Các trùm giang hồ bật khóc trong tù vì nhớ Tết

0
121
Các trùm giang hồ bật khóc trong tù vì nhớ Tết

Nếu thong thả lần giở những tờ báo Xuân năm nay bạn sẽ thấy sắc xuân đang dần kém đi, nàng xuân phải nhường chỗ cho những vấn đề tưởng chừng như to tát hơn, những lo toan lớn hơn.

Biết bao câu chuyện vĩ mô, cái đã hoàn thành, cái còn dang dở. Rồi nơi này trên thế giới chiến tranh, nơi kia thiên tai, tai nạn, dịch bệnh… những ám ảnh đang làm nặng thế giới.

Nhưng, dù ta có chờ đợi hay không thì mùa Xuân vẫn phải đến. Dù ta có nghĩ gì về nó, có thấy Tết quan trọng hay ám ảnh, thì nó vẫn đến dù bạn còn hay bạn mất đi.

Hãy quý trọng những khoảnh khắc sum họp bên người thân và đừng nhìn mọi điều theo chiều hướng tiêu cực khi mùa Xuân đang gõ cửa.

Bởi, ai từng trong cảnh không tự do trong chốn lao tù như tôi, bạn sẽ thấy cái Tết ấm áp ngoài kia quý giá nhường nào…

Nước mắt giang hồ

Là một trong những người bị bắt trong đại án Năm Cam, kỳ lạ là tôi và những người bạn đồng cảnh lại háo hức chờ đợi Tết cho dù quanh quẩn ở trong cái phòng chỉ vài mét vuông, thiếu cả ánh sáng.

Lúc đó tôi ở chung với Dũng Bắc Cạn, tay trùm giang hồ khét tiếng, “đới đao hộ vệ” cho các ông trùm, bà trùm như Cu Lý, Dung Hà, Dũng “đui”…, Chín Việt Kiều (án tử hình), Tâm “giết người”…

Căn cứ vào ngày hỏi cung cuối cùng 23 tháng Chạp, chúng tôi đếm ngược thời gian để chờ Tết, niềm vui đầu tiên là không bị hỏi cung như thường khi.

Dũng kể chuyện Tết giang hồ ở Hải Phòng, Hà Nội…Chín “việt kiều” kể chuyện ăn Tết Việt ở Úc còn thằng Tâm “giết người” kể chuyện những cái tết khi còn tự do ở quê nó…

Ôi, những mùa xuân bình thường sao mà xa lắc xa lơ và trân quý đến thế, hai thùy não của tôi chợt vang lên khúc nhạc nào đó mà nhiều năm sau này tôi mới biết đó là bài Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao:

Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về

Mùa bình thường mùa vui nay đã về

mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên

Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông

một trưa nắng cho bao tâm hồn.

Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về

Người mẹ nhìn đàn con nay đã về

Tôi bật lên tiếng hát câu nọ xọt câu kia vì không thuộc lời, Dũng Bắc Cạn lên tiếng:

– Đừng hát nữa ông anh, em buồn quá, nhớ nhà quê quá anh ạ…

Tay giang hồ nổi tiếng tàn bạo quay lưng úp mặt vào tường khóc thầm, Chín “Việt kiều” cũng vậy còn Tâm “giết người” khóc tồ tồ…

Mùa bình thường, mùa Xuân không đến với những người như chúng tôi!

Các trùm giang hồ bật khóc trong tù vì nhớ Tết
Phạm nhân chuẩn bị cây mai đón Tết. Nguồn: Zing.vn

Giấc mơ nửa chừng và nhánh mai vàng quý giá

Đột ngột chúng tôi được lệnh chuyển trại giam, chừng nửa giờ đi xe, không biết là đâu vì xe bít bùng, phòng giam tối thui nhưng căn cứ vào “tiếng đời” (kèn xe, rao bán kem, keo dính chuột) đoán là gần quốc lộ hoặc khu dân cư.

-Đây là trại “Mảnh hổ”.

Thằng Tâm “giết người” lên tiếng. “Mảnh hổ” là cách gọi của dân đi tù còn tên hành chính của nó là gì thằng Tâm cũng không biết vì nó mù chữ mà.

Dù vậy, Tết cũng đến rồi với quà thăm nuôi của Chín “Việt kiều” như thèo lèo, bánh chưng….

