Kỷ lục máy bay có sải cánh dài nhất thế giới hiện vẫn đang thuộc về Hughes H-4 Hercules, chiếc máy bay chỉ cất cánh một lần duy nhất vào năm 1947. Tuy nhiên kỷ lục này sẽ sớm bị vượt qua với Roc, máy bay có sải cánh tới 117m.
So sánh sải cánh của máy bay Roc với các dòng máy bay khác
Để dễ hình dung, hãy nhìn bức hình phía dưới. Sải cánh của Hughes H-4 là 97,5m, kém Roc tới gần 20m. Trong khi đó chiếc máy bay chở khách lớn nhất thế giới là Airbus A380 có sải cánh chưa tới 70% chiếc Roc. Trọng lượng của cỗ máy khổng lồ này là hơn 1,2 triệu cân Anh, hay hơn 544 tấn.
Nếu đến đây bạn vẫn chưa thể hình dung về kích thước khổng lồ của chiếc máy bay này, hãy nhìn vào các bức hình thực tế quá trình lắp ráp của nó tại Mojave, California. Những điểm được khoanh đỏ trong các bức hình chính là những người đang thi công, và họ trông thật quá nhỏ bé so với phần thân máy bay dài 72m.
Nhiệm vụ chính của Roc sẽ là đưa các tên lửa phóng vệ tinh lên độ cao 10km, sau đó tiến hành phóng vệ tinh. Việc sử dụng máy bay và phóng tên lửa từ trên không sẽ giúp tiết kiệm nhiên liệu hơn so với việc phóng tên lửa từ mặt đất. Roc sử dụng 6 động cơ được dùng trong Boeing 747, và có thể chở được các vệ tinh nặng hơn 6 tấn.
Những thông tin của Roc đã xuất hiện từ năm ngoái, nhưng đây là lần đầu tiên chúng ta được thấy hình ảnh thực tế của nó. Roc là một dự án với sự kết hợp của Paul Allen – tỷ phú, đồng sáng lập của Microsoft, và Gary Wentz, người từng là kỹ sư chính tại trung tâm không gian của NASA tại Alabama.
Video giới thiệu hoạt động của Roc
Phải tới năm sau những chuyến bay thử nghiệm của Roc mới được tiến hành. Theo như kế hoạch thì chuyến bay thực hiện nhiệm vụ đầu tiên của chiếc máy bay này sẽ được thực hiện vào năm 2018.
Theo Vnreview, Daily Mail