Cảnh giác với bệnh sốt mò: Dễ tử vong nếu không điều trị sớm

Rất khó phát hiện và dễ nhầm lẫn

Bệnh sốt mò Scrub typhus (hay còn gọi là sốt bụi rậm, sốt triền sông Nhật Bản, sốt Rickettsia) là một bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm. Tác nhân gây bệnh là Orientia tsutsugamushi (còn có tên R.orientalis hoặc R.tsutsugamushi, dài 1,2 – 3mm, rộng 0,5 – 0,8mm, hình cầu hoặc cầu trực khuẩn) tồn tại ngoài thiên nhiên, do ấu trùng mò (Trombiculidae) truyền ngẫu nhiên sang người qua vết đốt của chúng. Tuy nhiên, người bị nhiễm bệnh khi ấu trùng mò đốt và người bệnh không có khả năng truyền bệnh sang người khác.

Báo cáo của Trung Tâm Y tế dự phòng tỉnh Yên Bái cho biết, bệnh nhân sốt mò tập trung nhiều nhất ở huyện Văn Chấn (54%), thị trấn Nghĩa Lộ (21%), huyện Trạm Tấu (15%) và huyện Mù Cang Chải (10%). Bệnh nhân chủ yếu gặp ở dân tộc H’Mông và dân tộc Dao, sống nơi rẻo cao, tuổi từ 1 đến 52 tuổi và phụ nữ mắc nhiều hơn nam giới.

Cũng theo thông tin từ Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), bệnh sốt mò xuất hiện ở Việt Nan quanh năm nhưng chủ yếu vào mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10, đỉnh cao vào tháng 6 – 7. Bệnh thường tản phát nhưng có thể bùng thành dịch khi có nhiều người chưa miễn dịch đi vào vùng ổ dịch.

Thời gian ủ bệnh trung bình từ 8 – 12 ngày, lúc đầu tại nơi ấu trùng mò đốt có một nốt phỏng nước bằng hạt đỗ, không đau nên bệnh nhân thường không chú ý. Nhưng sau vài ngày ủ bệnh và toàn phát, người bệnh có biểu hiện sốt cao trên 38 – 40 độ C, liên tục, kéo dài 15 – 20 ngày, thậm chí tới 27 ngày nếu không điều trị, có khi rét run 1 – 2 ngày đầu kèm theo sốt, nhức đầu nặng, đau mỏi cơ.


Sốt mò nguy hiểm nếu không phát hiện sớm.

Vết loét do mò đốt thường xuất hiện ở những vùng da mềm, ẩm như bộ phận sinh dục, vùng hạ nang, hậu môn, bẹn, nách, cổ, đôi khi là ở vị trí bất ngờ trong vành tai, rốn, mi mắt (dễ nhầm với lẹo mắt). Do nốt loét đặc trưng (điển hình của sốt mò) không gây đau hay ngứa nên rất khó phát hiện.

Do dấu hiệu ban đầu của bệnh sốt mò là sốt cao và có một số triệu chứng gần giống với sốt rét, sốt phát ban, sốt xuất huyết… nên rất dễ nhầm lẫn. Cụ thể, tuy sốt rét tiên phát có biểu hiện sốt liên tục, nhưng rồi cũng chuyển vào cơn sốt chu kỳ với 3 giai đoạn rét – nóng – vã mồ hôi; không có nốt loét đặc trưng; ký sinh trùng sốt rét dương tính. Cũng có cơn sốt kéo dài trung bình 6 – 7 ngày, nhưng sốt xuất huyết thì ban dát sẩn dày hơn, đau khớp cơ rõ hơn, xuất huyết ban hay xuất hiện khi sốt về bình thường, không có nốt loét đặc trưng.

Vì thế, khi phát hiện ra những triệu chứng đầu tiên người ta thường nhầm sang bệnh khác và có những phương pháp điều trị sai lầm. Bệnh sốt mò phải điều trị bằng phương pháp hồi sức tích cực (thở máy, Dopamine). Phải sau 18 ngày, bệnh mới thuyên giảm.

