Cảm thấy xúc phạm khi mẹ chồng mang chuyện bố tái hôn ra nhạo báng

Cảm thấy xúc phạm khi mẹ chồng mang chuyện bố tái hôn ra nhạo báng

Tôi năm nay 30 tuổi, đã lập gia đình 8 năm với hai con trai gái đầy đủ. Gia đình chồng tôi khá gia trưởng và khuôn phép, khiến cuộc sống của tôi không được thoải mái cho lắm. Tiếng là dâu trưởng và kiếm ra tiền nhưng tôi ít khi được quyền quyết định mọi việc từ việc nhỏ như về thăm nhà chứ chưa nói đến những việc lớn lao. Làm dâu suốt 8 năm nhưng mỗi khi về nhà thăm bố đẻ tôi vẫn phải gọi xin phép mẹ chồng. Muốn về ngoại thì tôi phải vắng mặt ở nhà ít nhất là 2 hôm nên dễ dàng bị mẹ chồng phát hiện. Có những lúc tôi nghĩ về thăm bố thì sao, tự quyết cho con về thăm cụ ngày nghỉ thì lập tức bị mẹ trách mắng vô phép vô tắc thậm chí gọi điện nói với bố tôi. Không muốn làm bố tôi phải buồn nên tôi luôn làm theo ý mẹ chồng.

Tôi sinh ra và lớn lên ở miền quê Miền Trung nghèo, vất vả. Mẹ tôi mất khi tôi 8 tuổi, bố ở vậy nuôi tôi mà không đi bước nữa. Phần vì bố tôi quá yêu mẹ, phần vì sợ tôi phải sống trong cảnh “mẹ kế con chồng”; “con chung con riêng” nên bố tôi chẳng mở lòng với bất kỳ ai. Ông là giáo viên, đã về hưu năm ngoái. Suốt ngày quẩn quanh với vườn cây ao cá, nhiều lúc thấy bố như vậy tôi rớt nước mắt thương ông, suốt ngày lủi thủi một mình. Vì tôi sống và làm việc ở Hà Nội nên ít khi về thăm bố mà mời ông lên ở cùng thì được dăm bữa nửa tháng ông lại đòi về. Tôi chẳng biết làm sao nữa. Gần đây, thấy sức khỏe bố kém đi nhiều, hơn nữa thấy bố cô quạnh, nên tôi ngỏ ý muốn bố tìm người bầu bạn. Lúc đầu, bố cương quyết cự tuyệt, nói “suốt thời gian qua, bố không lấy thì thôi. Giờ già rồi còn lấy vợ người ta cười cho”. Nhưng tôi khóc như xin bố “hơn 20 năm qua bố hi sinh thế nào con là người hiểu nhất, nhưng giờ bố già rồi, bố không muốn lên sống với vợ chồng con thì bố phải tìm người bầu bạn, nương tựa tuổi già. Nếu bố thương con, muốn con yên tâm sống ở Hà nội thì bố đừng từ chối”. Cuối cùng bố tôi cũng xiêu lòng, im lặng mặc tôi lo mọi chuyện.

Cảm thấy xúc phạm khi mẹ chồng mang chuyện bố tái hôn ra nhạo báng
Mẹ chồng mang chuyện của bố tôi ra bình luận với bạn vui vẻ

Tôi nhờ mấy cô bạn bố tìm hiểu và mối lái cho bố người phụ nữ 50 tuổi, cũng là giáo viên. Cô không sinh được con nên đoạn tuyệt với cuộc sống gia đình. Cô cũng không phải là người có sắc, thậm chí là thô kịch và xấu nhưng đổi lại ai cũng khen cô là người nhân hậu, biết ăn ở. Tôi mừng lắm, nhà cô lại cách bố tôi chỉ 10 km, cô đang công tác tại trường cấp 2 gần nhà tôi. Chẳng còn gì trông đợi hơn, tôi mong hai cụ gật đầu, nương tựa vào nhau, bố tôi có người chăm sóc bầu bạn, còn cô có người dựa dẫm. Lòng tôi nghĩ sẽ coi cô như mẹ ruột của mình. Quả nhiên, tôi về quê gặp và nói chuyện đã cảm mến ngay. Cô rất chuẩn mực, biết điều và suy nghĩ chín chắn. Sau 3 tháng cố gắng tỉ tê, thuyết phục, hai cụ cũng gật đầu. Tôi thở dài nhẹ nhõm, yên tâm phần nào về cuộc sống của bố tôi. Hai cụ đối với nhau rất tình cảm, mẹ mới hay gọi điện kể chuyện với tôi, rằng bố rất tâm lý, sáng chở mẹ đi trường, rồi về lo cơm nước, trưa đón mẹ về. Tôi mừng thầm. Quả nhiên, có người bầu bạn chăm sóc bố tôi khỏe mạnh, vui vẻ trộm vía cả hai cụ trẻ ra và yêu đời hơn. Chuyện bố tôi đi bước nữa, cả gia đình chồng đều biết, chẳng ai bàn tán chuyện gì. Cho đến hôm vừa rồi. nghỉ tết dương, bố mẹ tôi từ quê lên Hà Nội thăm. Bố muốn đưa mẹ ra để biết nhà con, biết nhà thông gia. Tôi đồng ý và chào đón bố. Nhưng từ hôm đó, mẹ chồng có thái độ khác. Luôn lấy chuyện bố tôi lấy vợ ra nói với giọng dè bỉu.

