Về cơ bản thì, ở đâu, các bức vách cũng đều có “tai” nhưng riêng ở công ty tôi, thì “cái tai” còn dò sóng một cách nhanh nhạy quá, dẫn đến nỗi khổ của không biết bao nhiêu người. “Cái tai” cứ nghe được một vài chi tiết chắp vá, thế là suy diễn, thế là lắp ghép thành những câu chuyện hại người. “Cái tai” ấy là cách gọi một cô nàng trong văn phòng tôi.
Hôm trước, trong giờ nghỉ nhé, em gái tôi gọi điện, kể cho tôi nghe chuyện về một người bạn chung của cả hai chị em. Em tôi kể, cô bạn đó có anh người yêu, anh này cứ dùng dằng giữa việc cưới và không cưới. Tôi buột miệng hỏi: “Thế tóm lại là có cưới không?”. Hôm sau cả công ty đã được chiêu đãi câu chuyện tôi… ngoại tình, và phải mắng vào mặt nhân tình xem cuối cùng thì có cưới hay không để tôi còn bỏ chồng cho kịp! Thực sự tôi sôi máu giận, muốn “xả” cho cô ta một trận tơi bời chứ không đùa. Khổ cái, lúc nào cô ấy cũng diễn cái vẻ mặt ngây thơ vô số tội, nên khi tôi hỏi chuyện, cô ta nhất nhất cãi là chuyện ấy không phải em nói ra. Bực lắm mà chả có cách nào.
Cô ta không buông tha bất cứ thông tin gì thuộc về đời tư cá nhân của người khác. Rình mò Facebook, có bất cứ chuyện gì cũng được thổi phồng lên. Kiểu như có một chị kêu buồn thì nhất định sẽ là chị ấy chán chồng. Em nhân viên trẻ chưa chồng mà kêu buồn thì nhất định là em đang chán ghét cái công ty này lắm và cần nhảy việc. Nói chung là cái sức suy diễn thì vô hạn, vô cùng.
Chưa kể là cái tội thích làm thân với sếp và đưa chuyện. Sếp tôi là phụ nữ, mà nói không sai, người ta đã đúc kết là công ty nào có sếp nữ, công ty ấy sẽ vô cùng nhiều chuyện. Vì bản tính phụ nữ luôn tiểu tiết, tò mò chứ không dứt khoát, quyết đoán và tập trung vào mục đích chính của vấn đề giống như nam giới. Sếp nữ của chúng tôi coi chuyện buôn dưa như kiểu quà vặt, đem ra nhâm nhi khúc khích hàng ngày, rồi nhìn những nhân vật trong câu chuyện như một lũ đáng thương. Chúng tôi biết hết, và giận ghê gớm, nhưng chưa có cách nào chấn chỉnh.
Đỉnh cao của thói xấu “kiếm chuyện làm quà” là khi một cô bạn đồng nghiệp trong phòng có chồng ngoại tình. Cùng là chị em phụ nữ với nhau, chúng tôi hiểu chứ, sống trong cái cảm giác ấy thì đau khổ vô cùng, mà thân phận đàn bà không ai dám nói hay nói giỏi về chuyện chồng mình sẽ ngoại tình hay không. Thế nên chúng tôi cũng luôn im lặng cảm thông với cô bạn ấy. Những lúc cô ấy ngồi thẫn thờ, chúng tôi im lặng, nháy nhau đừng ai hỏi han gì, để cho ấy đỡ đau đầu. Nhưng riêng cô “chim lợn” thì thích lắm, cứ xoắn vào, ra vẻ cảm thông. Cái kiểu người này chúng tôi biết rõ, chỉ ra vẻ cảm thông ngoài mồm nhưng ngay sau đó là đem chuyện ra ngoài kể lể, như kiểu mình vừa lập được chiến công to. Mà cứ hễ bị nhắc nhở phê bình là khóc lóc lu loa như mình oan ức và chắc chắn lại nhận được sự bênh vực từ sếp nữ.
