Hầu hết các bà bầu khi gần đến ngày sinh nở đều đã trải qua một lớp học tiền sản, trong đó, các kiến thức về cách rặn đẻ, cách thở lúc chuyển dạ như thế nào,… đã nắm khá rõ. Tuy nhiên, phần vì có quá nhiều kiến thức cần nhớ, phần vì đến lúc chuyển dạ quá đau, quá mệt hay lo lắng, căng thẳng,… mà nhiều mẹ… quên béng nên toàn rặn theo cảm tính; do đó mà đôi khi việc sinh nở khó khăn hơn, nguy cơ bị rạch cũng nhiều hơn. Vì vậy, bài viết dưới đây tập trung vào một vấn đề duy nhất, đó là hướng dẫn mẹ cách thở, cách rặn như thế nào để sinh bé thật nhanh, thật dễ mà không đau nhiều. Mẹ tham khảo nhé!
Hướng dẫn cách rặn đẻ
1. Xác định cơn co và thời điểm rặn đẻ
Tiến trình chuyển dạ thường diễn ra khá lâu với tần suất, mức độ các cơn co tăng dần. Thông thường, khi bắt đầu chuyển dạ thì tần suất cơn gò khoảng 10 phút/lần, kéo dài chừng 10 – 15 giây với mức độ đau vừa phải. Sau đó, các cơn co dần xuất hiện dày hơn, đau hơn và khi chúng xuất hiện dày hơn, lâu hơn (trên 3 cơn co trong 10 phút và kéo dài 30 – 40 giây, kết hơn cơn đau dữ dội) là đến thời điểm mẹ bắt đầu được rặn.
Nắm được cách thở và cách rặn đẻ đúng là mẹ đã thành công 90% trong cuộc sinh rồi. (Ảnh minh họa)
Xác định được cơn co và thời điểm rặn đẻ giúp sản phụ điều tiết hơi thở và rặn đúng lúc để cuộc sinh nở diễn ra suôn sẻ, tránh kéo dài cuộc chuyển dạ gây ra mệt mỏi và những tổn thương, biến chứng nặng nề ở người mẹ, đồng thời dễ khiến bé bị ngạt.
2. Cách thở khi chuyển dạ
Như đã nói ở trên, các cơn co kéo đến theo tính chất chu kì và chia làm 3 giai đoạn (gọi là 3 thì) – thì co, thì kéo dài và thì nghỉ. Ở thì đầu tiên, mẹ sẽ cảm thấy bụng mình cứng lên và cơn đau tăng dần. Thì kéo dài là khi cơn đau đạt “đỉnh điểm”, sau đó, cảm giác đau giảm dần đi và ngừng hẳn – đó là thì nghỉ – đây cũng là khoảng cách giữa các cơn gò.
Để giữ sức và thật bình tĩnh trước khi chính thức được “rặn”, mẹ bầu cần chú ý thở đúng thay vì kêu gào, la hét hay thở gấp gáp, mất nhịp,… sẽ rất nhanh bị mất sức. Do đó, hãy tập trung vào nhịp thở như sau:
– Khi bắt đầu cảm nhận cơn co (thì đầu) thì tập trung vào hơi thở và thở nhanh dần đến khi cơn đau đạt đỉnh điểm (thì kéo dài). Hãy hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng, sao cho tạo ra âm thanh giống như tiếng rít hoặc tiếng huýt sáo nhỏ; cơn đau càng tăng thì thở càng nhanh và nông hơn, tức là tăng dần đều tần suất nhịp thở từ thì co đến thì kéo dài. Đến thì nghỉ (khi cơn đau giảm dần rồi ngừng) thì mẹ cũng giảm dần tần suất nhịp thở, thở chậm lại và sâu hơn rồi đưa nhịp thở về mức bình thường, nhẹ nhàng khi cơn đau ngừng để lấy lại sức và tích trữ năng lượng cho các cơn gò tiếp theo.
– Lặp lại quy trình thở như trên.
3. Cách rặn đẻ đúng
Thông thường, khi xác định được thời điểm rặn và biết cách rặn đẻ đúng, mẹ chỉ mất một thời gian rất ngắn để đẩy em bé ra ngoài. Như đã nói, thời điểm rặn là khi các cơn gò kéo đến quá 3 lần trong 10 phút, kéo dài 30 – 40 giây và đau dữ dội, có cảm giác rất buồn rặn. Lúc này, bác sĩ cũng sẽ nhắc nhở, hướng dẫn mẹ chuẩn bị lấy sức.
Đầu tiên, khi cảm nhận cơn đau xuất hiện, bụng gò cứng dần thì mẹ hãy hít thật sâu sau đó nín thở, ngậm chặt miệng, tay nắm chặt vào thành giường và chân đạp mạnh vào bàn đạp phía cuối giường, giữ thẳng lưng áp sát vào mặt giường, cong mông về phía trước, dồn hơi và rặn thật mạnh để đẩy hơi xuống bụng dưới. Trong trường hợp sắp hết hơi nhưng vẫn đau thì mẹ có thể hít tiếp một hơi khác và rặn tiếp cho đến khi cơn đau ngừng hẳn thì thở đều và sâu để lấy sức cho lần rặn sau.
Lưu ý, trong quá trình rặn cố gắng ngậm chặt miệng để không phát ra tiếng rên la, có thể nhắm mắt và áp sát cằm về phía ngực.
Điều quan trọng nhất là mẹ bầu cần giữ được bình tĩnh, không kêu la và cố gắng làm theo đúng hướng dẫn của bác sĩ/người hộ sinh để sớm mẹ tròn con vuông. (Ảnh minh họa)
Với cách rặn như thế này, mẹ sẽ nhanh chóng đẩy được em bé ra ngoài mà không bị mất quá nhiều sức hay thậm chí kiệt sức vì quá trình chuyển dạ quá lâu (có mẹ chỉ rặn 1 – 3 lần là đã đón bé yêu chào đời rồi). Em bé cũng sẽ an toàn, khỏe mạnh hơn mà mẹ tránh được cái biến chứng phức tạp ở ống sinh cũng như hạn chế tình trạng băng huyết sau đẻ.
Ngoài việc nắm rõ cách rặn đẻ như trên, mẹ cũng lưu ý giữ tinh thần tốt, bình tĩnh, tránh căng thẳng hay lo lắng quá mức và giữ gìn sức khỏe thật tốt để sớm mẹ tròn con vuông nhé!
Nguyệt Nga