Cặp được làm bằng một loại vật liệu nhẹ, giúp tạo sức nâng cho người dùng, có tác dụng như một chiếc phao cứu sinh khi bị rơi xuống nước
Ở các khu vực có nhiều sông rạch, các học sinh khi đi học thường phải qua đò. Do không biết bơi, không được trang bị áo phao đầy đủ, rất nhiều học sinh đã bị chết đuối trong các tai nạn chìm đò. Gần đây, có nhiều sáng kiến của những người tâm huyết về các loại cặp, ba lô, vali có chức năng như phao cứu sinh dành cho học sinh vùng sông nước.
Tại Techmart Hà Nam vào tháng 5-2008, khách tham quan rất ấn tượng với sáng kiến cặp phao của ông Phạm Quang Huy (TP Nam Định), được trưng bày tại đây. Do có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực vật liệu composite, ông Huy đã tận dụng lợi thế này để tìm kiếm một loại vật liệu phù hợp chế tạo ra chiếc cặp phao. Bề ngoài chiếc cặp phao không khác biệt nhiều so với nhưng chiếc cặp đi học bình thường. Tuy nhiên, chiếc cặp này được làm bằng một loại vật liệu nhẹ, giúp tạo sức nâng cho người đeo nó khi bị rơi xuống nước. Vỏ cặp được làm bằng một loại bạt không thấm nước, bên trong thân cặp được gắn thêm một tấm bọt xốp polyuretan sẽ trở thành một chiếc phao rất hữu ích trong những tình huống ngặt nghèo. Qua thử nghiệm, cặp có thể nâng một người có sức nặng khoảng 50 kg nổi lên mặt nước mà không cần tác động nào từ cơ thể. Chiếc cặp còn được thiết kế với những màu sắc nổi bật như đỏ, xanh, cam để dễ dàng nhìn thấy trong môi trường nước.
Cặp phao không khác gì cặp sách bình thường. |
Tại TPHCM, sáng kiến cặp phao cũng đã được trình làng. “Năm 2006, trong một lần đi công tác tại Đồng Tháp, tôi được chứng kiến cảnh các em học sinh đi học phải qua xuồng nhỏ, không có phao, nhìn chông chênh rất nguy hiểm. Về nhà, tôi nghĩ mình phải làm cái gì đó để giúp các em” – bà Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết về xuất phát của việc chế tạo ra cặp phao. Chiếc cặp nặng khoảng 0,6 kg, khá gọn nhẹ và phù hợp với các em học sinh từ lớp 5 trở xuống. Với các học sinh trên lớp 5, cần đựng nhiều sách vở hơn thì có ba lô phao với chức năng tương tự. Các loại cặp, ba lô này có sức nổi 45 kg.
Vali đa năng của tác giả Trần Đình Bá (Vũng Tàu) cũng là một sản phẩm hữu ích cho các học sinh thường xuyên phải đi đò, xuồng và cả những ngư dân đi biển. Với kích cỡ 16 cm x 35 cm x 45 cm, chiếc vali có cấu tạo đơn giản như một chiếc hộp nhựa cứng, được thiết kế với gioăng cao su có thể ngăn nước chảy vào. Bình thường, có thể dùng vali để đựng nhiều đồ vật như sách vở, dụng cụ sinh hoạt… nhưng trong lúc nguy cấp, nó là chiếc phao cứu sinh hết sức quan trọng. Chiếc vali còn được trang bị một sợi dây dài để thuận tiện cho quá trình cứu hộ hoặc buộc vào một điểm cố định, tránh bị trôi dạt.
Xuất phát từ những cái chết thương tâm do tai nạn sông nước, ông Trần Đình Bá đã bỏ thời gian nghiên cứu chế tạo ra chiếc vali đa năng này. Với thiết kế đặc biệt, chiếc vali có thể dùng để đựng nước ngọt dự trữ trong những chuyến đi biển dài ngày của ngư dân. Ngoài ra, khi cần thiết, nhiều chiếc vali có thể được ráp nối lại thành một chiếc bè nổi trên mặt nước. Sản phẩm này đã được Cục Sở hữu Công nghiệp xem xét, thẩm định và cấp số hiệu S1998 0518. Tác giả cũng đã nhiều lần viết đơn thư gửi và đề nghị Bộ NN-PTNT, Bộ Thủy sản, Ủy ban Tìm kiếm và cứu nạn, Ủy ban Phòng chống lụt bão Trung ương, Hội Chữ thập đỏ… xem xét để sản xuất, trang bị cho ngư dân và nhân dân vùng nước nổi, vùng bão lũ… “Nhưng rất tiếc, đến nay chiếc vali này vẫn chưa được đưa vào áp dụng cho những nơi cần thiết”- ông Bá ngậm ngùi.
Theo Bài và ảnh: Thanh Lê (www.nld.com.vn)