Càng phát triển, càng lo môi trường

Càng phát triển, càng lo môi trường

Gặp gỡ đầu tuần với Tuổi Trẻ, ông NGUYỄN NGỌC SINH – chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN, nguyên cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường – cảnh báo: “Nếu không giải quyết được vấn đề môi trường thì cũng không thể giải quyết được vấn đề phát triển trong hội nhập”.

* Thực tế tình hình ô nhiễm môi trường đang diễn ra trầm trọng tại nhiều vùng trên cả nước trong khi năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường lại yếu kém. Vì sao, thưa ông?

Ông NGUYỄN NGỌC SINH(ảnh): Năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường còn yếu, còn thiếu, còn phải được tăng cường rất nhiều. Một tỉnh có hàng triệu dân, hàng nghìn, hàng vạn cơ sở sản xuất mà đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý môi trường chỉ có 5-6 người, nơi nào nhiều thì 15 người. Thế giới cho rằng tỉ lệ cán bộ làm công tác quản lý môi trường của chúng ta thuộc loại thấp nhất thế giới.

Càng phát triển, càng lo môi trường

Ông Nguyễn Ngọc Sinh
(Ảnh: TTO)

Để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường như hiện nay có nguyên nhân rất cơ bản là do các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường chưa kiểm tra, giám sát được tốt. Bên cạnh đó, qui định về việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát chưa chặt chẽ, chưa hoàn thiện và việc tuân thủ những qui định về kiểm soát chưa nghiêm. Nguyên nhân nữa là do nhận thức của chúng ta đối với công tác bảo vệ môi trường chưa đầy đủ.

* Theo ông, những khu vực nào hiện nay đang được xem là báo động về ô nhiễm môi trường?

– Hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường đáng chú ý nhất đối với ba khu vực: khu công nghiệp, khu đô thị hóa mạnh và khu vực còn tồn dư của hậu quả chiến tranh. Những khu vực phát triển mạnh về công nghiệp cũng như đô thị hóa đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường có thể kể là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu… Mặc dù trong quá trình phát triển công nghiệp, phát triển đô thị, những địa phương này đã quan tâm tới vấn đề bảo vệ môi trường, nhưng do các biện pháp đưa ra chưa đạt được mức độ cần thiết nên tình trạng ô nhiễm vẫn xảy ra.

Tôi cho rằng tới đây các địa phương cần tăng cường công bố thông tin chung về thực trạng môi trường không khí, môi trường nước. Hiện nay TP.HCM đã làm rất tốt việc công bố danh sách “đen” những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định về kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, trong đó liệt kê đích danh từng cơ sở đang gây ô nhiễm môi trường.

* Ông nghĩ sao khi có một số người quản lý có quan điểm thả lỏng cho phát triển kinh tế, vấn đề bảo vệ môi trường tính sau?

– Quan điểm thả lỏng phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường tính sau là lạc lõng vào thời điểm hiện nay. Đôi khi người ta quá coi nặng vấn đề phát triển kinh tế. Người ta lập luận rằng nếu không phát triển kinh tế thì làm sao bảo vệ môi trường được! Có thể ở đâu đó người ta thiên về vấn đề phát triển kinh tế hoặc có một số nơi lại thiên về vấn đề bảo vệ môi trường. Ở góc độ tổng thể thì phải cố gắng hài hòa vấn đề đó.

Hiện nay cũng có tình trạng một số doanh nghiệp ham lợi trước mắt nên nhập khẩu về những công nghệ sản xuất lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, việc xử lý của chúng ta chưa nghiêm.

Càng phát triển, càng lo môi trường

Chất lượng sống tại TP.HCM không thể khá hơn khi nhiều khu vực còn bị ô nhiễm như thế này (ảnh chụp ở kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè) – (Ảnh: N.C.T)

* Trước khi xây dựng một công trình lớn hay một nhà máy sản xuất, bao giờ chúng ta cũng tiến hành đánh giá tác động môi trường, nhưng vì sao sau đó công trình đó, nhà máy đó vẫn gây ra ô nhiễm?

