Những cây đại hoàng trên sa mạc của Israel tự dẫn nước về gốc khi trời mưa nhờ một số lá đặc biệt. Lượng nước mà chúng lấy được trong năm gấp 16 lần các cây khác ở cùng khu vực.
Những chiếc lá đặc biệt của cây đại hoàng sa mạc. Các rãnh sâu cho phép nước mưa chảy theo gân lá để xuống gốc. Ảnh: treknature.com. |
Những chiếc lá đặc biệt cho phép đại hoàng sa mạc (Rheum palaestinum) sinh trưởng trong điều kiện khô hạn. Ba nhà sinh học của Đại học Haifa (Israel) nhìn thấy chúng khi nghiên cứu hệ thực vật ở sa mạc Negev. Sự tò mò nổi lên khi họ nhìn thấy những chiếc lá có gân tạo thành hình giống hoa thị ở sát mặt đất. Chúng khác hẳn những chiếc lá nhỏ xíu của hầu hết thực vật trên sa mạc.
Giáo sư Simcha Lev-Yadun, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, nói: “Hình thái của những chiếc lá ấy cho phép chúng dẫn nước về khu vực trung tâm. Điều đó kích thích trí tưởng tượng của chúng tôi”.
Một cây đại hoàng sa mạc nở hoa. Ảnh: BBC. |
Sau nhiều ngày theo dõi, ba nhà khoa học nhận thấy mỗi cây đại hoàng trên sa mạc Negev thu được trung bình 4,2 lít nước mỗi năm, trong khi cây lớn nhất hứng được 43,8 lít. Những đường lõm sâu trong lá của đại hoàng khiến nước chạy tập trung xuống gốc. Những chiếc lá cũng được phủ một lớp cutin (trong suốt như sáp) có tác dụng đẩy nước chảy qua lá.
Sa mạc Negev hiếm khi có mưa với lượng mưa trung bình hàng năm là 75 mm. Nhưng ngay cả trong trận mưa nhỏ nhất thì nước vẫn có thể chảy từ lá đại hoàng xuống gốc. Ba nhà khoa học nhận thấy nước ngấm tới độ sâu 10 cm trong đất. Trong khi đó nước mưa chỉ xuống được tới độ sâu 1 cm trên sa mạc.
“Những chiếc lá hình hoa thị cho phép đại hoàng nhận được lượng nước gấp 16 lần so với các cây khác trên sa mạc, nghĩa là tương đương với lượng nước của thực vật sống tại khu vực Địa Trung Hải. Có lẽ đây là loài cây duy nhất ở Trung Đông có khả năng độc đáo này. Chúng tôi cũng biết rằng tất cả sa mạc trên thế giới không có loài cây tương tự”, giáo sư Lev-Yadun phát biểu.
Theo VnExpress (BBC)