Cả nhà đang ăn cơm mẹ nói “trộm vía ông ngoại bọn trẻ lấy vợ cái nhìn trẻ đẹp ra phết nhỉ. Lấy vợ cũng tốt nhưng già rồi mà còn anh anh em em đến ngượng”; “con góp ý với bố con, chỗ đông người đừng quan tâm, chiều vợ thế người ta cười cho” hoặc “mà thôi nói sao được, ông ngoại đang hạnh phúc mà”… Mỗi câu nói của mẹ thường đai ra, kéo dài và nhấn nhá khiến tôi vô cùng khó chịu. Thiết nghĩ bố tôi lấy vợ mẹ cũng phải mừng vì tôi ít phải bận tâm đến bố; bố tôi có người chăm sóc thì tôi đỡ phải làm, con trai mẹ cũng đỡ gánh nặng. Hơn nữa, mẹ có bố bên cạnh sao hiểu được sự cô đơn, thiệt thòi của người đơn độc. Tôi nhẫn nhịn cho yên chuyện, cứ vâng dạ để mẹ thôi đừng nói nữa. Nhưng đến hôm vừa rồi, tôi không chịu nổi, góp ý khiến mẹ giận mãi tận hôm nay.

Hôm đó có cô bạn mẹ qua chơi, kể chuyện anh trai bà đòi lấy vợ trẻ, ly dị vợ già vì không biết chiều chồng. Mẹ cười ha hả, vỗ đùi mà nói “đùa đâu, sao giờ lắm người bệnh hoạn. Già rồi còn không nên nết. Như ông thông gia nhà tôi đấy, 60 tuổi còn lấy vợ. Mà lấy vợ xong vui vẻ, trẻ trung hơn đấy. Suốt ngày ông bà líu ríu, quấn quýt trông rõ ngứa mắt. Đúng là già rồi còn không nên nết”. Tôi đang dọn dẹp trong bếp nghe thấy, tự hỏi sao mẹ lại nói về bố tôi bằng giọng khinh thị vậy. Mẹ thử đặt vào vị trí của bố tôi xem sao? Liệu có chịu đựng được mấy chục năm lủi thủi nuôi con như vậy không? Mẹ còn dùng nhiều câu nói khác, khiếm nhã để đoán mò về chuyện tế nhị mà tôi không tiện kể ra đây. Sau khi cô bạn về. tôi nói với mẹ “mẹ ạ, từ nay mẹ đừng mang chuyện của bố con ra làm trò cười. Con thấy bố con đi bước nữa chẳng có gì sai cả, mẹ nên suy nghĩ lại hành động của mẹ đi”. Mẹ lập tức la lối rằng tôi dám dạy khôn mẹ, dám “chỉnh” mẹ. Rồi nói đầy khi dỗi “tôi biết, bố con cô nhà nhà giáo. Sống và hành động đúng đạo lý. Tôi không dám bì”. Tôi biết lời nói của tôi là hơi hỗn nhưng mẹ phải cẩn trọng lời nói của mình. Dù gì bố tôi cũng là thông gia, ngang hàng mẹ mà bị mẹ mang ra làm trò cười, là thứ để bình luận. Rồi tôi cũng xin lỗi mẹ cho yên chuyện nhưng mẹ nói “Không dám. Trong trứng nước nhà cô đã có suy nghĩ chồng nọ, vợ kia. Hết vợ này lấy vợ khác rồi. Liệu cô có dám đổi chồng không?” Tôi không nghĩ người thấu đáo, truyền thống như mẹ lại nói được những câu như thế. Quá uất ức tôi nói “nếu anh T (chồng tôi) mà gặp trường hợp như bố con, mẹ có giục anh ấy lấy vợ không?” Cho đến khi đó mẹ mới chịu buông tha cho tôi, chịu dừng những câu nói lạnh lùng lại.

Mấy ngày qua, mẹ không to tiếng với tôi nhưng cũng chẳng nói với tôi lời nào. Mỗi khi tôi hỏi, mẹ cũng ậm ừ, gật đầu rồi lảng đi nơi khác. Tôi biết nhưng cứ làm lơ, miễn sao mẹ buông tha, đừng kể chuyện về gia đình tôi nữa là được. Tôi cũng buồn khi gia đình không vui nhưng kệ, thời gian sẽ giúp mẹ hiểu thêm về hành động của mình.

Ngọc Hà

 

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.