“Cáu tiết” vì suốt ngày bị hỏi “Có gì chưa?”

Có lẽ vì quan niệm và thói quen của phần nhiều người Việt là sinh con ngay sau khi kết hôn, thành ra hễ cứ cưới xin xong là đi đâu cũng bị hỏi: “Thế có gì (bầu bí) chưa?”. Câu hỏi ấy phổ biến đến mức trở thành câu cửa miệng của mọi người mỗi khi gặp nhau để “mở màn” cho một chuỗi hỏi han sau đó: “Kế hoạch hay sao? Thế đã đi khám xét gì chưa? Vợ/chồng có vấn đề gì không? Sao lâu thế?”, vân vân, hay thậm chí có người kém duyên còn “vỗ” thẳng vào mặt người khác: “Hay là ‘điếc’ rồi?”,… Thôi thì dù là quan tâm, tò mò hay thậm chí là sự “tọc mạch” ác ý thì bất cứ ai trong số những người “được” nghe đều cảm thấy… điên cả đầu. Bởi vì lần một lần hai, một người vài người hỏi còn cười trừ mà giải thích qua loa được; chứ cứ gặp ai cũng bị “xổ” vào mặt hàng tá câu hỏi như thế chắc ít người đủ sức mà… nhẫn nhịn.

Đối với ai cũng vậy, việc cứ bị hỏi đi hỏi lại một câu, cứ phải giải thích mãi một vấn đề gì đó đương nhiên sẽ cảm thấy mệt mỏi vô cùng. Nhất là chuyện con cái – khi phải mang những vấn đề “riêng tư” ra mà “giãi bày” với hết người nọ đến người kia – làm sao chúng ta có thể cảm thấy vui vẻ được? Việc chưa sinh con ngay sau khi kết hôn của một cặp vợ chồng nào đó, thực chất là điều hết sức bình thường, có thể do họ chưa muốn có con ngay, hoặc muốn mà chưa có. Dù vì lý do nào đi nữa, hỏi người khác “có gì chưa” thực sự là một điều… hết sức vô duyên! Bởi vì, chỉ có người trong cuộc mới hiểu cặn kẽ nhất hoàn cảnh của họ. Có những người vì kinh tế chưa ổn định, vì muốn có thời gian chuẩn bị, muốn thực hiện một vài kế hoạch nào đó trước khi đón em bé chào đời,… vì thế họ quyết định “hoãn” việc sinh con. Số khác muốn sinh ngay nhưng có thể đang gặp vài trục trặc hoặc đơn giản là chưa đậu thai ngay được dù sức khỏe hoàn toàn bình thường. Chuyện chẳng có gì đáng nói, đáng quan tâm một cách quá mức; thế thì tại sao cứ gặp ai là chúng ta phải hỏi “có gì chưa?”.

Để rồi, vô tình chúng ta đưa những người đang mong ngóng con vào tâm trạng sốt ruột hơn, mong ngóng, chờ đợi và áp lực hơn; đôi khi xoáy sâu vào những nỗi đau của họ bằng những câu hỏi: “Đã đi khám chưa? Vợ/chồng có vấn đề gì không mà sao lâu thế,…”. Nếu ta là họ, việc phải “phơi bày” mọi vấn đề về sức khỏe sinh sản với người khác có dễ dàng không? Nói rằng “chồng tôi tinh trùng yếu/ tôi bị đa nang buồng trứng/kinh nguyệt không đều/khó đậu thai/…” với người khác là điều đơn giản lắm sao? Và khi nhận được câu trả lời đó, có ai cảm thấy thỏa mãn, vui vẻ với vấn đề của họ không? Có thực sự chia sẻ được với họ bằng dăm câu an ủi xã giao nhạt thếch không? Vậy thì hỏi để làm gì?

'Cáu tiết' vì suốt ngày bị hỏi 'Có gì chưa?'

Ngay cả với những người trong nhóm “bình thường” cũng vậy, chẳng lẽ họ không được quyết định cuộc sống của mình khi liên tục nhận được những lời khuyên chẳng khác nào “ra lệnh”: “Đẻ đi thôi!/Kế hoạch làm gì, đẻ đứa con cho vui cửa vui nhà/Có con cái mới hạnh phúc được,…”. Ơ hay, thì họ vẫn hạnh phúc đó thôi, vẫn vui vẻ đó thôi, chẳng qua là họ muốn được chủ động với cuộc sống hơn, con cái sinh ra được chăm lo đủ đầy hơn, như vậy có gì sai không? Còn chuyện “Đẻ đi không kế hoạch mãi lại chả đẻ được” thì… đó cũng là việc của họ mà. Có ai sống hộ cuộc đời của ai được đâu, có ai nuôi con giúp người khác được đâu, vậy thì khuyên răn người khác như thế liệu được gì ngoài việc khiến họ cảm thấy khó chịu, và mệt mỏi?

Đã hết rồi thời của những câu chuyện xóm giềng “lê la, rảnh rỗi”, những câu chào hỏi cửa miệng kiểu “Đi đâu đấy? Ăn cơm chưa/Hôm nay nhà cháu ăn món gì? Đang làm gì vậy?”; “chị A cưới chồng 3 năm rồi chưa thấy đẻ, cô B vừa về nhà chồng đã bầu 4 tháng,…”. Chúng ta đừng tự làm xấu mình đi với những câu chuyện chẳng đáng nói và (tốt nhất) không nên quan tâm. Nhất là khi không quá thân thiết, hãy chào nhau và mỉm cười, thế là đủ. Hãy nói những câu chuyện tích cực hơn và nếu có thể hãy làm người khác cảm thấy vui, thấy dễ chịu. Nhớ rằng, trừ trẻ con ra thì cuộc sống của ai phải do người đó quyết định. Đừng nên tò mò hay “khuyên răn” người khác phải làm gì, phải sống sao nếu họ chưa cần – đó là cách tôn trọng những người xung quanh. Quay lại câu chuyện “có gì chưa”, tốt nhất trước khi nói với ai điều đó, hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người ta xem mình có muốn bị hỏi như vậy không, xem cảm giác của mình thế nào khi phải lần mò tìm câu trả lời hợp lý. Vậy thôi!

Mint

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.