>> Cận cảnh sự lớn lên của em bé trong bụng mẹ mỗi tuần (P1)
Từ giây phút đầu tiên khi tinh trùng gặp trứng và xảy ra sự thụ thai đến tuần thứ 13 của thai kì, em bé đã phát triển thành một cơ thể gần hoàn thiện. Mẹ hãy tiếp tục theo dõi xem bé sẽ lớn lên như thế nào trong những tuần tiếp theo nhé!
Tuần thứ 14
Tuần này bé đã dài khoảng 8cm và nặng tầm 40gr – tương đương với… 1 quả trứng. Bé đã biết đi “tè”, biết nhăn mặt, nheo mắt, cử động ngón chân và ngón tay cái của mình. Đặc biệt, bé rất hay mút ngón tay cái của mình nên nếu đi siêu âm vào khoảng thời gian này, mẹ rất dễ bắt gặp hình ảnh dễ thương đó.
Vào tuần thứ 14, thận của bé đã phát triển đầy đủ và xung quanh người bé bắt đầu xuất hiện một lớp lông tơ mỏng để giữ ấm cơ thể.
—————————-
Tuần thứ 15
So với tuần trước, tuần này bé đã “cao” thêm 2cm và tăng khoảng 30gr. Bé cũng rất “hiếu động”, chân tay thì luôn động đậy và người lúc nào cũng “vặn vẹo”, xoay trở. Mẹ biết không, tuần này bé bắt đầu học cách “nấc cục” và mặc dù chưa mở mắt, bé cũng đã có phản xạ với ánh sáng rồi đấy. Lúc này, nếu mẹ soi đèn pin vào bụng là mẹ đã biết di chuyển để tránh ánh sáng rồi.
—————————-
Tuần thứ 16
Tuần này cơ thể bé đã tương đương với một… quả bơ, thính giác phát triển toàn diện; ngoài ra, tóc, lông mi, lông mày bé cũng mọc dần và vị giác phát triển nhanh hơn, nhịp tim rõ ràng.
—————————-
Tuần thứ 17
Cơ thể bé bắt đầu hình thành mỡ, dây rốn chắc và dày dặn hơn, xương sụn mềm dần chuyển hóa thành xương cứng. Tuần này bé nặng khoảng 170gr và dài khoảng 13cm – tương đương 1 củ hành tây cỡ bự. Nếu để ý mẹ sẽ thấy bé đang cử động nhiều hơn. Đặc biệt, bé đang có sự phát triển rõ ràng về giới tính: bé trai phát triển bộ phận sinh dục rõ ràng hơn và ở bé gái thì tử cung, ống dẫn trứng được hình thành đúng vị trí.
—————————-
Tuần thứ 18
Bé đã biết ngáp, nấc, nuốt nước ối và… giơ chân đá bụng mẹ (nghịch ngợm quá!). Tuần này, các giác quan của bé phát triển rất nhanh và đang dần hoàn thiện. Bé đã nghe được giọng của mẹ rồi đấy, nên mẹ hãy chăm chỉ trò chuyện với bé hơn nhé! Còn bố cũng đừng quên đọc truyện cho con nghe, và hát cho bé những bài hát nhẹ nhàng/ vui tươi.
—————————-
Tuần thứ 19
Các tế bào thần kinh chi phối hoạt động của 5 giác quan tiếp tục phát triển. Bé nuốt nhiều hơn và bắt đầu thải phân su. Tuần này bé đã dài khoảng 16cm (tính từ đầu đến mông) và nặng chừng 260gr.
—————————-
Tuần thứ 20
Bé càng ngày càng hiếu động và nếu mẹ để ý sẽ thấy con cứ di chuyển liên tục, giống như đang “tập võ” trong bụng mẹ vậy. Thậm chí có mẹ còn cảm thấy con đang “đạp huỳnh huỵch” và thành bụng cơ, và đây cũng là cơ hội giúp các ông bố cảm nhận rõ ràng sự chuyển động của con hơn.
—————————-
Tuần thứ 21
Bé vẫn đang lớn rất nhanh và tuần thứ 21 này, bé có thể dài tới 27cm và nặng khoảng 400gr khiến bụng mẹ cũng to lên nhanh chóng và bắt đầu bị rạn da. Các nét trên khuôn mặt con như mí mắt, lông mày, môi,… đã rõ ràng hơn, những chồi răng tí hon hình thành và tuyến tụy vẫn đang phát triển. Cơ thể bé được bao phủ kín bởi một lớp lông tơ mềm mại.
—————————-
Tuần thứ 22
Đến tuần này thì các ông bố thậm chí chẳng cần chạm vào bụng mẹ mà vẫn cảm nhận được sự chuyển động của con, bởi bé đạp mạnh tới mức khiến bụng mẹ… lồi lõm. Bé ngày càng nhạy cảm với âm thanh và quen dần với những tiếng ồn bên ngoài bụng mẹ để chuẩn bị thích nghi với môi trường mới. Phổi tiếp tục phát triển.
—————————-
Tuần thứ 23
Lúc này đi siêu âm là mẹ có thể nhận thấy bé giống bố hay giống mẹ hơn rồi vì khuôn mặt con đã hoàn thiện. Bé cũng đã có 2 núm “ti” tí hon rồi đấy! Tuần này bé “tăng cân” khá nhiều so với tuần trước, da vẫn mỏng và trong suốt. Não, phổi và các gai vị giác phát triển rất nhanh.
—————————-
Tuần thứ 24
Lớp mỡ dưới da bé dày hơn nên trông bé “mũm mĩm” hơn nhiều. Tóc bé mọc dày hơn, lông trên cơ thể cũng nhiều hơn. Da bắt đầu đục dần và có màu sáng do các mao mạch trên da hình thành. Lúc này, bé nặng khoảng 550gr và dài chừng 31cm.
—————————-
Tuần thứ 25
Tai bé nhạy cảm hơn rất nhiều nên có thể phân biệt được giọng của bố và giọng của mẹ khi 2 người trò chuyện với nhau. Hoạt động hít – thở của con thuần thục hơn để chuẩn bị cho sự hô hấp khi chào đời. Trọng lượng cơ thể bé tiếp tục tăng (lúc này bé nặng khoảng hơn 700gr), lớp mỡ tích tụ dưới da dày hơn nên bé không còn “nhăn nheo” nhiều như trước. Ở các bé trai, tinh hoàn đang di chuyển dần vào bìu.
—————————-
Tuần thứ 26
Bé đã nặng hơn 800g rồi và dài tới 34cm (tính từ đầu đến chân). Các mô não phát triển mạnh mẽ và hoạt động nhiều hơn. Phổi mỗi ngày một trưởng thành, bé thường hít vào một ít nước ối – điều này hỗ trợ hoạt động của hệ hô hấp. Thời gian này bé cũng biết nhắm – mở mắt thuần thục hơn và thức – ngủ đều đặn.
—————————-
Tuần thứ 27
Những bé phát triển nhanh có thể đạt cân nặng tới 1kg vào tuần này. Hoạt động chớp mắt thuần thục hơn và lông mi bé mọc dài, thị lực phát triển. Hàng tỉ tế bào thần kinh não đang phát triển mạnh mẽ, cơ thể bé tiếp tục tích tụ mỡ dưới da.
Trong những tuần tiếp theo, mẹ hãy tiếp tục theo dõi sự phát triển của bé trên ChaMeCuaCon.com trong sự kiện Nhật kí mẹ bầu nhé!
Thiên An
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.