Cao bồi miền Tây, ngoài đời họ chẳng hề “sáu múi” hay sở hữu vẻ đẹp kiểu “soái ca” như trong phim ảnh đâu. Họ thực ra chỉ là những anh chàng chăn bò và được xem là biểu tượng truyền thống của văn hóa miền Tây nước Mỹ xưa cũ.
Thuở xưa, những anh chàng cao bồi, nói chính xác là những anh chàng chăn bò được thuê trông coi gia súc cho các chủ trang trại, thường là các đàn gia súc lớn được chăn thả trên diện rộng. Chăn nuôi gia súc từng là một nền công nghiệp lớn nên thời đó, cao bồi được xem là những con người rất quan trọng mang đến cuộc sống ổn định cho các khu vực này. Hơn thế nữa, đời sống của cao bồi cũng rất phong phú nên họ dần càng trở thành một phần rất đặc biệt khi nhắc đến miền Tây nước Mỹ.
Nguồn gốc của từ “Cao bồi”
Từ “Cowboy” (Cao bồi) xuất hiện lần đầu trong tiếng Anh vào khoảng năm 1715 – 1725, trong tiếng Tây Ban Nha là “vaquero” được sử dụng để chỉ những người cưỡi ngựa trông coi gia súc. Trên thực tế, từ vaquero đã xuất hiện ở Tây Ban Nha từ lâu (phương thức dùng một người cưỡi ngựa để trông coi gia súc bắt nguồn từ đất nước này) trước khi văn hóa cao bồi đến với nước Mỹ khoảng vài thế kỷ. Ngoài nguồn gốc chính thống này, trong dân gian cũng truyền miệng một số câu chuyện đơn giản hơn về sự xuất hiện của cowboy. Họ cho rằng cowboy được hình thành do công việc mang tính chất đặc thù của những chàng trai chăn gia súc – một công việc đòi hỏi thể lực và luôn bị các chủ trại thúc giục bằng những câu nói như “Fetch that Cow, Boy! (Mang con bò kia lại đây nào, chàng trai). Sau khi được mang đến lãnh thổ Mesoameric, phương thức này dần trải dài qua nhiều vùng đất ở châu Mỹ và khi đến Mexico thì bắt đầu nở rộ.
Anh chàng cao bồi thực ra là những người làm nghề trông coi gia súc cho chủ trại
Và như bao câu chuyện văn hóa khác, nguồn gốc về cao bồi cũng tồn tại một số giả thuyết khác nhau. Thầy tu Eusebio Kino (1645 – 1711) từ vùng đất Pimería Alta (thuộc Mexico ngày nay) đặt chân đến California vào năm 1687, một cuộc viễn chinh vào năm 1769 và sau đó là cuộc khám phá của nhà thám hiểm người Mexico Juan Bautista de Anza (1736 – 1788) vào năm 1774 được cho là những người đầu tiên hình thành nên văn hóa cao bồi ở Mỹ.
Tuy nhiên, một giả thuyết khác lại cho rằng cao bồi xuất hiện ở Mỹ sớm hơn và cái nôi của văn hóa này đó là trại gia súc cổ nhất ở hòn đảo Long Island (New York) Deep Hollow Ranch – ra đời năm 1658.
Trang phục của cao bồi
Từ phim ảnh, cao bồi thường bị lầm tưởng thành những anh chàng oai vệ, cường tráng như Buffalo Bill Cody (1846 – 1917) nhưng cao bồi trong đời thực không giắt trên người hai khẩu súng lục. Họ ăn mặc rất đơn giản với những bộ quần áo đơn thuần giúp họ vượt qua cái giá lạnh ở vùng đồng bằng phía Tây. Tuy nhiên, đôi boot và chiếc mũ lại là hai phụ kiện rất đặc trưng, mang đậm nét độc đáo của cao bồi cho dù ngoài đời hay trong phim ảnh.
Từ xưa đến nay, bất cứ một anh chàng cao bồi nào cũng mang boot cao gót. Điều này vừa khẳng định họ là một tay cưỡi ngựa chính hiệu, vừa thể hiện sự cao quý của mỗi người. Trong khi đó, chiếc mũ là phụ kiện có tính biểu tượng cao hơn, thậm chí còn được xem là hình ảnh đại diện phổ biến nhất của miền Tây xưa cũ. Mũ cao bồi là dấu hiệu của sức mạnh và sự lao động chăm chỉ. Hơn thế nữa, đây còn là thứ để thu hút các cô gái của những anh chàng cao bồi trong thời đại trước.
Boot cao gót và mũ của cao bồi
Cuộc sống của những anh chàng cao bồi
Những anh chàng cao bồi trong phim ảnh luôn được hình tượng hóa với rất nhiều kỹ năng, yêu thích phiêu lưu và tài giỏi. Thế nhưng, cao bồi trong đời thực không phải lúc nào cũng như vậy. Phần lớn thời gian họ làm việc, thậm chí có thể làm liên tục 18 tiếng một ngày nếu đó là những nhiệm vụ khó khăn, mệt nhọc và tất cả đều gắn liền với vai trò chăn nuôi gia súc. Cao bồi có thể nói là những người cô đơn, thậm chí cảm xúc này còn được thể hiện rất rõ trong các bài hát và văn thơ của họ.
Rodeo và cuộc đua dành cho những anh chàng cao bồi
Các cuộc thi dành cho cao bồi đã xuất hiện khá nhiều từ những năm 1820 – 1830 nhưng chính thức được tổ chức lần đầu vào năm 1872. Trong số đó, Buffalo Bill Cody hay Annie Oakley là những cái tên nổi bật nhất. Hầu hết thử thách thường là quăng dây bắt dê, nhảy bắt nai, cưỡi ngựa không yên, cưỡi bò tót hay cưỡi ngựa chạy theo hình cỏ ba lá. Rodeo ngày nay phổ biến nhất ở Canada và Mỹ.
Theo Nắng Mai – Sjsu