Sinh vật giữ kỷ lục nhiều chân nhất trên thế giới thậm chí còn có nhiều điểm dị thường hơn số lượng chân “khủng” của nó, theo một nghiên cứu mới.
Các con lllacme plenipes chỉ dài chừng 1 – 3cm, trông giống như
một sợi chỉ màu trắng bám vào những tảng đá sa thạch gần với
mặt đất ẩm ướt hoặc ăn sâu 10 – 15cm xuống đất. (Ảnh: Live Science)
Các nhà khoa học đã trao danh hiệu vô địch về số lượng chân trong thế giới động vật cho một loài sinh vật nhiều chân tí hon (tổng cộng 750 chân), màu trắng có tên gọi khoa học là lllacme plenipes. Loài sinh vật này hiện chỉ được tìm thấy ở một khu vực nhỏ bé phía bắc California, Mỹ. Chúng khiến giới nghiên cứu kinh ngạc về cấu trúc cơ thể phức tạp một cách bất thường trong một cơ thể nhỏ bé đến như vậy, với chiều dài chỉ 1 – 3cm.
Trang Live Science dẫn lời Paul Marek, chuyên gia nghiên cứu sâu bọ đến từ trường Đại học Arizona (Mỹ) cho hay: “Về cơ bản, lllacme plenipes trông như một sợi chỉ. Loài sinh vật này sở hữu diện mạo bên ngoài chẳng có gì hấp dẫn, nhưng khi soi dưới kính hiển vi điện tử, chúng tôi phát hiện một cấu trúc cơ thể vô cùng phức tạp và đáng kinh ngạc”.
Cận cảnh hệ thống chân dày đặc của lllacme plenipes. Loài sinh vật này hiện
giữ kỷ lục nhiều chân nhất thế giới với tổng cộng 750 chân. (Ảnh: Live Science)
Trong số những điều “lạ” về sinh vật nhiều chân nhất thế giới có cả việc các lông trên lưng của chúng sản sinh ra những thứ trông giống như tơ và một cái miệng được hình thành ở dạng thô sơ nhất. Các nhà nghiên cứu cũng đã tìm hiểu được cấu trúc chuỗi gene có tên cytochrome c oxidase I, vốn tạo cho lllacme plenipes một đặc điểm nhận dạng ADN độc nhất vô nhị.
Giới khoa học từng biết đến loài sinh vật nhiều chân lần đầu tiên vào năm 1928. Tiếp sau việc tái phát hiện lllacme plenipes vào năm 2006, ông Marek và các cộng sự đến từ hai trường Cao đẳng Hampden-Sydney và Đại học Auburn đã mở cuộc nghiên cứu mới nhằm tìm hiểu kỹ lưỡng hơn về những sinh vật kỳ dị này.
Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy các con vật nhiều chân tí hon bám vào những tảng đá sa thạch gần với mặt đất ẩm ướt hoặc ăn sâu 10 – 15cm xuống đất. Nơi cư trú của chúng chỉ giới hạn trong phạm vi một vạt rừng trồng sồi và cây bụi có diện tích 4,5km2 gần Oakland và Berkeley, bang California, Mỹ.
Sau giun đất, lllacme plenipes xếp thứ hai về khả năng phân hủy xác thực vật chết,
tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm hấp thu các vật liệu hữu cơ này. (Ảnh: Live Science)
Nghiên cứu của nhóm Marek đã tiếp tục từ việc nhận dạng các đặc điểm cơ thể của lllacme plenipes, rồi thu thập thêm dữ liệu về phân tử, hành vi và việc tái xây dựng các vùng sinh thái học, nơi loài sinh vật này có thể tồn tại.
Điểm lạ về loài lllacme plenipes không chỉ dừng lại ở cấu trúc cơ thể khác thường. Các nhà khoa học phát hiện, họ hàng gần nhất của chúng sinh sống ở châu Phi. Thực tế này dẫn đến phỏng đoán rằng, các sinh vật nhiều chân có thể từng sinh trưởng khắp siêu lục địa Pangaea, vốn bao gồm gần như tất cả các lục địa trên Trái đất và bắt đầu phân tách cách đây khoảng 200 triệu năm, trước lúc thu hẹp dần dân số khi California và Nam Phi chia tách.
Nhóm nghiên cứu xác định, lllacme plenipes hiện đang bị đe dọa do con người đã bắt đầu khai hoang khu vực và sự thay đổi khí hậu toàn cầu đã làm bốc hơi lớp sương mù vốn duy trì độ ẩm thích hợp cho môi trường sống của chúng.
Về vai trò sinh học, các sinh vật nhiều chân này xếp thứ hai sau giun đất về khả năng phân hủy xác thực vật chết, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm hấp thu các vật liệu hữu cơ này. lllacme plenipes hiện được trao danh hiệu nhiều chân nhất thế giới, nhưng theo ông Marek, “ngôi vương” của chúng có thể lung lay khi giới khoa học tìm hiểu kỹ hơn về thế giới sinh vật học nhiệt đới.
Theo Vietnamnet, Livescience