Trong công việc và cuộc sống, chúng ta khó tránh khỏi những va chạm, khúc mắc nơi công sở. Đối diện những mâu thuẫn với đồng nghiệp không hề đơn giản chút nào. Thậm chí, không ít người còn rơi vào tình trạng trầm cảm khi gặp phải những vấn đề “cơm không lành, canh không ngọt” với đồng nghiệp. Vậy, làm cách nào để có thể xử lý tốt những bất hoà với đồng nghiệp để có được một cuộc sống thoải mái và mỗi ngày đi làm là một ngày vui?
Để làm được điều đó, bạn nên tuân thủ một số nguyên tắc sau đây khi có mâu thuẫn với đồng nghiệp.
Thân thiện, giúp đỡ mọi người
Cách tốt nhất để giải quyết mâu thuẫn nơi công sở là không để chúng xảy ra. Vui vẻ, hoà nhã với mọi người, luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác là cách tốt nhất để bạn có được tình cảm yêu mến của đồng nghiệp. Sự yêu mến, quý trọng của đồng nghiệp sẽ là thứ “thuốc đề kháng” tốt nhất giúp bạn tránh xa những rắc rối với đồng nghiệp.
Khi một vấn đề khúc mắc nào đó nảy sinh, nên tìm cách giải quyết hài hước, vui vẻ nhất, tránh để ai đó bị bẽ mặt hoặc bị tổn thương. Sự hài hước có thể biến những việc lớn thành việc nhỏ…
Tìm hiểu kỹ nguyên nhân của mâu thuẫn
Khi phát sinh mâu thuẫn với đồng nghiệp, chúng ta nên bình tĩnh để tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng tồi tệ đó. Không nên vội vàng kết luận lỗi do đối phương. Bởi tất cả mọi chuyện đều có nguyên nhân của nó
Nếu đó chỉ đơn thuần là mâu thuẫn vì công việc xuất phát từ những bất đồng trong việc thực hiện kế hoạch nhằm làm tốt công việc thì không có gì đáng lo sợ. Bởi dù không đồng quan điểm nhưng cả bạn và “đối thủ” đều hướng đến mục tiêu hoàn thành tốt công việc.
Trong trường hợp này, bạn nên cố gắng chứng minh mình đúng, kế hoạch của mình có hiệu quả. Hiệu quả công việc chính là chìa khoá để phá bỏ mâu thuẫn giữa bạn và đồng nghiệp.
Nhưng nếu đó là những mâu thuẫn do sự ganh ghét, đố kỵ tầm thường thì bạn nên phớt lờ chúng. Hãy tỏ ra không quan tâm đến những lời ong tiếng ve, những lời xuyên tạc về bạn. Sự “bao dung” của bạn có thể sẽ khiến đối phương mệt mỏi và từ bỏ ý định “tấn công” bạn.
Hãy thẳng thắn trao đổi
Khi những mâu thuẫn đã lên đến đỉnh điểm, chúng ta nên đối mặt với nhau để giải quyết mọi chuyện. Đây là một việc vô cùng khó khăn. Bởi rất có thể, cuộc “đối diện” này sẽ trở thành một cuộc “chiến tranh” thực sự nếu bạn không đủ sức kiềm chế.
Khi nói chuyện thẳng thắn và nghiêm túc với “đối thủ”, bạn luôn phải giữ bình tĩnh. Nên có thái độ kiềm chế trước mọi chỉ trích, công kích của đối phương. Đồng thời, bạn nên đưa ra những bằng chứng thuyết phục để gạt bỏ mâu thuẫn hoặc chí ít cũng làm nó không bị thổi phồng hơn nữa.
Trao đổi với lãnh đạo công ty
Nếu quả thực những công kích của đồng nghiệp dành cho bạn là vô lý và nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn, hãy trao đổi một cách bình tĩnh, khách quan nhất với lãnh đạo công ty. Tất nhiên, khi trao đổi, bạn nên đưa ra những “chứng cớ” chứng tỏ bạn đang phải chịu đựng những sự tấn công vô lý và thiếu chuyên nghiệp.
Tất nhiên, mỗi vị lãnh đạo sẽ có một cách xử lý khủng hoảng riêng. Chúng ta nên tôn trọng cách xử lý công việc đó. Tuy nhiên, nếu mâu thuẫn vẫn không được giải quyết, chúng ta cũng cần phải tự tìm cho mình giải pháp.
Chuyển bộ phận hoặc tìm việc mới
Nếu ngay cả lãnh đạo công ty cũng không thể giải quyết được những mâu thuẫn, bạn nên xem xét đến việc chuyển bộ phận khác hoặc xin nghỉ làm. Không phải đối mặt với “đối phương” là giải pháp cuối cùng để giải quyết mâu thuẫn. Có thể bạn sẽ bị thiệt thòi khi quyết định như vậy song cái bạn nhận lại được chính là sự thanh thản, thoải mái cho tâm hồn khi không phải đau đầu vì những mâu thuẫn không đáng có với đồng nghiệp.
Quốc Khánh
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.