Chúng tôi hết thời gian chờ xuân đến bằng cách nằm im dụ muỗi bu vào rồi đập rõ to, ăn bánh chưng trong bóng tối và kể chuyện những mùa xuân tự do…

Kết thúc luôn là những giọt nước mắt!

Không hiểu những bạn ấy mơ gì, tôi thì thấy nhiều thứ trong giấc mơ của mình…

…Quê tôi ở Củ Chi, Hóc Môn nên không bánh chưng mà là bánh tét…Nhà tôi ở vùng “xôi đậu”, ban ngày do chế độ cũ quản lý, đêm đến là vùng gải phóng…

Vui nhất là đêm ba mươi, tôi có nhiệm vụ đi mót củi, quét lá măng cụt, xé lá chuối… chuẩn bị chỗ nấu bánh tét…

Vui lắm, chòm xòm xúm lại chuẩn bị, mấy bà góa chồng nói “trây” bà cố…lâu lâu lại đuổi tôi đi nơi khác:

-Con nít con nôi, đi chỗ khác chơi, để người lớn nói chuyện…

Khi củi đã hồng than, những người du kích xuất hiện, họ lặng lẽ ngồi xung quanh nồi bánh, súng AK để trên đùi, nòng súng hướng ra ngoài.

Chỉ trừ chú Ba Chăn, không biết chú làm gì nhưng không đeo súng dài, súng ngắn lận lưng, chú cho tôi gối đầu lên đùi và khe khẽ hát cho tôi nghe những bài hát tết thật xa lạ mà tôi vẫn thuộc vài đoạn cho đến khi lớn lên, đó là bài Xuân chiến khu.

Ầm Ầm ầm…tôi tỉnh giấc mơ xuân…có tiếng đập cửa…

Cả phòng giam được lệnh bước ra ngoài với tư thế quen thuộc quần cộc, đánh trần.

Vị giám thị với lễ phục trang trọng trắng toát:

– Tết đến, tôi chúc các anh gặp nhiều may mắn trong cung từ. Chúc sức khỏe. Biết rằng một ngày ở tù là nghìn thu ở ngoài, thành thật thì không biết chúc gì, mong các anh giữ gìn sức khỏe và án từ được giảm nhẹ thôi.

Tôi là trưởng phòng giam nên đề đạt nguyện vọng xin một nhánh mai vàng, thật ra tôi chợt bật lên thôi chứ trong phòng giam tối tăm làm gì thấy được sắc mai.

Vị giám thị suy nghĩ giây lát rồi gật đầu.

Ngay sau đó, còn hơn mong đợi, chúng tôi được chuyển sang phòng giam đầy ánh sáng, công kênh lên lỗ thở có thể nhìn thấy sân tenis ngay cạnh đó và đường quốc lộ xa xa và trời ạ, một nhánh mai vàng đầy bông nữa!

Cảm ơn giám thị, cảm ơn trời đất đã mang Tết đến.

Tết thật rồi.Tôi vui còn hơn lần đầu tiên ngồi vào vô lăng chiếc xe ô tô đắt tiền của mình.

Niềm vui tết của người tù đơn giản vậy đó.

Các trùm giang hồ bật khóc trong tù vì nhớ Tết
Phạm nhân nữ nhận quà Tết. Nguồn: Công Lý

Phạm nhân nữ “phải đẹp” khi Tết đến

Những cái tết sau của tôi nhộn nhịp hơn khi đã được chuyển đi trường, một trại giam lớn của Bộ Công An ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Biết chút ít chữ nghĩa, hiền lành và không ngại va chạm với giang hồ….nên tôi được chỉ định đại diện cho phạm nhân để giúp việc cho cán bộ.

Từ đó tôi tinh thông bách nghệ: làm ruộng, thu hoạch mía, thu hoạch dừa, lột vỏ hạt điều, chỉnh nhạc, làm heo, nấu ăn…

Nhưng tôi thích nhất là việc dạy học cho phạm nhân, chủ yếu là xóa mù chữ cho anh em.

