Điều này không còn là ý tưởng mà sắp trở thành hiện thực, có thể vào đầu năm 2009. Cơ quan hàng không vũ trụ quốc gia Mỹ (NASA) cho biết vào mùa thu này, tàu con thoi Endeavour sẽ chở hệ thống máy biến đổi nước tiểu thành nước máy lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS).
Sử dụng nước trên ISS phải cực kỳ tiết kiệm. (Ảnh: NASA) |
Và nếu mọi việc diễn tiến thuận lợi thì máy tái chế nước thải này sẽ phục vụ các phi hành gia làm việc ở đây trong vòng 6 tháng. NASA tuyên bố nước từ hệ thống này có thể sử dụng để uống, chế biến thức ăn, tắm giặt, và nó sạch hơn cả nước máy ở Mỹ.
Nga từng phát triển một hệ thống tương tự vào thập niên 1980, nhưng không đưa lên không gian vì lo ngại các phi hành gia không chấp nhận. Lâu nay, nước uống trên ISS cũng có nguồn gốc không được “trong sạch” cho lắm: nước giặt quần áo bốc hơi và mồ hôi, được một chiếc máy (cũng của Nga chế tạo) hấp thu và tái chế thành nước sạch.
Sở dĩ NASA phải chế tạo hệ thống máy mới với chi phí đến 250 triệu USD là do năm tới, số cư dân lưu trú dài hạn trên ISS từ 3 sẽ tăng lên 6 người. Việc vận chuyển nước lên ISS để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của số người này là chuyện bất khả thi, vì nước rất nặng nên không thể mang lên khối lượng lớn.
Qui trình biến nước toilet thành nước sinh hoạt có thể tóm tắt như sau: Nước thải được dẫn đến hệ thống tái chế, tại đây nó sẽ được chưng cất thành nước trong và trải qua 6 bước làm sạch, trong đó có cả bước khử khuẩn bằng i-ốt. Hệ thống này cũng đồng thời hấp thu hơi ẩm từ mồ hôi và hơi thở của phi hành gia và làm sạch thành nước dùng. Nước “thành phẩm” sẽ được truyền dẫn qua đường ống tới khu vực sinh hoạt và “trung tâm vệ sinh” – nơi phi hành gia tắm và đánh răng rửa mặt. Loại nước này sẽ đáp ứng khoảng ½ nhu cầu nước sinh hoạt hằng ngày của các phi hành gia (trung bình khoảng 6,5 lít nước/người).
NASA thừa nhận cần phải “làm công tác tư tưởng” với các phi hành gia, bởi tâm lý “gớm ghiếc” có thể khiến họ thà nhịn uống còn hơn dùng nước do chính mình thải ra. Tuy nhiên, các quan chức NASA tin rằng vấn đề này không lớn lắm bởi sau khi nếm thử qua rất nhiều lần, họ không thể phân biệt nước tiểu đã qua tái chế với nước máy.
Theo THIÊN LAM (USA Today, Cần Thơ Online)