Cẩn trọng khi sử dụng muối

Thực phẩm gây hại cho sức khỏe

Muối là thành phần gia vị không thể thiếu khi chế biến món ăn. Tuy nhiên, nếu ăn muối quá nhiều sẽ gây nên nhiều tác hại đáng tiếc cho sức khỏe người sử dụng. Vì vậy, việc kiểm soát lượng muối nạp vào cơ thể là điều rất cần thiết.

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, lượng muối cần thiết cho người bình thường mỗi ngày là 6 – 10g (khoảng 2 muỗng cà phê). Đây là lượng muối được tính trong tất cả các thực phẩm, nước uống đưa vào cơ thể. Dù vậy, trên thực tế, do thói quen ăn mặn, lượng muối dùng trung bình mỗi ngày của người Việt lên đến 14 – 18g, cao gấp 2-3 lần so với mức cần thiết.

  • 1

    Khi muối phản chủ

    Hầu hết các bà nội trợ nêm muối theo quán tính chứ chưa có một định lượng cụ thể. Nhiều người quan niệm miễn sao ăn ngon là được và vẫn dùng thêm nước chấm dù món ăn đã được nấu vừa miệng. Chính vì vậy, cơ thể rất dễ mắc bệnh vì… thừa muối. “Khi ăn nhiều muối, natri và nước sẽ ứ trệ trong cơ thể, làm tăng huyết áp, phù thũng mí mắt, bụng, hai chân… nặng hơn là nôn ói, hôn mê”, BS Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cho biết.

    Cẩn trọng khi sử dụng muối

    Cụ thể là những tác hại sau:

    – Ảnh hưởng đến thận. Ăn mặn sẽ khát nước, dẫn đến việc uống nước nhiều. Vì thế, thận phải hoạt động liên tục nên chúng dễ “đình công”.

    – Dễ cao huyết áp: Theo các chuyên gia dinh dưỡng, ăn nhiều muối sẽ tăng nguy cơ huyết áp, xơ cứng động mạch.

    – Gây loãng xương: Khi ăn quá mặn, muối sẽ làm tăng thải chất khoáng canxi qua đường nước tiểu gây loãng xương. Ngoài ra, ăn mặn thường xuyên có thể gây ung thư dạ dày, sỏi thận, thận nhiễm mỡ…

  • 2

    Nhận diện “muối thừa”

    Thông thường, khi ăn quá nhiều muối, có thể sẽ có những biểu hiện cụ thể mà chúng ta dễ dàng nhận biết. Theo BS Yến Thủy: “Khi cơ thể thừa muối thì thận phải thải chúng ra ngoài bằng đường nước tiểu. Điều này được biểu hiện qua việc đi tiểu nhiều lần, nước tiểu có màu trắng và trong hơn bình thường. Lúc này, lượng natri trong máu cao hơn mức bình thường và sẽ tạo ra cảm giác khát nước. Đó cũng là lúc cần phải nhanh chóng điều chỉnh lượng muối nạp vào cơ thể.”

    Cẩn trọng khi sử dụng muối
  • 3

    Ăn bao nhiêu là đủ?

    Theo BS Yến Thủy, với trẻ em, nhất là trẻ sinh non tháng (chức năng thận còn yếu), lượng muối nạp vào cơ thể cần hạn chế ở mức thấp nhất. Nên ưu tiên cho trẻ bú sữa mẹ vì lượng muối trong sữa mẹ thấp hơn hẳn so với sữa bò. Lưu ý, phụ huynh không được dùng nước khoáng để pha sữa cho trẻ. Khi nếm thức ăn dặm cho trẻ cần nêm nhạt hơn người lớn.

    Đối với người lớn, chỉ nên nêm muối vừa đủ để ăn ngon miệng và không sử dụng lượng muối vượt quá ngưỡng quy định.

    Với người già, mức độ hoạt động của thận bị suy giảm, vì vậy, cần giảm muối trong khẩu phần ăn để tránh chứng tăng huyết áp, suy thận và suy tim. Bên cạnh đó, mọi người nên chuyển sang sử dụng muối i-ốt để phòng ngừa những rối loạn do thiếu i-ốt gây ra như: sẩy thai, dị tật thai, bướu cổ, suy giáp…

  • 4

    Thay đổi thói quen

    Sở dĩ hàm lượng muối vượt ngưỡng cho phép như thống kê trên là do các bà nội trợ đã quá lạm dụng muối trong các công đoạn chế biến thức ăn như: ngâm rau, ướp thịt cá, nêm nếm và dùng để chấm thức ăn. Vì vậy, cần hạn chế muối từ các khâu này. Ví dụ như rửa rau dưới vòi nước thay vì ngâm muối, chế biến thức ăn ngay thay vì ướp muối… Việc hạn chế các món mắm, khô, đồ hộp hoặc thức ăn chế biến sẵn cũng rất cần thiết vì chúng chứa hàm lượng muối rất cao. Chỉ nên nêm muối một lần duy nhất sau khi món ăn đã chon.

    Nên hạn chế việc để thêm muối tiêu, nước mắm, nước chấm trên bàn ăn. Nếu không thể, hãy dùng chanh, me pha loãng nước chấm nhằm gia giảm lượng muối nạp vào cơ thể.