí nghiệp chế tạo phương tiện giao thông…

Thiết kế bao bì

Đây là một bộ phận quan trọng của công nghiệp quảng cáo và tiếp thị. Thiết kế bao bì như chai, lọ, hộp v.v… đòi hỏi phải nêu bật sự hấp dẫn và nội dung của sản phẩm bên trong, truyền đạt thông điệp của nhà sản xuất tới người sử dụng. Bên cạnh đó, yếu tố tiện dụng, hấp dẫn, mới lạ về kiểu đóng gói sản phẩm cũng rất quan trọng.

Thiết kế công cộng

Lĩnh vực thiết kế này hướng tới những vật dụng ở nơi công cộng như biển báo, ghế đá, đèn đường, điểm chờ xe buýt v.v… Do tính đại chúng của mảng này, người làm thiết kế công cộng phải chú ý tới mong muốn, nhu cầu, đặc điểm của những đối tượng sử dụng rất khác nhau như người lớn, trẻ em, người già, người tàn tật.

Thiết kế quảng cáo

Là một trong những lĩnh vực hoạt động ứng dụng mạnh mẽ và sôi nổi nhất của các nhà thiết kế. Thiết kế quảng cáo ngày nay được chuyên môn hoá cho từng lĩnh vực (quảng cáo sản phẩm, quảng cáo về bảo vệ môi trường, quảng cáo về chính trị xã hội, quảng cáo về văn hoá v.v…).
Bạn có thể làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân ở mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề, các trung tâm thương mại hay các công ty quảng cáo trung ương và địa phương. Bạn cũng có thể làm việc tự do.

Thiết kế chương trình

Là việc xây dựng một kế hoạch tổ chức về không gian và thời gian, tiến độ thực hiện cho một đề tài, công việc hay ý tưởng có sẵn, chẳng hạn một chương trình biểu diễn thời trang hay âm nhạc…

Nhà thiết kế chương trình phải có ý tưởng sáng tạo làm sao để nêu bật được tinh thần của chương trình bằng việc phác hoạ hình thức biểu diễn, không gian thực hiện cho đến dự trù kinh phí v.v… Vì vậy anh ta phải có khả năng tổ chức, huy động và hợp tác với các nhà chuyên môn ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Thiết kế điện ảnh

Nhiệm vụ của bạn lúc này là thiết kế, trang trí mỹ thuật cho một bộ phim. Trong việc dàn dựng một bộ phim, bên cạnh vị trí quan trọng của đạo diễn, quay phim, thì họa sỹ thiết kế điện ảnh là người xây dựng hình ảnh các nhân vật, các cúp cảnh làm tăng thành công của tác phẩm điện ảnh. Phần lớn họ được đào tạo ở các Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh hay Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Nhà thiết kế điện ảnh làm việc tại các xưởng phim, các studio v.v..

Những yêu cầu của ngành thiết kế :

* Phải để ý đến nhu cầu từ nhiều phía

Nhà thiết kế không thể hoàn toàn tự mình quyết định “nên chế tạo một sản phẩm như thế nào?”

Trước hết anh ta phải có khả năng dự đoán nhu cầu của người tiêu dùng, đoán được thị trường đang thiếu gì, cái gì đã bão hòa, cái gì sắp xuất hiện; sau đó đưa ra những ý tưởng mới để tạo ra một sản phẩm hấp dẫn.

Người sản xuất thường cho rằng họ hiểu rõ tất cả các sản phẩm của mình nhưng chính họ nhiều khi không biết sản phẩm được sử dụng như thế nào; tuổi thọ của sản phẩm là bao nhiêu v.v… Còn phía người sử dụng có khi không thoả mãn với sản phẩm, chẳng hạn như khó sử dụng, màu sắc, chất liệu, không phù hợp… Họ lại không thể bộc lộ những yêu cầu của mình với ai.

Đây là lý do tại sao nhà thiết kế đóng vai trò quan trọng trong việc làm ra sản phẩm. Nhà thiết kế thực thụ luôn nhạy bén nắm bắt được yêu cầu của người sử dụng và dựa vào đó để tạo ra những sản phẩm hấp dẫn hơn.

* Phải có cái nhìn toàn diện và kiến thức về quá trình sản xuất

Công việc chính của nhà thiết kế là phối hợp chặt chẽ với người sản xuất, có khả năng thuyết phục nhà sản xuất “làm cái gì, làm như thế nào?.
Sự tìm hiểu và quan tâm đến chất liệu và công nghệ chế tạo rất quan trọng với người làm thiết kế.

Nếu nhà thiết kế biết khai thác đặc tính của công nghệ chế tạo hay đặc thù của nguyên liệu có thể tạo ra được sản phẩm độc đáo thu hút khách hàng.

* Đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng bằng cách đưa ra những giải pháp sáng tạo

Nhu cầu của người tiêu dùng thường mơ hồ, không rõ ràng, hay bị chi phối bởi thói quen, kinh nghiệm, tác động của những thông tin giả. Nếu chỉ dựa vào đó, không bao giờ chế tạo được sản phẩm có sức hấp dẫn như mong đợi.

Đặc điểm này đòi hỏi khả năng phân tích, sáng tạo của người làm thiết kế.Nhà thiết kế là người nhạy bén, nắm bắt được những điều mà ngay cả người tiêu dùng cũng không giải thích rõ ràng được, và thể hiện ra bằng những sản phẩm thực tế với tính sáng tạo, đột phá.

Kiến thức

  • Sử dụng thành thạo máy vi tính với các phần mềm chuyên dụng
  • Vốn văn hóa sâu rộng, khả năng ngoại ngữ

Khả năng

  • Năng khiếu thiên bẩm về hội hoạ, tạo hình
  • Năng khiếu tạo hình, óc thẩm mỹ cao
  • Đôi bàn tay khéo léo

Kỹ năng

  • Tinh thần cầu thị, ham học hỏi
  • Tính kiên trì

Thái độ

  • Yêu vẻ đẹp của con người
  • Tính kiên trì, sự bền bỉ và cầu thị

Tại Việt Nam, khoảng mười năm trở lại đây, bộ mặt của ngành thiết kế có những thay đổi căn bản. Các lĩnh vực thiết kế ngày càng được mở rộng, điều kiện làm việc của nhà thiết kế ngày càng hiện đại với thu nhập cao. Đó là lý do khiến thiết kế đang trở thành một trong những nghề được các bạn trẻ quan tâm nhiều nhất. Hiện nay, có nhiều cuộc thi được tổ chức cho các nhà thiết kế trẻ trong các lĩnh vực khác nhau đặc biệt là đồ họa, thời trang, mở ra nhiều cơ hội cho những bạn trẻ muốn làm việc trong lĩnh vực này.

Mức thu nhập trung bình

Mức lương cho người chưa có kinh nghiệm: 6-10 triệu VND/tháng
Mức lương dành cho người có kinh nghiệm

  • Vị trí nhân viên: 300 USD trở lên.
  • Vị trí cấp điều hành: 1200 USD trở lên.
Nguồn bài viết từ: TRUNG TÂM ĐÀO TẠO THIẾT KẾ PEDA