Đến tận bây giờ, mỗi khi nhắc đến chồng cũ, chị Lam (30 tuổi, Tây Ninh) vẫn rơm rớm nước mắt, chị đau khổ kể lại chuyện ly hôn cay đắng của mình cho tôi nghe.
Chị và anh quen nhau tình cờ trong một buổi tiệc mừng thọ. Anh là người làm công cho gia đình chú họ chị, quê gốc Thanh Hóa nhưng cuộc sống khó khăn phải bươn chải vào tận xứ Tây Ninh nắng gió này để làm công nhân cạo mủ cao su. Thấy anh thật thà, lại chịu thương chịu khó nên khi đã thương anh, chị đồng ý về làm vợ ngay khi anh ngỏ lời cưới, bỏ qua mọi thủ tục rườm rà.
Bố mẹ chị lúc đầu có cấm cản nhưng sau thấy chị thật lòng yêu anh thì cũng xiêu lòng. Ba chị chỉ bảo chị phải cân nhắc kỹ vì gia đình chị không giàu nên cũng chẳng hồi môn được gì, chị cũng không có việc làm ổn định, lấy anh lại làm thuê thì cuộc sống sau này sẽ vất vả trăm bề. Nhưng lúc ấy chị đâu có nghe, chị tin rằng ông trời đâu tuyệt đường sống của ai, chỉ cần hai vợ chồng chịu thương chịu khó sớm muộn gì cũng hạnh phúc.
Sau khi kết hôn, chồng tôi đã thay đổi tính nết
Chị nào ngờ, sau khi cưới vợ, nhất là khi chị mới sinh đứa con đầu lòng, sức khỏe yếu không phụ chồng làm ra tiền thì tánh tình anh thay đổi, thường xuyên la mắng, đánh đập chị dù chị không mắc lỗi gì. Có một hôm, nhà vợ có đám giỗ, anh nhậu say vào không những đánh vợ trước mặt họ hàng mà còn đánh luôn ông già vợ. Chịu hết thấu, khi ảnh tỉnh rượu, chị giận dỗi đòi chia tay anh. Điều chị không ngờ là anh lại đồng ý ngay mà không thèm suy nghĩ lấy một giây.
Vì hai người chưa làm giấy đăng ký kết hôn nên thủ tục ly dị của anh chị cũng vô cùng đơn giản. Tài sản cũng chẳng có gì để chia vì từ khi cưới nhau, hai vợ chồng dọn ra ở riêng trong một căn chòi lá cách nhà cha mẹ vợ không tới 200m, nghèo đến nỗi không có đủ tiền để mua sắm thứ gì quý giá. Chị cứ nghĩ anh sẽ không làm khó gì mẹ con chị và sẽ âm thầm bỏ đi không lời từ biệt, cũng đơn giản như cách anh bước vào đời chị vậy. Nào ngờ…
Ba hôm sau ngày chính thức tuyên bố ly hôn, khi từ nhà cha mẹ ruột trở về nhà, chị chua xót đến rơi nước mắt khi chứng kiến sự tan hoang của nơi từng là mái ấm của mình: lu nước 4 cái thì có đến 3 cái đã vỡ tung tóe, nước chảy tràn lan; chén bát trong chạn vỡ nát; xoang nồi trong bếp cái nào cũng bị đục lỗ ở giữa; nghía vào trong buồng, chị thấy trên giường là những bộ quần áo của chị bị cắt thành từng mảnh, kể cả đồ lót của chị, anh cũng chẳng chừa lại cái nào lành lặn. Trên bàn, anh để lại mấy dòng nghệch ngoạc: “không có gì để chia, nhưng những thứ nào mà tao sắm tao sẽ phá hết, ngu gì để mày dùng rồi nuôi thằng khác. Vĩnh biệt”.
Tôi bất ngờ với cái tính tiểu nhân của người mà bấy lâu nay tôi gọi bằng chồng
Vợ chồng chị đã ly dị và chia tài sản theo cách cay đắng và chua xót đó. Chị bảo tới lúc đó, chị mới biết rõ lòng dạ của kẻ mình đã gọi là chồng suốt mấy năm qua. Nhưng hối hận thì đã muộn.
Cũng giống như chị Lam, nhiều chị em phụ nữ khác cũng gặp những ông chồng tính toán đến mức ngay cả cục xà bông, bó đũa thậm chí là cái chén cũng đòi chia hai với vợ khi ly hôn. Người ngoài cuộc nhìn vô đã lắc đầu ngao ngán vì không hiểu anh chồng làm thế để được gì, còn người trong cuộc – những người vợ đáng thương ôm con nhỏ còn đỏ hỏn chỉ biết khóc ròng than thầm rằng phận mình bạc.
Từ những câu chuyện trên, hình ảnh người đàn ông rộng rãi, “quân tử”, sống có tình có nghĩa đã biến mất, cái còn lại chỉ là hình ảnh xấu xí, ích kỷ với tư tưởng “ăn không được thì phá cho hôi”. Những lúc đó, họ không thèm nhớ đến tình nghĩa vợ chồng đã từng đầu ấp tay gối, quên luôn đứa con bé bỏng trong vòng tay vợ sẽ sống chật vật ra sao sau khi không có bố. Lúc ấy, sự ích kỷ đã chiếm trọn đầu óc và khiến các anh chồng hành xử với vợ cũ, người sẽ nuôi nấng con mình khôn lớn còn tệ hơn cả người dưng nước lã.
Tôi viết bài này không phải để khuyên các anh chồng đừng chia tài sản với vợ sau khi chia tay, hay hãy sống cao thượng, bao dung… Nhưng thật sự, câu chuyện về một người đàn ông lặng lẽ rời nhà, để lại tất cả tiền tài trong nhà, kể cả trong thẻ tín dụng, chiếc xe vẫn đi làm hàng ngày và sổ đỏ của ngôi nhà từng là tổ ấm của hai vợ chồng lại cho vợ mà ra đi mình không… đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi. Đó không phải là sự cao thượng, mà là một người đàn ông có trách nhiệm và vô cùng tự tin vào quyết định của mình. Anh ta tự tin vào đôi bàn tay mình, có nó, anh ta sẽ tự làm ra được những thứ tài sản kia mà không cần so đo, tính toán với vợ cũ – người bị tổn thương sâu sắc nhất, dễ mất thăng bằng nhất sau cuộc ly hôn. Khi đó chắc hẳn trong lòng người vợ, hình ảnh người chồng ấy không bao giờ xấu xí, và cô cũng chẳng bao giờ hối hận vì đã từng là vợ của anh…
Nguồn: Theo thegioitre
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.