Không có cặp đôi nào đã yêu nhau lâu năm mà lại chưa từng cãi vã. Thậm chí, có những cặp đôi mâu thuẫn nhiều đến mức xem đụng độ là chuyện cơm bữa. Laurie Puhn – tác giả cuốn sách Fight Less, Love More(Cãi vã ít hơn, Yêu thương nhiều hơn) nói: “Không ai thích cãi vã nhưng lại không biết làm gì để chấm dứt chúng. Thật ra bất cứ mâu thuẫn nào cũng có cách giải quyết, quan trọng là bạn phải biết rắc rối mình đang gặp phải là gì. Sau đó bạn mới có thể tìm ra giải pháp cho vấn đề”.
Nói cách khác, nếu hai bạn chỉ “nhăm nhe” tìm cách để bóc mẽ người kia và cố đạt phần thắng trong cuộc chiến thì cuối cùng, cả hai đều sẽ là người thua cuộc. Một cuộc cãi vã chỉ thực sự kết thúc khi hai người có thể thấu hiểu lẫn nhau và hợp sức đi tìm giải pháp.
Nhà văn Puhn cho rằng: “Phong cách cãi vã là một sự cân bằng giữa Âm và Dương. Âm tượng trưng cho mức độ thích gây hấn và Dương tượng trưng cho khả năng kiểm soát bản thân của bạn. Sự kết hợp này sẽ nói lên bạn là ai khi xảy ra một cuộc đụng độ”.
Dưới đây là một số phong cách cãi vã phổ biến của các cặp đôi. Bạn hãy tìm xem mình là trường hợp nào để hiểu hơn về bản thân, về người ấy và biết cách chấm dứt những cuộc cãi vã khiến cả hai đều mệt mỏi.
1. Phong cách kịch tính
Cái tên đã nói lên tất cả. Trong mối quan hệ của cặp đôi này, kịch tích là điều không thể thiếu. Như thế có nghĩa là khi hai bạn vui vẻ, tình cảm đôi bên sẽ rất nồng thắm, khiến cho ai nhìn vào cũng phải ghen tị. Tuy nhiên, khi “chiến tranh” nổ ra, tình hình chỉ có thể so sánh với một vụ nổ kho đạn. Ưu điểm của phong cách này là hai bạn có thể xả hết những bực dọc trong lòng ra ngoài, không có tâm sự nào bị dồn nén để gây ra những hậu quả lâu dài. Nhược điểm là tranh cãi kiểu này thường không giúp giải quyết vấn đề, nếu không nói là khiến mọi chuyện càng tệ hơn. Sự bùng nổ cảm xúc có thể làm hai bạn mất kiểm soát trong lời nói, hành động và gây tổn thương cho nhau.
Giải pháp: Nếu bạn là người thường không giữ được bình tĩnh khi cãi vã, hãy học cách hít thở sâu. Ngay giây phút bạn cảm thấy đầu mình bắt đầu “bốc khói”, hãy hít một hơi thật sâu, dằn mình lại và giữ nguyên như thế một lúc. Sau đó, bạn có thể đề nghị chồng ngồi xuống và nói chuyện một cách nghiêm túc. Bằng cách thay đổi địa điểm, bạn sẽ có thời gian để làm nguội bớt sự nóng giận trong lòng mình và hành động sáng suốt hơn.
2. Phong cách “1 nhịn, 9 lành”
“Chúng tôi rất hòa hợp, chúng tôi không bao giờ cãi vã!”, đây có phải câu bạn hay nói với mọi người về tình yêu của mình không? Đáng tiếc là hầu hết người nghe sẽ không tin lời bạn. Con người là tạo vật phức tạp nhất thế giới và không thể “đồng bộ hóa” một cách hoàn hảo như những cái máy. Chắc chắn trong cuộc sống, bạn và người ấy sẽ gặp phải những cản trở và mâu thuẫn nhất định. Khi bạn nhấn mạnh rằng mình và bạn trai không bao giờ tranh cãi, điều mà người ta nghĩ đến không phải hai bạn thật hạnh phúc, mà là một trong hai người chắc chắn đã phải chịu đựng rất nhiều.
Giải pháp: Nếu bạn đang ở trong mối quan hệ kiểu này, hãy dùng trực giác để đánh giá lại tất cả. Bạn có hài lòng với tất cả những điều đã làm cùng người ấy không? Việc chiều theo quyết định của người ấy có thực sự khiến bạn hạnh phúc? Nếu câu trả lời là không, rõ ràng bạn đã phải dằn nén nhiều cảm xúc thật của mình để đổi lấy một hạnh phúc ảo.
Nhà văn Puhn nói: “Đến cả các cặp song sinh cũng không thể giống nhau trong mọi mặt của đời sống. Tranh cãi là điều bình thường, thậm chí tất yếu trong bất cứ mối quan hệ nào. Nếu bạn không có bất đồng với ai, bạn sẽ không trân trọng bản sắc riêng của mình đủ nhiều và cũng không hiểu được người khác”.
