Cách nhận biết thịt lợn có chất tạo nạc, gà bơm nước tăng trọng

0
114
Cách nhận biết thịt lợn có chất tạo nạc

Thịt lợn có chất tạo nạc

Các chất tạo nạc cho lợn tìm thấy ở Việt Nam thường là salbutamol và clenbuterol. Đây vốn là hoạt chất được sử dụng làm thuốc điều trị hen, ngăn cơn co thắt phế quản do gắng sức, viêm phế quản mạn tính, giãn phế nang… Tuy nhiên, vì lợi nhuận, một số cơ sở chăn nuôi đã sử dụng chất này để giúp vật nuôi mau lớn, tăng khối lượng cơ, chuyển hóa làm tiêu mỡ và giúp màu thịt đỏ tươi, ngon mắt hơn.

Người chăn nuôi thường pha chất này với thức ăn cho lợn trong khoảng 1 – 2 tháng, thậm chí là 15 ngày. Sau khi sử dụng khoảng nửa tháng, người chăn nuôi phải cho lợn xuất chuồng vì nếu không chúng sẽ thoái hóa, có thể chết.

Chất tạo nạc nguy hại đến mức nào

Khi ăn phải thịt lợn có chất tạo nạc salbutamol,  cơ thể người tiêu dùng sẽ tồn dư các chất này, có thể dẫn đến hội chứng ngộ độc tim đập nhanh, tăng hoặc hạ huyết áp, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, run tay chân, đau cơ, nhiễm trùng hô hấp. Nếu ăn phải thịt lợn chứa chất tạo nạc, trường hợp nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Cách nhận biết thịt lợn có chất tạo nạc

Cách nhận biết thịt lợn có chất tạo nạc

Người tiêu dùng có thể nhận biết thịt lợn có chất tạo nạc bằng mắt thường như sau:

– Chú ý quan sát chỗ liên kết giữa phần nạc và mỡ, nếu thấy tách rời rõ rệt, có dịch vàng rỉ ra thì đó là lợn nuôi bằng chất tạo nạc. 

– Thịt lợn có chất tạo nạc có màu đỏ tươi bất thường, tuy nhiên lại dễ biến thành màu đỏ sậm ngả sang đen, khi ăn cảm giác khô chứ không có vị béo của thịt.

– Thịt ngon thì phần nạc có độ rắn chắc, đàn hồi cao, ấn ngón tay vào không bị lõm, dính, phần lớp mỡ có màu sáng bóng.

– Tránh thịt có mùi lạ hay mùi thuốc kháng sinh.

– Thịt lợn có chất tạo nạc lớp mỡ mỏng dưới 1cm trong khi lớp mỡ của lợn nuôi bình thường dày từ 1,5 đến 2cm.

Gà bơm nước

Ngoài thịt lợn bị sử dụng chất tạo nạc, bà nội trợ cũng nên cẩn thận để không mua phải thịt gà, vịt bị tiêm nước tăng trọng. Đây là cách làm của không ít cơ sở giết mổ vì mục đích lợi nhuận mà sẵn sàng gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Sự nguy hiểm của thịt gà bị bơm nước

Khi bơm nước vào thịt gà, các chất dinh dưỡng trong thịt sẽ theo nước chảy ra ngoài, làm giảm chất lượng và giá trị dinh dưỡng của thịt. Thịt gà bị bơm nước ăn thấy nhạt và không có vị ngọt đặc trưng.

Cách nhận biết thịt lợn có chất tạo nạc, gà bơm nước tăng trọng
Một cơ sở bơm nước vào gà bị bắt quả tang.

Bên cạnh đó, nếu cơ sở giết mổ sử dụng nước bẩn, nước kém vệ sinh để bơm vào gà, vịt sẽ kèm theo vi khuẩn, mầm bệnh. Như vậy, vô hình chung thịt gà từ món ăn bổ dưỡng sẽ thành ổ vi khuẩn. Nếu như nấu chín hoàn toàn thì có thể tiêu diệt được các loại vi khuẩn, nhưng nếu như người nào ăn tái thì sẽ rất dễ bị nhiễm bệnh, điển hình nhất là bệnh đường tiêu hóa.

Cách nhận biết thịt gà bị bơm nước

Bà nội trợ khi chọn thịt gà cần hết sức cẩn thận, nếu thấy con gà căng tròn thì phải đặt câu hỏi nghi ngờ. Dù trên thực tế rất khó để phân biệt thịt bị bơm nước bằng mắt thường nhưng nếu quan sát kỹ, chị em cũng có thể nhận thấy một số sự khác biệt dưới đây:

– Quan sát hai bên đùi và lườn của con gà, vịt, nếu thấy căng bóng, thớ thịt dày, to bất thường thì không nên mua. Nếu mua gà nguyên con, hãy cầm ngược con gà, vịt xem nó có biến dạng nhiều không. Nếu có thì khả năng cao đó là gà, vịt đã bị bơm nước.

– Chị em có thể dùng tay ấn vào đùi, lườn của con gà, vịt. Nếu bị bơm nước, khi ấn vào sẽ thấy bập bùng và nhão. Trong khi đó, thịt gà, vịt bình thường sẽ có độ săn nhất định

– Nếu thấy con gà quá béo, có thể chỉ cần lấy vật nhọn chọc thủng lớp da, nếu bị bơm nước thì nước sẽ chảy ra qua lỗ chọc.

Hy vọng với những bí quyết hữu ích trên, bà nội trợ có thể chọn mua được thịt lợn, thịt gà, vịt ngon, bổ dưỡng cho cả gia đình.

Nguồn: Theo Emdep/ Công luận

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.