Theo BS Nguyễn Tiến Lâm – Trưởng Khoa Virus Ký sinh trùng (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), hải sản là loại thực phẩm rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, khi chế biến các loại đồ ăn này cần đặc biệt lưu ý vì nguy cơ nhiễm bệnh do giun sán thường rất lớn.
BS Lâm cho biết: Trong thịt cua biển sống có chứa nang trùng Lungfluke (một loại trùng hút máu phổi, còn gọi là đỉa phổi), nếu không được chế biến ở nhiệt độ cao mà ăn tái sống sẽ rất dễ mắc bệnh đỉa phổi. Chúng sẽ gây ho, khạc ra máu và có thể xâm nhập lên não, dẫn tới chứng co giật, thậm chí gây bại liệt…
Bên cạnh đó, các loại cá biển như cá voi, cá heo, cá thu, cá hồi…chứa rất nhiều ấu trùng giun tròn Anisakia. Nếu ăn phải các ấu trùng của giun trong cá biển thì vài giờ sau, bệnh nhân có cảm giác buồn nôn, nôn và đau vùng thượng vị mỗi lúc một nặng, có khi đau bụng dữ dội kèm theo các phản ứng dị ứng…
Vì vậy, để loại bỏ nguy cơ gây hại của các loại giun sán có trong hải sản, các chuyên gia khuyến cáo, biện pháp phòng bệnh tốt nhất là “ăn chín uống sôi” vì hầu hết giun sán, trứng hay ấu trùng của chúng đều bị “tiêu diệt” ở nhiệt độ cao.
Các bác sĩ cũng lưu ý, gỏi, nướng hay lẩu hải sản là các món được rất nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, để giữ được các giá trị dinh dưỡng mà vẫn đảm bảo không “rước” ấu trùng giun sán vào trong cơ thể, tốt nhất phải sơ chế cẩn thận các loại hải sản trước khi ăn.
Khi sơ chế cá biển, nên loại bỏ nội tạng cá vì ấu trùng giun sán trong cá thường tồn tại dưới dạng giun xoắn hoặc cuộn chặt không màu thành các ổ tròn bên trong nội tạng.
Với cua biển, cần rửa sạch bằng cách lấy bàn chải cọ sạch các vật bẩn ở chân và càng cua hoặc ngâm cua vào trong nước muối khoảng vài tiếng, sau đó đem ra để ráo nước.
Các loại hải sản như nghêu, sò, ốc… nên được rửa sạch rồi ngâm trong nước khoảng 3-5 tiếng để chúng nhả hết cát và các chất bẩn bên trong rồi mới chế biến.
Các loại hải sản sau khi đã sơ chế cẩn thận cũng phải được nhúng chín (các thớ thịt săn lại, không còn các tia máu đỏ) khi ăn lẩu hoặc đặt trên nhiệt độ cao đối với các món nướng hải sản. Không nên ăn hải sản chưa chín kỹ vì dễ gây đau bụng và tăng nguy cơ nuốt phải các ấu trùng giun sán gây hại cho cơ thể.
Có thể kết hợp ăn hải sản cùng gừng, tỏi, dấm chua vì chúng sẽ trung hòa tính hàn có trong hải sản, hạn chế việc đau bụng đi ngoài. Ngoài ra, tỏi sống, dấm chua còn có tác dụng diệt khuẩn rất tốt nên chúng sẽ giúp diệt trừ được phần nào các vi khuẩn có hại còn sót lại trong hải sản.
Cách chọn hải sản tươi ngon
Với cá: Cá tươi mắt sẽ lồi và trong suốt, giác mạc đàn hồi, mang màu đỏ hoặc đỏ hồng, không nhớt, không có mùi hôi; khi ấn ngón tay vào mình cá, thịt rắn chắc, không để lại vết lõm.
Với mực: Mực ngon là những con dày mình, thịt chắc không bị nát còn mực đã để lâu sẽ chuyển sang màu hơi xanh ngà, thịt nhão, đầu không dính chặt với thân, mùi rất tanh.
Các loại ngao, sò: Sò, ngao còn tươi khi nhìn trên rổ thấy nhiều con đang thò lưỡi ra ngoài. Nếu sò ngậm miệng, có mùi tanh thì không nên mua.
Cách chọn cua: Dùng tay ấn vào yếm cua, nếu cứng là cua có nhiều thịt. Cua ngon nhìn bên ngoài thấy lớp vỏ màu xám đục, yếm to.
Cách chọn tôm: Tôm ngon thân phải săn chắc, vỏ còn cứng, màu trắng trong. Phần đầu dính chặt vào thân, các càng vẫn còn nguyên, không có mùi tanh.
Nguồn: Theo Gia đình & Xã hội
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.