Nhờ bộ rễ dài tới bốn đến năm mét, cỏ vetiver như một tấm lưới khổng lồ giữ và cải tạo đất cho các bãi thải than.
Sau những biện pháp như hạ độ dốc các bãi thải, bắt vít bê tông gia cố taluy (sườn bãi thải), Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) đã dùng giải pháp trồng cỏ vetiver để cải thiện môi trường tại các bãi thải than.
Lưới vít bê tông tự nhiên
Cỏ Vetiver được ươm trồng ở bãi thải Chính Bắc, Công ty CP Than Núi Béo. Ảnh: Q.Huy. |
Ông Vũ Mạnh Hùng, Phó TGĐ thường trực Tập đoàn Than khoáng sản cho biết: “Mỗi năm ngành than thải ra khoảng 150 triệu tấn đất đá, số ít được dùng san lấp và xây dựng, còn lại được gom tại các bãi. Có những bãi thải cao tới 300m (bãi Nam Đèo Nai), những khối núi nhân tạo này có thể “di động”, sạt lở bất cứ lúc nào khi mưa lũ”.
Tháng 8/2006, bãi thải Nam Đèo Nai vùi lấp một con mương dài hai km và một số nhà dân, Than khoáng sản phải mất hơn hai năm khắc phục hậu quả sự cố, thiệt hại trên 7 tỷ đồng. Các bãi thải tập trung khác như như Đèo Nai, Dương Huy, Hà Tu và Cọc Sáu cũng trong tình trạng quá tải và nguy hiểm cho người dân sống xung quanh.
Theo thạc sĩ Trần Miên, Ban môi trường TKV, những biện pháp như hạ độ dốc các bãi thải, bắt vít bê tông gia cố taluy (sườn bãi thải) chưa đem lại nhiều hiệu quả kinh tế và môi trường. Chính vì vậy, từ lâu, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) nung nấu tìm một giải pháp cải tạo bãi thải than mới.
Thạc sĩ Miên cho biết thêm, ý tưởng trồng cỏ vetiver cải tạo bãi thải than xuất phát từ những nghiên cứu và kinh nghiệm của một số nước đã áp dụng như Austrlia, Mỹ, Nam Phi, Tây Ban Nha. Những nước này trồng cỏ vertiver cho việc cải tạo những bãi thải khai thác than, vàng, bauxite… và đem lại hiệu quả cao.
Trước đó, Việt Nam trồng cỏ vetiver ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để kè các tuyến dân cư vượt lũ, chống xâm thực mặn. Với bộ rễ dài tới ba đến bốn mét, đâm sâu vào lòng đất, khiến đất đá không bị xói mòn, rửa trôi, giúp chống sạt lở bờ sông, đê điều.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Cục phó Cục kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công thương), cho biết trồng cỏ vetiver cải tạo bãi thải than là ứng dụng mới nhất của TKV. Rễ cỏ ăn sâu vào lớp đất đá, có tác dụng như một mạng “lưới beton” tự nhiên, chống sạt lở, làm sạch đất và cải tạo môi trường các bãi thải than.
Chìa khóa cải tạo bãi thải than
Theo ông Hùng, so với giá thành các phương pháp như hạ độ dốc sườn bãi thải (bốc lớp đất đá các bãi thải để hạ độ cao và độ dốc nguy hiểm, tránh sạt lở) hoặc vít lưới bê tông để giữ đất đều là những biến pháp tốn kém và không bền vững. “Một bãi thải diện tích 5ha, số đất đá cần bốc khoảng 500.000 m3, với giá 8.000 đến 10.000 đồng một m3 đất bốc dỡ, số tiền đã là 5 tỷ đồng chưa kể chi phí cải tạo, xây bờ kè, nạo vét song suối trong khu vực… Nếu trồng cỏ vetiver, 5ha chỉ mất khoảng 1,25 tỷ đồng (bằng ¼ chi phí bốc dỡ)”, ông Hùng cho biết.
Một điểm nổi trội là cỏ vetiver có khả năng sống, và sinh trưởng tốt trên bãi thải than, điều mà các cây cỏ khác khó trụ được. “Phương pháp trồng cỏ vertiver cũng đơn giản, khả năng sống đạt 98% và khá phù hợp với điều kiện Việt Nam”, ông Hùng cho biết.
Theo ông Miên, TKV bắt đầu trồng cỏ vetiver từ tháng 10/2007 tại các bãi có nguy cơ sạt lở cao như Cọc Sáu – Hồng Thái, Nam Đèo Nai, Hà Tu và Núi Béo. Năm 2009, TKV đẩy nhanh trồng mới 50ha, tại các bãi thải mới như Đông Tụ Bắc, Đông Cao Sơn, Đông Bắc Khe Rè, bãi thải Bắc, Nam Cao Sơn và Khe Chàm III. “Do đất bãi thải nghèo chất dinh dưỡng, chỉ cần bộ rễ cỏ vetiver đạt độ dài hai đến bốn mét như hiện nay thì việc sạt lở bãi thải sẽ cơ bản được khống chế. Thời gian ngắn tới đây, màu xanh sẽ lại về trên các bãi thải, vốn là những khu “đất chết” của vùng mỏ trước đây”, ông Miên tự tin.
Cỏ Vetiver có tên khoa học là Vetiveria zizanioides (Linn) Nash, thuộc họ Graminea (Poaceae), tông Andropogoneae, tên chi Vetiveria bắt nguồn từ Vetiver. Theo các nhà thực vật học thì cỏ Vetiver là loài bản địa thuộc miền bắc Ấn Độ. Ở Việt Nam, cỏ Vetiver còn được gọi là cỏ Hương Bài hay Hương Lau được được trồng nhiều ở Thái Bình, Nghệ An. |
Theo Báo Đất Việt