Bài tập dưỡng sinh “3 nhớ và 3 quên” này dễ thực hiện, tác dụng nhanh và tuyệt nhiên không gây tác động phụ.
Hãy nhớ những điều sau đây cho lòng mình thanh thản.
-
1
Nhớ rằng mình là người bình thường.
Luôn tự coi mình là người bình thường làm cho lòng ta thanh thản. Người ở cương vị càng cao mà biết tự coi mình là người bình thường thì càng được kính trọng. Đối với một số người điều này là không dễ dàng, bởi vì ngay một anh binh nhì cũng vẫn có thể ngạo mạn khinh người y hệt một tướng binh tài ba mắc chứng công thần. Nếu ta là người bình thường thì trên đời này chẳng có gì quan trọng lắm! Vậy thì ta cứ ung dung tự tại, sống cuộc sống của mình, làm những việc phải làm. Chúng ta thường nghe nói: “Cái khó nhất ở đời là biết dừng ở chỗ nào” và “Cái cần thiết nhất là biết mình”. Người luôn nhớ tự coi mình là người bình thường sẽ dễ “biết mình” và cũng dễ “biết dừng”.
-
2
Nhớ rằng mình phải là mình.
Hễ cứ cố sống khác mình đi một chút thôi thì lòng ta đã không thanh thản. Hãy sống hồn nhiên như mình vốn có. Không đạo mạo, cũng không lên gân lên cốt, là cách sống hợp với tự nhiên, vì cuộc sống không thể lúc nào cũng căng như một dây đàn đúng giọng. Mình phải là mình bởi không ai có thể thở bằng hơi của người khác. Có thể và cần phải học ở người khác rất nhiều điều, nhưng phải có cái của riêng mình để góp phần làm cho cuộc sống này đẹp hơn vì có sự đa dạng, vì không ai giống ai!
-
3
Nhớ rằng mình có thể sai.
Tính có thể sai là bản chất của tri thức khoa học. Một học thuyết, hay lý thuyết, không chứa trong mình khả năng kiểm chứng thử – sai chưa phải là một học thuyết (lý thuyết) khoa học. Nữa là một con người trần thế, làm sao mà ta có thể luôn luôn đúng trong nhận thức cũng như trong thực hành. Chuyện kể rằng: Một ngày kia thầy trò Khổng Tử bị đói ở đất Trần Thái. Nhan Uyên tìm kiếm mãi mới được chút gạo để nấu cơm cho thầy. Nóng ruột, chốc chốc lại mở vung ra xem. Tro bếp rơi vào nồi, vội nhúm chỗ cơm tro bỏ vào miệng. Khổng Tử nhìn thấy học trò nhúm cơm ăn, than rằng: “Đến Nhan Uyên mà khi đói bụng cũng ăn vụng sao?”. Để thử trò, Khổng Tử nói “Hễ lâu không có cơm ăn, khi có thì phải cúng thần linh trước”. Nhan Uyên mới vội vàng kêu: “Không được, không được! Lúc nãy tro rơi vào nồi, con nhúp ra định bỏ đi, nhưng tiếc quá nên cho vào mồm ăn. Như vậy cơm này có người ăn rồi không cúng được đâu!”. Khổng Tử giật mình ngộ ra: “Cái chính mắt ta nhìn thấy mà chưa phải là sự thật! Hiểu được lẽ đời khó lắm thay!” Cái tưởng 100% là đúng hóa ra là sai. Ở đời không có cái gì là tuyệt đối, vậy thì mình có thể sai lắm chứ. Bệnh hiếu thắng – vị thuốc độc trong quan hệ giữa người với người – bắt nguồn từ ý thức cho rằng mình không thể sai. Bệnh hiếu thắng luôn làm cho lòng mình không bình yên…
Nhớ rồi lại phải biết quên, hãy quên đi những điều sau đây cho lòng mình thanh thản.
-
1
Quên tuổi tác.
Tuổi tác đôi khi làm ta bận lòng. Cái vòng “sinh, lão, bệnh, tử” ai mà thoát khỏi. Càng già càng hay có vấn đề về sức khỏe. Thường thì mãi đến lúc đã luống tuổi ta mới thấy sức khỏe là quý giá. Khi ngoài kia là trời xanh lồng lộng, nắng gió lung linh mà ta ngồi đây bất lực, mới thấy hối tiếc một thời trai trẻ vung phí sức lực một cách liều lĩnh và dại dột. Rất may là chất lượng cuộc sống ngày càng tốt hơn, tuổi thọ của con người sẽ ngày càng cao hơn. Sắp đến rồi ngày mà:”Sáu mươi tuổi vẫn chưa già. Bảy mươi tuổi vẫn còn là trung niên”. Hạnh phúc thay là có một tâm hồn lành mạnh trong một cơ thể khỏe mạnh. Vậy thì hãy quên đi tuổi tác. Sống vui, sống khỏe để thanh thản tâm hồn.
-
2
Quên bệnh tật.
Bệnh tật thường dày vò ta. Thế nhưng trong cuộc đời thường khi ta phải sáng suốt nhìn nhận tình huống nào là có thể tránh khỏi để dũng cảm vượt qua, tình huống nào là không thể tránh khỏi để bình tĩnh cam chịu. Đối với bệnh tật cũng vậy, đã lỡ mang bệnh tật rồi (nhiều khi vì những rất cao sang, nhưng cũng có khi chỉ vì một sự tầm phào) thì hãy quên đi: hãy vui sống mỗi ngày bằng những công việc thường nhật có ích cho chính mình, cho những người thân yêu và cho đời.
-
3
Quên hận thù.
Chỉ có những người giàu lòng vị tha mới biết quên thù oán. Họ không quá buồn phiền, oán giận khi nhận thấy ai đó quanh ta tỏ ra ích kỷ, vụ lợi, tráo trở hoặc vô ơn bạc nghĩa. Họ ý thức được rằng trong bản chất tự nhiên của con người bình thường đều có thể có những “điều ác” ấy; lòng nhân hậu, tính cương trực và thói quen nhớ ơn kẻ khác chỉ có được ở những con người có giáo dục. Họ thường nhắc nhở ta hãy độ lượng, hãy cố biện minh cho người khác mỗi khi ta bất bình. Và như vậy lòng mình sẽ thấy nhẹ nhàng hơn…