TS. BS. Nguyễn Trọng Hưng, Khoa Tư vấn dinh dưỡng 2, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết có thể tạm phân ra thành 2 loại thức ăn nhanh: thức ăn du nhập từ nước ngoài, từ châu Âu, châu Mỹ (như gà rán, hamburger, pizza…) và thức ăn nhanh dùng hàng ngày của người Châu Á (như: mì ăn liền, phở, bún, miến, hủ tiếu ăn liền, đồ hộp đóng sẵn…).
Đồ ăn nhanh của châu Âu, Châu Mỹ thường có xu hướng chứa nhiều chất béo và thường là thực phẩm chế biến sẵn hoặc đã qua các công đoạn chế biến để có thể dễ dàng sử dụng, đỡ mất thời gian hơn. Còn thức ăn của châu Á thường cung cấp nhiều gluxit và đường hấp thu nhanh, là loại thức ăn mà phải tự chế biến nhưng thời gian chế biến ngắn, tiện lợi để mang đi, sử dụng được trong nhiều tình huống của cuộc sống (đi làm, đi công tác xa, đi chơi…)
Nói về thói quen sử dụng thức ăn nhanh trong xã hội hiện tại, TS. Nguyễn Thị Lâm – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, mặc dù trong thức ăn nhanh vẫn tồn tại nhiều khuyết điểm nhưng vẫn được nhiều người sử dụng bởi cung cấp giá trị năng lượng cao.
Tuy nhiên chỉ cần biết cân bằng, ăn bổ sung thì thức ăn nhanh sẽ trở lên hữu hiệu cho người nào muốn tăng cân hay ăn ít mà vẫn có thể đảm bảo đủ chất dinh dưỡng trong người. Theo bà Lâm, khuyết điểm đầu tiên của thức ăn nhanh chính là giàu chất béo nhưng lại thiếu vitamin. Chính vì việc chứa nhiều chất béo nên thức ăn nhanh đem đến lợi ích nhiều năng lương tức thì cho cơ thể.
Chưa kể, với cách chế biến nhanh chóng, người ăn có thể nạp một nguồn năng lượng trong một thời gian ngắn, đúng với tên gọi của nó. Tuy nhiên, thừa chất béo, nhưng lại thiếu rau. Mặc dù trong các suốt thức ăn nhanh luôn kèm theo sữa, hoa quả nhưng cũng không thể thay thế được rau trong bữa ăn. Vì trong rau luôn chứa nhiều hàm lượng vitamin nhất.
BS. Nguyễn Thị Mến – Trung tâm Dinh dưỡng Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội cho biết thêm, những loại thực phẩm công nghiệp như thịt nguội, xúc xích, thịt xông khói, lạp xường, gà rán… là những thành phần sử dụng trong thức ăn nhanh đều có chứa hàm lượng muối cao và chất bảo quản.
Nếu sử dụng nhiều thức ăn nhanh sẽ đưa vào cơ thể lượng muối và chất bảo quản cao dẫn đến có hại cho tim, thận, làm tăng huyết áp động mạch.
Còn những loại đồ ăn như mì ăn liền, phở, bún, miến, hủ tiếu ăn liền, đồ hộp đóng sẵn … thường mang không nhiều hàm lượng dinh dưỡng. “Mì gói chỉ mang giải pháp chống đói tạm thời hoặc dành cho những người đang có nhu cầu giảm cân. Hiện tại trên thị trường có rất ít mặt hàng mì gói đem lại đầy đủ chất dinh dưỡng cho người dùng” – BS. Mến nói.
Phá vỡ “bức tường” mất cân bằng dinh dưỡng
Chính những lợi ích không thể phủ nhận của thức ăn nhanh nên BS. Mến đưa ra lời khuyên mọi người không nên có cái nhìn tiêu cực về loại đồ ăn này. Chỉ cần biết kết hợp thì đồ ăn nhanh sẽ đem lại nhiều lợi ích, tiết kiệm thời gian trong cuộc sống luôn đòi hỏi mọi thứ gấp gáp mà chuẩn xác.
“Ngoài các suất đồ ăn nhanh thông thường, mỗi người nên gọi thêm các món có rau, sa-lát ăn kèm để cân bằng nguồn dinh dưỡng trong cơ thể. Không nên chọn thức uống có gas kèm với thức ăn nhanh thay vào đó là các loại nướp ép, sinh tố hoa quả.
Các loại nước ép, sinh tố từ trái cây là nguồn cung cấp chất xơ, đảm bảo cân bằng dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn. Mặc dù lượng chất xơ trong trái cây không thể cao bằng rau, nhưng đây cũng là một cách để người ăn bổ sung chất xơ vào cơ thể. Sinh tố và nước ép cũng cung cấp một lượng vitamin, khoáng chất để căn bằng với lượng chất béo nạp vào cơ thể” – BS. Mến hướng dẫn.
Ngoài ra, khi chế biến các loại mì, miến, phở, bún, hủ tiếu ăn liền, người tiêu dùng cũng nên chú ý, chịu khó bổ sung thêm thịt, rau, củ và chọn nhiều dạng chế biến đa dạng hơn bên cạnh việc úp mì bằng nước sôi để tăng thêm lượng vitamin, dinh dưỡng cho cả gia đình.
Nguồn: Theo PNO
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.