Dễ tử vong nếu không phát hiện và điều trị sớm

Tỷ lệ tử vong của căn bệnh sốt mò có thể lên tới 50% – 60% nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời. Người bệnh bị sốt mò có thể diễn biến nặng ngay từ tuần đầu mắc bệnh và thường tử vong do suy đa phủ tạng. Trường hợp được điều trị và không tử vong, bệnh nhân thường hết sốt sau 10 – 14 ngày, bệnh nhân nặng có thể kéo dài 21 ngày hoặc lâu hơn.

Tuy nhiên, một số biểu hiện như rối loạn tuần hoàn, giảm thính lực có thể tồn tại kéo dài nhiều tuần đến nhiều tháng sau đó. Đặc biệt, bệnh sốt mò ở phụ nữ có thai có thể gây biến chứng về thai sản như sảy thai, thai chết lưu hoặc cân nặng khi sinh thấp.

Ngoài ra, sốt mò còn có thể ẩn và thể không điển hình (không có nốt loét). Vì thế, nếu phát hiện và được điều trị bằng kháng sinh sớm sẽ cắt sốt nhanh. Nhưng nếu can thiệp muộn hoặc không hiệu quả, có thể có biến chứng như viêm cơ tim, sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi, suy hô hấp, viêm não – màng não, và dễ dẫn đến tử vong.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Châu (Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương) cho biết: “Điều đáng quan tâm là hiện nay các loại thuốc kháng sinh điều trị sốt mò đặc hiệu như Tetracyclin, Doxycyclin… không có trong danh sách cơ số thuốc cho bệnh nhân bảo hiểm y tế ở tuyến y tế xã. Những địa phương nhiều năm không có bệnh sốt mò nên người dân và cán bộ y tế cơ sở đã “lãng quên” bệnh này. Do đó những người bị sốt đến trạm xá, cán bộ y tế xã không nghĩ đến bệnh sốt mò và nếu nghi là bị sốt mò cũng không có thuốc điều trị. Vì vậy trạm y tế xã phải gửi lên tuyến trên, khi lên bệnh viện tuyến trên bệnh đã nặng, đe dọa đến tính mạng”.
Người dân có thể bị mò đốt trong khi đang sinh hoạt lao động, phát rẫy làm nương, đi dã ngoại, ngồi, nằm nghỉ trên bãi cỏ… vì mò và ấu trùng ưa sống ở những nơi đất xốp, râm mát, có bụi rậm và cây thấp.

Do đó, Bộ Y tế cũng đã khuyến cáo, để phòng tránh bệnh sốt mò người dân tránh ngồi, nằm, phơi quần áo hoặc đặt balô trên bãi cỏ, gần bờ bụi, gốc cây. Khi đi phát nương làm rẫy, hành quân dã ngoại, trinh sát trong rừng cần mang giày và tất, chít ống quần, cách tốt nhất là tẩm quần áo bằng thuốc diệt mò hoặc sử dụng các kem xua diệt mò. Khi về tới nhà nên thay đồ ngay và tắm rửa sạch sẽ.

Ngoài ra, người dân cần giữ gìn vệ sinh nơi ở, phát quang bụi rậm quanh nhà, phun thuốc diệt mò như diazinon, fenthion vào đất ẩm, bờ bụi cây cỏ cao dưới 20cm quanh nhà, nhất là các nơi râm mát.

Bệnh sốt mò lưu hành chủ yếu ở khu vực Châu Á và Tây Thái Bình Dương. Ở Việt Nam sốt mò đã được Noc. Goutron phát hiện tại Sài Gòn vào năm 1915. Từ đó đến nay, bệnh tiếp tục xảy ra ở vùng trung du và rừng núi của Việt Nam. Đặc biệt sau năm 1990, bệnh sốt mò có xu hướng quay trở lại và mở rộng vùng phân bổ.

Tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh, từ năm 2000 – 2002 có 449 bệnh nhân bị sốt mò vào điều trị tại bệnh viện Uông Bí. Từ đầu tháng 3/2001 đến hết tháng 2/2003 tại Viện Y học lâm sàng các bệnh Nhiệt đới có 255 ca sốt mò từ 24 tỉnh và thành phố của Miền Bắc về điều trị. Từ năm 2009 – 2010, tại Khánh Hòa, Quảng Nam và Quảng Ngãi có 83 bệnh nhân sốt mò.


Hiền Anh
logo smaill

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.