Cải thiện an toàn khi đi qua đường sắt

Cải thiện an toàn khi đi qua đường sắt

Intelligent Transport System là hệ thống có khả năng ngăn ngừa tai nạn xảy ra ở các đoạn đường giao cắt với đường sắt.

Trong thời đại hướng tới những mạng lưới giao thông thông minh và an toàn hơn, các hãng xe đang phát triển những hệ thống an toàn sử dụng công nghệ không dây để chia sẻ thông tin giữa các phương tiện và cơ sở hạ tầng, như cột đèn giao thông, đường đang làm, các đoạn đường giao nhau và biển báo dừng.

Những ứng dụng tiềm năng của các hệ thống giao tiếp Xe với xe (Vehicle-to-vehicle – V2V)Xe với đường (Vehicle-to-infrastructure – V2I) đang được mở rộng liên tục, và trong khi hãng GM tiếp tục làm việc để đưa thêm cả thông tin của người đi xe đạp và người đi bộ vào công nghệ này, một nhóm các nhà nghiên cứu từ trường Đại học La Trobe ở Melbourne, Úc, đang tìm cách cải thiện độ an toàn khi đi ngang qua đường sắt thông qua phát triển một hệ thống cho phép liên lạc giữa tàu hỏa và các phương tiện xe cộ trên đường.

Cải thiện an toàn khi đi qua đường sắt
Ô tô sẽ kết nối không dây với tàu hỏa khi đến gần đoạn giao nhau

Theo Cục An toàn Giao thông của Úc (ATBS), có hơn 630 vụ tai nạn xảy ra ở đoạn giao nhau với đường sắt tại nước này trong khoảng thời gian từ năm 2001 đến 2009. Dù các hệ thống cảnh báo chủ động, như thanh chắn, đèn nháy hoặc rào ngăn, có thể giúp giảm thiểu tai nạn xảy ra, chi phí lắp đặt và bảo dưỡng chúng khá đắt. Các biển báo cố định rẻ hơn nhưng lại kém hiệu quả hơn, đặc biệt khi tầm nhìn hạn chế và lái xe đang trong tình trạng mệt mỏi.

Một nhóm nghiên cứu ở Trung tâm Công nghệ trực thuộc Đại học La Trobe (CTI) đã phát triển Hệ thống Giao thông Thông minh (Intelligent Transport System – ITS) sử dụng GPS và công nghệ không dây phục vụ liên lạc trong phạm vi ngắn (Dedicated Short Range Communications – DSRC) để thiết lập kết nối không dây giữa tàu hỏa và các phương tiện đang đến gần đoạn cắt ngang đường sắt. Hệ thống này được thiết kế nhằm phát hiện khả năng xảy ra va chạm và cảnh báo lái xe qua chuông báo lắp trên xe có khả năng tăng âm lượng và cường độ khi tàu đến càng gần đoạn giao nhau.

Từng được vinh danh tại hạng mục Nghiên cứu & Phát triển của giải thưởng công nghệ iAwards 2013, nhóm các nhà nghiên cứu trên đã nghiên cứu, thử nghiệm và cải tiến hệ thống này trong suốt 3 năm qua. Các đợt kiểm nghiệm thực tế trên các đoạn giao nhau với đường sắt trong nội thành và khu vực lân cận đã được thực hiện với khoảng 100 phương tiện xe cộ và tàu hỏa trang bị công nghệ này.

Giáo sư Jugdutt (Jack) Singh, Giám đốc Trung tâm CTI, chia sẻ kết quả của các đợt thử nghiệm “vượt quá mong đợi”, và theo dự kiến những hệ thống ứng dụng công nghệ giao thông thông minh như đội ngũ của ông đang phát triển sẽ sẵn sàng có mặt trên những mẫu xe mới từ năm sau. Hệ thống này sẽ mang đến một cách làm tiết kiệm để cải thiện an toàn khi đi ngang qua đường sắt, với chi phí lắp đặt trên toàn bộ tàu hỏa ở bang Victoria theo ước tính còn thấp hơn chi phí nâng cấp một đoạn đường giao cắt với đường sắt bằng các thanh chắn.

 

Theo Aurocarvietnam