Trong khi mọi người thì ai cũng muốn bảo nhau yên lặng, đừng hỏi han nhiều quá nếu cô bạn kia không muốn kể, bởi vì với cả người đang gặp chuyện lẫn người ngoài, thì yên lặng luôn là cách tốt nhất cho cả hai phía. Bên gặp khó khăn thì nên yên lặng để tránh vùng phủ sóng của “chim lợn”. Còn bên nghe thì càng nên yên lặng bởi vì dù sao đó cũng không phải là việc nhà mình. Nhưng, cô “chim lợn” kia thậm chí còn trơ đến nỗi nhắc nhở các chị em còn lại trong phòng, hãy “thông cảm” hơn, hãy “quan tâm” hơn đến cô bạn bị chồng phản bội. Nào là phải biết hỏi han, phải biết lắng nghe, phải biết chung tay giải quyết cùng với bạn! Nói thật nhé, chúng tôi ghét cô ta đến nỗi chỉ đứng gần cô ta cũng đã thấy nặng nề khó chịu rồi. Chúng tôi không thèm chấp cái kiểu quan tâm giả dối, tò mò tọc mạch dưới danh nghĩa hỏi han sự tình của cô ấy nữa thì cô ấy lại tưởng mình hay ho lắm.
Cuối năm, bình xét công việc, tất cả chúng tôi đều đánh giá cô ấy là chuyên môn yếu và đề nghị chấm dứt hợp đồng. Thế là cô ấy lại khóc, cô ấy lại kêu ca như thể cả công ty này toàn người xấu, chỉ mình cô ấy tốt. Sếp nữ cũng muốn can thiệp nên họp cả phòng tôi lại, mắng mỏ chúng tôi là cá nhân chủ nghĩa, là không biết nhìn nhận toàn diện, là ích kỷ… Chúng tôi “bơ” hết, mặc kệ ai muốn nói gì thì nói.
Hôm sau, trên Facebook cô ấy là hàng chục cái status than thở cuộc đời ủ dột bất công, đồng nghiệp chèn ép, bạn bè nhỏ mọn, công việc vất vả lại không được tạo điều kiện. Chúng tôi liền nghĩ ra một trò vui. Chúng tôi lấy một cái nick Facebook cũ của một bạn trong phòng, rồi xin add friend với cô ta. Chúng tôi giao cho một bạn ngồi “trực chiến” trên laptop để tranh thủ kể lể với cô ta về chuyện gia đình. Nào là: em khổ lắm, nào là chồng em ngoại tình, nào là em thấy chị sẽ có sự đồng cảm sâu sắc vì quan điểm chị chia sẻ trên Facebook giống em quá nên em kết bạn…
Hai bên kể lể chán chê thì đến tiết mục nói xấu công ty. Gì chứ “chim lợn” chịu đựng tính nết đồng bóng của sếp bà suốt bao nhiêu lâu cũng đâu có dễ. Giờ trong lúc cả công ty ghét ra mặt, sếp bà không bảo vệ được, lại gặp “cạ cứng” dốc bầu tâm sự trên Facebook, thế là “chim lợn” nói xấu sếp của chúng tôi. Nói mê mải, say sưa, nói như chưa bao giờ được nói. Biết ngay mà, những kẻ ưa tọc mạch chuyện người khác cũng chả bao giờ tử tế với những người cùng phe cánh với mình đâu, vì cái bản tính xấu xa thì đi đâu cũng đều lộ diện.
Thế là chúng tôi chụp lại toàn bộ màn hình mà “chim lợn” dành để nói về sếp tôi, gửi vào email cho sếp. Ba hôm sau, “chim lợn” đi khỏi công ty ngay lập tức, không một ai giải thích là vì sao.
Lu
Xem thêm:
Mời độc giả tiếp tục chia sẻ những câu chuyện chốn công sở hoặc kinh nghiệm văn phòng để nhận được những tư vấn từ độc giả ChaMeCuaCon.com. Tất cả những chia sẻ, mời các bạn gửi tới địa chỉ mail hanglt@i-com.vn.
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.