– Tôi cho rằng vấn đề là chủ đầu tư có áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường không, có quan niệm sau khi lập báo cáo đánh giá tác động môi trường thì phải lập đầy đủ các giải pháp bảo vệ môi trường mà báo cáo đã nêu lên không, chủ đầu tư có giáo dục cán bộ công nhân viên tuân thủ qui định về bảo vệ môi trường… Vấn đề thứ hai liên quan đến cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương: có buộc doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các qui định hậu đánh giá tác động môi trường hay không, có thường xuyên giám sát không, có tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện hay không… Thứ ba là sự giám sát của cộng đồng; cộng đồng có được quyền đòi hỏi nhà máy, xí nghiệp thực hiện bảo vệ môi trường.

* Ông đánh giá thế nào nếu ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng?

– Đương nhiên điều đó sẽ ảnh hưởng tới cả ba yếu tố: kinh tế, xã hội và chất lượng cuộc sống. Thứ nhất là làm chậm tốc độ phát triển kinh tế. Nếu hàng hóa của chúng ta được sản xuất từ nơi ô nhiễm môi trường thì các nước sẽ không nhập khẩu, sẽ thận trọng hơn với việc mua sản phẩm đó hoặc sẽ thắt chặt hơn việc kiểm soát chất lượng. Thứ hai là ảnh hưởng tới xã hội. Khi sản xuất gây ô nhiễm môi trường thì người dân sẽ phản ứng với các chủ trương phát triển, ngăn chặn sản xuất, tìm cách bao vây, cô lập các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, làm náo loạn xã hội. Thứ ba là ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Càng ô nhiễm môi trường thì chất lượng cuộc sống càng bị ảnh hưởng.

Thách thức với VN hiện nay là làm sao hài hòa được giữa lợi ích phát triển kinh tế với việc phải đầu tư giải quyết các vấn đề về môi trường. Một trong những tiêu chí hội nhập quốc tế là phải giải quyết tốt vấn đề môi trường. Chúng ta xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài thì họ sẽ xem môi trường đất, nước, môi trường sinh học nơi chúng ta sản xuất sản phẩm thế nào, qui trình sản xuất có thân thiện với môi trường hay không. Vì thế, muốn hay không chúng ta cũng buộc phải thỏa mãn các điều kiện về môi trường. Nếu không giải quyết được vấn đề môi trường thì cũng không thể giải quyết được vấn đề phát triển trong hội nhập.

KHIẾT HƯNGthực hiện

Xếp hạng chất lượng sống những thành phố trên thế giới: TP.HCM và Hà Nội tụt hai hạng…

Tập đoàn tư vấn nguồn nhân lực Mercer (đặt trụ sở tại New York, Mỹ) vừa công bố bảng xếp hạng những thành phố có chất lượng sống tốt nhất trên thế giới năm 2007. Mercer thu thập thông tin từ tháng 9 đến tháng 11-2006 của 215 thành phố trên toàn thế giới.

Kết quả thành phố Zurich của Thụy Sĩ chiếm được vị trí đầu tiên, vị trí thứ hai cũng thuộc về một thành phố của Thụy Sĩ là Geneva, cùng đứng ở vị trí thứ ba là thành phố Vancouver (Canada) và Vienna (Áo). Khu vực châu Á – Thái Bình Dương có mặt trong 10 vị trí đầu với hai đại diện là Auckland (New Zealand) đứng thứ năm và Sydney (Úc) đứng thứ chín. Quá trình hiện đại hóa cơ sở hạ tầng y tế đã cải thiện điều kiện sống ở một số thành phố của Trung Quốc (Thượng Hải 100,Bắc Kinh 116)nhưng tình trạng ô nhiễm không khí, xử lý rác thải và hệ thống thoát nước vẫn là mối quan tâm của nước này. TP.HCM và Hà Nội của VNnăm nay xếp ở vị trí 150 và 157, tụt hai bậc so với xếp hạng của năm 2006 (thứ 148 và 155).

Bảng xếp hạng này dựa trên 39 tiêu chí với những phân mục chính như: môi trường xã hội và chính trị, môi trường kinh tế, môi trường văn hóa – xã hội, dịch vụ sức khỏe và vệ sinh, chất lượng giáo dục và trường học, các dịch vụ công cộng và giao thông vận tải, dịch vụ giải trí, sản phẩm tiêu dùng, dịch vụ nhà cửa và môi trường tự nhiên.

HỒNG THÀNH (Theo Bussiness Week, Mercerhr.com)

 

Theo Tuổi trẻ