Mới đây, tổ chức Y tế Thế giới – WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp cần được quốc tế quan tâm đối với virut Zika, loại virut có liên quan đến chứng bệnh đầu nhỏ bẩm sinh ở trẻ em.
Được phát hiện từ năm 1947 nhưng mãi tới tháng 5/2015 virut Zika mới chính thức trở thành nỗi kinh hoàng cho các bà mẹ ở các nước Mỹ La Tinh. Tuy chưa có nghiên cứu chính thức, nhưng theo các chuyên gia, virut Zika được cho là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng dị tật thai nhi, điển hình là tình trạng đầu và não teo nhỏ bất thường.
Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tới cuối năm 2016 sẽ có khoảng 4 triệu người bị ảnh hưởng bởi loại virut này, chủ yếu tập trung ở khu vực Châu Mỹ La Tinh, Châu Phi và Thái Bình Dương. Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cũng đưa ra danh sách liệt kê, cập nhật những vùng lãnh thổ nhiễm bệnh và khuyến cáo phụ nữ mang thai không nên đi du lịch ở những nơi này.
Bệnh lây lan như thế nào?
Giống như sốt xuất huyết, bệnh do virut Zika gây ra cũng truyền qua vật trung gian là muỗi. Và loại muỗi này cũng có họ hàng rất gần muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết.
Thực tế, với người bình thường, bệnh do virut Zika gây ra không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Người bệnh cũng có những biểu hiện giống sốt xuất huyết như sốt, phát ban, mắt đỏ, đau mỏi cơ… nhưng với triệu chứng nhẹ hơn. Có tới 80% người mắc bệnh hầu như không xuất hiện triệu chứng đặc biệt nào. Ngược lại, phụ nữ mang thai nhiễm virut Zika sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của thai nhi, đặc biệt là sự phát triển não. Bên cạnh đó, nguy cơ sảy thai, thai chết lưu cũng cao hơn bình thường.
Việt Nam có nằm trong diện nguy hiểm?
Cho tới thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn chưa ghi nhận một trường hợp nhiễm virut Zika nào. Tuy nhiên, cũng khó có thể loại trừ khả năng nhiễm bệnh, bởi loại muỗi lây truyền bệnh là muỗi Aedes, loại muỗi gây bệnh sốt xuất huyết. Tại một số nước Đông Nam Á cũng đã có ghi nhận sự xuất hiện của virut Zika.
Phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Bộ Y tế Việt Nam cũng đang triển khai các biện pháp nhằm hạn chế sự lây truyền của bệnh bằng cách diệt muỗi.
Làm gì khi lỡ xuất hiện ở khu vực có virut Zika?
Theo hướng dẫn của CDC ngày 19/1/2016, phụ nữ mang thai nếu đã đi du lịch đến những vùng có virut Zika nên tới gặp bác sĩ để được theo dõi. Nếu bị sốt, phát ban, mắt đỏ, nhức cơ…, bầu cần được xét nghiệm máu và tiến hành siêu âm thai.
Tuy đang chủ yếu hoành hành ở các nước Mỹ Latin và vùng Caribbean nhưng dịch bệnh do virus Zika gây ra này đã từng bùng phát tại Đông Nam Á. Hiện nay, WHO đã tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu do diễn biến phức tạp và tốc độ lây lan nhanh của bệnh. Ở Việt Nam vừa đã có loại muỗi Aedes truyền virus Zika – cũng chính là loại muỗi truyền sốt xuất huyết – vừa sắp đến cao điểm du lịch và đi lại nên chúng ta, nhất là những phụ nữ đang mang thai hoặc dự định mang thai cần hết sức lưu ý để bảo vệ mình.
Tìm cách tránh xa muỗi, dùng cửa chắn muỗi, xịt thuốc muỗi, hoặc ở trong phòng kín có máy lạnh để ngăn muỗi vào, khi ngủ nhớ mắc màn…
Dọn dẹp nhà cửa gọn gàng sạch sẽ, dọn bớt đồ đạc, phát quang bụi rậm, dọn hết những bãi phế liệu, những vũng nước đọng, đậy kín dụng cụ chứa nước để không tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng và sinh sôi;
Bôi thuốc chống côn trùng, nếu đang mang thai, bạn nhớ hỏi bác sỹ về loại an toàn với thai phụ;
Mặc quần áo dài, che kín da, quần áo nên có màu sáng để tránh thu hút muỗi;
Tránh dùng các sản phẩm chăm sóc da có mùi hương thu hút muỗi;
Lưu ý rằng loại muỗi truyền virus Zika thường hoạt động và đốt vào ban ngày;
Mọi người, đặc biệt là phụ nữ mang thai hoặc dự định mang thai nên tránh đến những vùng đang có dịch bệnh; người vừa trở về từ những nơi đã có dịch bệnh cần theo dõi kỹ tình trạng của mình, tích cực phối hợp với ngành y tế.
Bệnh do virus Zika gây ra cho đến nay chưa có vaccine phòng ngừa, chưa có thuốc điều trị! Người mắc bệnh có thể bị sốt, đau cơ, đau mắt, nhức đầu… nhưng cũng rất nhiều trường hợp bệnh nhân không hề có bất cứ biểu hiện hay triệu chứng gì, điều này khiến dịch bệnh càng đáng ngại hơn, nên tốt nhất tất cả chúng ta hãy có ý thức tự bảo vệ mình cẩn thận ngay từ đầu!
(Tổng hợp)