Công việc của tôi cũng khá thuận lợi vì đã có nhiều bạn bè từ các trại khác chuyển đến chung tay chung sức như anh Hòa “búa”, Bảo “thái tử”- Cường “phò mã” (con và rể ông Năm Cam), Cường “râu”, Lai “điên”, Đức “đại bàng”…

Nhiều chuyện lắm tôi chỉ là nhớ gì kể đấy…

Ai đó đã nói “Không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ không biết làm đẹp”, câu này đúng mọi lúc mọi nơi kể cả trong tù….

Tết đến, Giám thị cho phép phạm nhân nữ được cắt tóc, thợ cũng là phạm nhân. Tôi là người được phân công giúp cán bộ quản giáo thực hiện việc đó.

Lúc đầu tôi buồn cười lắm, trong tù chỉ nhìn mặt nhau đã chán, bước ra khỏi buồng giam là lao xuống ruộng: sửa soạn, trang điểm cho ma nó nhìn à (nam nữ cách ly tuyệt đối).

Nhưng Tết mà, “dù sao cũng phải đẹp”, cô tù nào cũng nói vậy, họ tha thiết nhờ tôi xin được mua một loại thuốc xức bệnh ngoài da là Cottibion, số lượng 2 lọ mỗi người. Hơi nhiều….chắc tại bệnh ngoài da nhiều.

Cán bộ nhìn tôi chăm chăm:

– Anh biết đội nữ mua thứ này nhiều để làm gì không?

– Báo cáo cán bộ, chắc để trị bệnh ngoài da.

– Thất vọng quá, anh giúp cán bộ quản lý hàng ngàn con người mà không biết thứ này để họ làm đẹp sao…

Thì ra, các cô dùng nó để làm da mặt trắng sáng…

Chắc là không nỡ để tôi thất vọng hay vì thông hiểu hoàn cảnh của phạm nhân nữ mà cán bộ đã đồng ý dù không hài lòng…

Tết mà. Dù sao cũng phải đẹp.

Sắc xuân bừng lên mọi nơi trong trại giam mặc dù tù vẫn là tù, thật kỳ lạ Tết xuyên qua mọi bức tường và đến với tất cả mọi người cách công bằng.

Ngay trưa mùng hai mùng ba Tết gì đó, vị giám thị đột ngột vào tận buồng giam chúc Tết và nói:

– Anh Linh cùng anh Quý, anh Cường chuẩn bị người đi lấy nước ngọt!

Đúng là mấy hôm nay nguồn nước ngầm bị xâm mặn, chát chát, uống vào rất khó chịu…

Những chiếc ghe bầu nhanh chóng rời khỏi cổng thủy của trại, xuôi dòng ra cửa sông, cán bộ quăng gàu thử thấy nước mặn đắng.

Ông đứng ở mũi thuyền chụm tay nhìn những đám mây xa xa…

Nước đột ngột đổi dòng chảy, thuyền neo lại, cán bộ ra khẩu lệnh:

– Chuẩn bị!

Tôi phát lại lệnh:

– Tất cả chuẩn bị.

Thật ngoạn mục, nước từ trên trời đổ xuống như thác, khoảng 10 phút thì ngưng:

– Lấy nước.

Tôi tiếp lệnh:

– Tất cả múc nước!

Khi nước đã đầy các vật chứa, cán bộ khẩu lệnh:

– Điểm danh, quay về…

Tù tranh thủ té tát nước ngọt, uống lấy uống để, thật sảng khoái. Bất chợt có tiếng bìm bịp kêu chiều:

– Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi…

Nước đổi dòng chính lưu, chiều sụp xuống thật nhanh, chim bay về tổ, đâu đó chim vạc táo tát nghe buồn như tiếng kinh cầu. Khói chiều trên sông như sương buổi sớm làm lòng người nhớ quê hương tan nát.

Tôi gõ tay vào mạn thuyền đọc thơ Thôi Hiệu:

Hán Dương sông tạnh cây bày.

Bãi xưa Anh Vũ xanh dày cỏ non.

Quê hương khuất bóng hoàng hôn.

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai...

Vị cán bộ đứng cạnh tôi thở dài, có lẽ ông đang nhớ gia đình ở ngoài Bắc. Lại thêm một cái Tết xa nhà…

Còn những người tù thì cúi đầu, tan nát cõi lòng…

Còn gì hơn một cái Tết đoàn viên, phải không bạn?

Tôi yêu Tết!

Nguồn: Theo Trí thức trẻ

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.