Thời tiết mùa đông thất thường với những đợt lạnh rét, hửng nắng, ấm áp đan xen khiến cho những người sức đề kháng yếu khó có thể thích nghi. Trong đó trẻ em là đối tượng dễ bị cảm cúm, viêm phổi nếu phụ huynh lơ là. Tuy nhiên, không thể “mất bò mới lo làm chuồng” mà phụ huynh phải có cách nâng cao sức đề kháng cho trẻ để thoát khỏi ám ảnh những lần cảm cúm, sốt cao khi gió mùa về.
Mấy ngày gần đây, thời tiết đang lạnh xuất hiện nắng hanh nên nhiều trẻ phải nhập viện do bệnh hô hấp. Các bệnh trẻ thường gặp là ho, sốt, đau đầu, mệt mỏi, cảm cúm, viêm phổi…Nhiều trẻ được bố mẹ đưa từ các tỉnh lân cận về hết sức vất vả.
Chị Thảo (Ninh Bình) mệt mỏi sau chuyến xe đêm để kịp giờ làm việc sáng của bệnh viện. Chồng xách túi quần áo nặng trịch, chị vừa bế con vừa cầm bình sữa mới pha còn nóng hổi. Bệnh viện đông đúc nên cả hai vợ chồng khó khăn lắm mới tìm được chỗ ngồi ở hành lang để cho con uống sữa. Cháu bé liên tục không chịu ăn, khó khăn lắm chị Thảo mới dỗ dành để con uống hết bình sữa.
Cam là loại hoa quả cung cấp nhiều vitamin hỗ trợ sức đề kháng.
Theo lời kể của chị Thảo, khoảng 1 năm trở lại đây, mỗi khi thay đổi thời tiết con trai chị thường bị cảm cúm, nặng nhất là viêm phế quản. Mỗi lần như vậy chị đều đưa đến phòng khám tư để bác sĩ kê đơn. Dùng kháng sinh một thời gian thấy khỏi, anh chị không còn để ý nhiều. Tuy nhiên do chữa không dứt điểm nên mỗi lần thay đổi thời tiết, cả nhà lại lao đao vì thức đêm thức hôm chăm con.
“Tối qua con tôi bị sốt cao 40 độ C, cứ hạ sốt xong lại sốt cao trở lại. Tôi lo lắng quá nên không đợi được nữa phải đưa con đi ngay trong đêm để kịp giờ khám buổi sáng. Sức khỏe của cháu yếu quá, một phần do biếng ăn mà bố mẹ bận quá nên không có thời gian theo sát từng bữa ăn”, chị Thảo nói.
Còn một phụ huynh khác đưa cháu nội đến khám tại bệnh viện cũng ngao ngán với thay đổi chóng mặt của thời tiết. Buổi sáng đi học do nắng nóng nên cháu nội của ông không mang theo áo khoác, nhưng buổi chiều về thời tiết trở lạnh, đến tối xuất hiện dấu hiệu hắt hơi, sổ mũi, đau đầu, sốt cao.
“Thời tiết thay đổi chóng mặt thế đến người lớn còn khó chịu nữa là trẻ con. Nhiều khi giữ cho cháu cả tuần nhưng chỉ cần một hôm đi ngoài trời lạnh mà không được giữ ấm là ốm nga”, phụ huynh này nói.
Cho trẻ ăn thế nào?
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ dinh dưỡng Minh Hoa cho hay, để tránh phải điều trị kéo dài do những đợt ốm lâu khỏi, phụ huynh phải tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Đối tượng dễ bị ốm lúc thay đổi thời tiết hay có gió mùa lạnh là trẻ nhỏ.
Vì vậy, ngay từ khi sinh ra, người mẹ phải chú ý cho trẻ bú sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu tiên. Bởi trong sữa mẹ có những dưỡng chất vô cùng quý giá mà không sữa nào thay thế được. Ngoài ra, trong sữa mẹ còn có những dưỡng chất có thể hỗ trợ hệ miễn dịch, ngăn chặn virus và vi khuẩn nâng cao sức đề kháng, ngăn ngừa bệnh tật.
Trong việc xây dựng sức đề kháng tốt, phải đảm bảo cho trẻ ăn uống đúng giờ, ăn đủ bữa. Việc ăn thất thường sẽ khiến trẻ ăn ít hơn, kém ăn, chán ăn, vì không hình thành được thói quen. Từ việc ăn ít trong từng bữa sẽ ảnh hưởng đến dinh dưỡng hấp thu vào cơ thể.
Bữa ăn cần phối hợp đa dạng thức ăn, trong đó cần thức ăn giàu chất đạm, tinh bột và các loại thịt để tăng cường năng lượng. Lưu ý bổ sung cá vì đây là thực phẩm có chất chống oxy hóa, hữu ích với việc xây dựng hệ miễn dịch.
Tuy nhiên, đừng quên cho trẻ ăn thêm rau xanh, nguồn cung cấp chất xơ để hệ tiêu hóa làm việc được tốt hơn. Ví dụ như: 200 gr bông cải tươi cung cấp tới 75% lượng vitamin cần thiết cho bé trong một ngày. Bên cạnh đó, bông cải (súp lơ) còn chứa chất xơ, chất chống oxi hóa, vitamin B, C, những thành phần rất tốt cho hệ miễn dịch.
Bổ sung vitamin cũng vô cùng quan trọng, trong đó cần thiết nhất là vitamin A. Bởi vitamin A đi vào cơ thể sẽ giúp đường hô hấp hoạt động tốt hơn, đặc biệt các chất nhầy ở đường hô hấp. Những chất nhầy này giúp hạn chế các tác nhân có thể gây bệnh ở đường hô hấp có thể xâm nhập.
“Ngoài vitamin A thì vitamin C cũng rất cần thiết. Nó có trong các loại trái cây như cam, chanh, quýt, táo… phù hợp để nâng cao sức đề kháng”, bác sĩ nói.
Ngoài ra, phụ huynh phải đảm bảo cho trẻ ngủ đủ giấc đặc biệt với trẻ nhỏ, sơ sinh. Mặt khác, ngoài việc có hệ miễn dịch tốt cần phải tránh xa tác nhân gây bệnh. Thường xuyên nhắc nhở trẻ rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, vệ sinh đồ chơi, dọn dẹp nhà cửa. Tránh cho trẻ tiếp xúc với người bị ốm, cảm cúm, bệnh hô hấp…
Vũ Minh
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.