Lần đầu tiên Tuần lễ truyền thông phòng, chống kháng thuốc do Bộ Y tế phát động đã diễn ra từ ngày 16 – 22/11 trên toàn quốc. Vấn đề kháng thuốc đang là vấn đề toàn cầu. Đó cũng chính là lý do mà WHO và các cơ quan quốc tế phát hiện đây là vấn đề nghiêm trọng.
Kháng sinh là thuốc để dùng điều trị, diệt vi khuẩn, hữu ích trong chữa bệnh. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh cũng tiềm ẩn những nguy cơ về lâu dài với sức khỏe nếu không được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Mặt khác, dùng thuốc kháng sinh quá mức, quá nhiều, không theo liều lượng sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc.
Một thực tế có thể nhận ra hiện nay là nhiều người coi kháng sinh như cách giải quyết tối ưu nhất khi bị bất cứ vấn đề gì với sức khỏe từ ốm đau, cảm cúm cho đến những bệnh nặng hơn. Nhiều người sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi. Không ít trường hợp mỗi khi thay đổi thời tiết dẫn đến bị ốm, cảm cúm lại ra hiệu thuốc gần nhà để mua kháng sinh tự chữa. Biểu hiện rõ ràng nhất là chỉ cần đọc các triệu chứng, người bán sẽ tự lấy các loại kháng sinh để cung cấp theo nhu cầu người mua.
Việc sử dụng kháng sinh là hết sức cần thiết để điều trị cho người bệnh. Tuy nhiên, nếu sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không mắc bệnh lý nhiễm khuẩn… sẽ làm gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh, tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới, đặc biệt là kháng sinh để điều trị cho người bệnh nhiễm vi sinh vật đa kháng. Chính vì thế các chi phí xã hội và tài chính trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn kháng thuốc đang đặt gánh nặng đáng kể lên mỗi cá nhân, gia đình và xã hội do thời gian điều trị kéo dài, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao.
Kháng thuốc kháng sinh tức là vi sinh vật có thể kháng lại thuốc kháng sinh dù trước đó loại thuốc này có hiệu quả trong điều trị do sinh vật đó gây nên. Lạm dụng thuốc kháng sinh còn dẫn đến xuất hiện vi khuẩn kháng thuốc. Những vi sinh vật như vi khuẩn, virus, vi trùng gây bệnh có thể chịu được sự tấn công của các loại thuốc kháng vi sinh vật như thuốc kháng khuẩn (ví dụ, thuốc kháng sinh), thuốc chống nấm, thuốc chống vi rút, và thuốc chống sốt rét khiến cho phác đồ điều trị tiêu chuẩn trở nên vô hiệu và tình trạng nhiễm khuẩn kéo dài, làm tăng nguy cơ lây lan bệnh tật sang người khác.
Lưu ý khi dùng kháng sinh
Cục Quản lý Khám Chữa Bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, mỗi người dân chỉ mua và sử dụng thuốc kháng sinh khi được bác sỹ khám bệnh, kê đơn và sử dụng kháng sinh theo đúng hướng dẫn của bác sỹ; Sử dụng kháng sinh trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy, hải sản theo đúng hướng dẫn; Cán bộ y tế tuân thủ đúng các hướng dẫn chuyên môn và sử dụng kháng sinh trong điều trị hợp lý, an toàn.
Kháng sinh được dùng để chữa bệnh nhưng nó không dùng để điều trị bệnh do virus gây nên như cảm, cúm. Kháng sinh có hiệu quả chống lại vi khuẩn. Nếu dùng kháng sinh khi không cần thiết có thể khiến bệnh nhân chậm phục hồi, thậm chí là tác dụng phụ.
Không dùng kháng sinh chung với người khác, bởi mỗi người có những nhiễm khuẩn khác nhau. Với mỗi loại nhiễm khuẩn sẽ phải dùng một loại kháng sinh khác nhau. Điều này có thể dẫn đến kháng thuốc.
Khi được kê đơn dùng kháng sinh, bạn phải xác định được thời điểm dùng kháng sinh, dùng kháng sinh trong bao lâu, thời điểm nào dùng kháng sinh.
Khi còn kháng sinh của lần trước, không dùng kháng sinh còn lại cho các lần sau. Ngoài ra cũng cần đề phòng chống nhiễm khuẩn như che miệng khi ho, hắt hơi, rửa tay sạch với xà phòng sát khuẩn.
Việc sử dụng thuốc kháng sinh của nhiều người vẫn là thói quen vô tội vạ. Tình trạng kháng thuốc được nhắc đến nhiều lần nhưng với không ít người dường như là điều xa lạ. Ngoài nỗi lo về kháng thuốc, dùng thuốc kháng sinh theo kiểu tự chữa bệnh còn tiềm ẩn dị ứng, ngộ độc thuốc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của bản thân, gây hậu quả lâu dài cho các cơ quan trong cơ thể.
Thanh Thủy
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.