Dĩ hòa vi quý là điều tốt nhưng không phải cách tối ưu trong mọi trường hợp. Đôi khi, không phải cam chịu mà chiến đấu mới là cách giải quyết vấn đề. Có một vài cuộc đụng độ không khiến hai bạn trở thành cặp đôi bất hạnh. Đó thực ra lại là dấu hiệu của một mối quan hệ bình đẳng và lành mạnh.
3. Phong cách xét nét
Xét nét có nghĩa là khi tranh cãi, bạn sẽ cố đào bới những lỗi lầm nhỏ nhất, bắt bẻ những lời nói thoáng quá nhất của người ấy để chiếm lấy ưu thế. Vì mải mê tìm kiếm những tiểu tiết này, bạn thường có xu hướng bỏ qua những lối thoát và quên mất mục tiêu thật sự của cuộc đấu khẩu là gì. Bạn chắc chắn là người không ai muốn phải đụng độ vì phong cách cãi vã của bạn sẽ khiến các vấn đề đi vào ngõ cụt. Không những không giải quyết được rắc rối, bạn còn tìm thêm nhiều điều không hay để bổ sung vào danh sách mâu thuẫn cũ.
Vấn đề lớn nhất của thói xét nét là nó thường đi cùng sự cố chấp. Hai bạn có thể không tranh cãi lớn tiếng, nhưng việc hai người ngoan cố không nhận mình sai và chỉ trích cách nghĩ của người kia sẽ khiến mối quan hệ trở nên căng thẳng.
Giải pháp:“Bạn phải hiểu rằng hai người tranh cãi là để giải quyết mâu thuẫn vốn có, chứ không phải thi xem ai cãi giỏi hơn”, nhà văn Puhn nói. Theo cô, trước hết bạn phải học cách hỏi đúng điều cần hỏi và lắng nghe chân thành. Thay vì tự đưa ra những giả định về người ấy và dựa vào đó để đẩy cuộc chiến đi xa hơn, hãy cho chàng cơ hội được nói. Sau đó, bạn có thể tự do bày tỏ ý kiến của mình và giải thích nó. Cách này sẽ giúp hai người hiểu nhau hơn và không ai cảm thấy đang bị “cưỡi lên đầu”.
4. Phong cách nàng nói, chàng không nghe
“Anh à, chúng ta cần nói chuyện”, đây chắc chắn là một trong những câu nói đàn ông sợ nghe nhất. Câu nói này thường dự báo những điều “chẳng lành” và sẽ khiến người ấy khởi động “chế độ phòng vệ” với bạn. Chàng có thể sẽ đồng ý ngồi xuống trò chuyện, nhưng có thật sự nghe bạn nói hay không lại là việc khác. Mong muốn được đối thoại ở bạn không xấu, tuy nhiên, bạn phải học cách chấp nhận sự thật rằng không phải ai cũng ưu tiên đối thoại để giải quyết vấn đề.
Giải pháp: Nếu anh chàng của bạn tỏ ra nghi hoặc, thậm chí là e ngại lý do thật sự của cuộc đối thoại, hãy loại bỏ những cảm xúc đó bằng cách cho chàng một mốc thời gian cụ thể. Nhà văn Puhn chia sẻ: “Cách tốt nhất để đàn ông chịu ngồi xuống trò chuyện thật sự là làm họ tin rằng mình sẽ không phải nghe ca thán suốt cả đêm”. Điều này có nghĩa là nếu bạn không thể thay đổi được người ấy, bạn buộc phải điều chỉnh lại cách đặt vấn đề của mình. Thay vì nói: “Anh à, chúng ta cần nói chuyện”, hãy nói: “Anh à, mình đi dạo với nhau một lát nhé, khoảng 10 phút thôi”. Và bạn có thể nói những gì bạn cần trong cuộc đi dạo đó.
5. Phong cách “chiến tranh lạnh”
Có một vẻ ngoài phẳng lặng nhưng đây thực ra lại là phong cách cãi vã tiềm ẩn nhiều hậu họa nhất. Mặc dù không hét vào mặt nhau, không xét nét lẫn nhau và cũng không cam chịu, nhưng mối quan hệ của hai bạn vẫn sẽ rơi vào bế tắc. Vì những khúc mắc bị dằn nén trong lòng không có cách nào để xoa dịu, bạn sẽ không giấu được vẻ cáu giận ngoài mặt. Sự câm lặng sẽ khiến hai bạn ngày một xa cách và tình cảm sẽ chết dần đi.
Giải pháp: Vấn đề lớn nhất của hầu hết các cặp đôi không phải là chính họ, mà là cách họ kết nối với nhau. Nhà văn Puhn cho rằng: “Im lặng thường là cách cuối cùng một cặp đôi chọn để giải quyết vấn đề. Điều đó có nghĩa là họ đã quá mệt mỏi và không còn muốn nỗ lực thấu hiểu lẫn nhau nữa”.
Tuy nhiên, im lặng triền miên sẽ khiến tình hình càng tệ hơn. Nếu bạn thực sự không muốn nói gì với người ấy nữa, hãy chọn cách đối thoại khác, ví dụ như viết thư. Hãy cho người ấy biết những điều bạn đang suy nghĩ, cảm xúc thật sự của bạn bằng con chữ và đề nghị chàng đưa ra một hướng giải quyết khác cho hai người.
Nguồn: Theo Thestir.cafemom.com
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.