Cha mẹ không hoàn hảo nên rất cần ta làm một đứa con thảo hiếu…

Cha mẹ không hoàn hảo nên mới rất cần ta làm một đứa con thảo hiếu...

Chiều qua, cái laptop của tôi đã hỏng ổ cứng hoàn toàn. Thay ổ cứng mới cũng không làm cho cái laptop ấy đúng là nó nữa. Giống như một con người trong hình hài cũ mà tâm ý đã hoàn toàn đổi khác. Nên tôi quyết định cất nó vào ngăn tủ, cuộn tròn lại dây sạc như một lời tiễn biệt. Kể từ đây, nó hoàn toàn nghỉ ngơi.

Đối với một người có công việc phải gắn bó với câu chữ, phải sống với từng từ ngữ như tôi thì laptop là một người bạn lớn. Một người tri kỷ, khi tôi như khách bộ hành rong ruổi giữa cuộc đời, nắng gió, và ngày tháng. Chiếc laptop này là bố cho tôi. Mười năm. Tôi đã có nhiều khi không biết được rằng nó tồn tại với một tầm quan trọng thế nào. Chiếc laptop cũ mà bố cho tôi ấy thực ra chỉ để ở nhà, trên một góc khiêm tốn của bàn làm việc – nơi mà một kẻ ưa rong ruổi xê dịch như tôi chẳng mấy khi ngồi vào. Tôi giống như một kẻ quen nắm bắt những thứ mơ hồ hơn là ngẫm ngợi về những gì có thực, nên sự tồn tại của nó nhiều lúc cũng làm tôi quên bẵng. Chỉ thi thoảng lắm, những khi ở nhà, đôi ý tưởng nảy ra, tôi mới bật nó lên rồi cắm cúi gõ gõ mải miết, rồi di chuột với cái nhìn quan cách và phán xét. Tôi, như một kẻ bàng quan với tất cả những gì đã thuộc về mình và dành cho mình.

Cha mẹ không hoàn hảo nên mới rất cần ta làm một đứa con thảo hiếu...

Quả thực, cho đến hôm nay khi tạm biệt nó rồi, tôi không thể nào nói dối: tôi nhớ nó! Đã hơn 1 lần, vì sự cũ kỹ già nua của nó, vì số tiền rủng rẻng mà tôi có, bởi những lời quảng cáo bay bổng của nhân viên bán hàng, tôi nghĩ sẽ bỏ quách nó đi cho rồi. Nhưng tôi cũng chỉ mua thêm về 1 chiếc máy mới để phù hợp hơn cho những lần di chuyển, đi xa bận bịu… rồi lại đặt cái máy cũ gọn gàng trên góc bàn làm việc. Có đến nhiều hơn một chiếc laptop, tôi vẫn thấy mình không quên được cảm giác những ngón tay chạm vào bàn phím quen. 10 ngón tay nối liền với tim, cảm giác nào đã ở trên những đầu ngón ấy sẽ lặn vào trong tim mình vĩnh viễn. Ở đó, có những phím chữ đã mòn đi, bóng nhẫy, có những hàng chữ quen thuộc mà tôi chỉ cần nhắm mắt – trong lúc cảm xúc đang cồn cào lên như một kẻ lên đồng cũng có thể chạm đến nó chính xác, không thể nhầm!

Nếu ai đó hỏi tôi về điều gì khiến tôi buồn nhất trong những tháng ngày tồn tại trên đời, tôi sẽ nói rằng, điều ấy chính là về bố. Bố tôi là lớp người rất cũ kỹ bảo thủ về tư tưởng nhưng cũng không có được cái sự bao bọc rộng lớn và rộng lượng dành cho gia đình của những bậc cha hiền thời xưa. Ở bố có dấu vết của một người lớn lên từ bao cấp, mang trong đầu cái gia trưởng của nền nông nghiệp cũ pha trộn vào Nho giáo, lại có cái thất thế trước nền kinh tế đang ồn ã loại trừ những người không nhanh nhạy. Bởi thế bố cứ loay hoay trong nỗi thất bại của ông, do ông và rơi trúng số phận ông, nên quay ra gằn hắt vợ con, đối xử với vợ con như một tên cai ngục, kiểu phán xét khắt khe, yêu cầu nặng nề và mãi không cảm thấy có vợ con bên cạnh là một niềm hạnh phúc! Tôi đã nghĩ rất nhiều về bố, và cuối cùng, tôi kết luận xanh rờn: nên loại bỏ hình ảnh về con người luôn khiến tôi mệt mỏi ấy ra khỏi đầu!

Cha mẹ rất cần ta làm một đứa con thảo hiếu...

Cho đến khi cái laptop chết ổ cứng hoàn toàn, không có chút nào khả năng khôi phục, tôi mới nhận ra, từ nay, trên bàn làm việc của mình sẽ mang một khoảng trống lặng câm không thể lấp đầy và rất nhiều day dứt! Nó ở đó đã năm năm nay rồi như sự tồn tại lặng lẽ của những người đã cũ, của những người dù không làm tôi vui theo cách mà tôi muốn nhưng dành cho tôi tất cả những gì họ có một cách thản nhiên và hiển nhiên.

Bố đã không làm tôi vui và tự hào khi nghĩ về ông nhưng bố chưa từng nghĩ sẽ để tôi một mình khi tôi cần nương tựa. Bố có thể khắt khe mọi điều và phán xét những lời khó nghe khi tôi làm điệu, tôi yêu hay khi tôi lựa chọn công việc của mình nhưng ông vẫn dành cho tôi một chiếc laptop tốt nhất trong khả năng có thể, khi tôi chưa từng tự kiếm được một đồng xu nào để tự nuôi thân mình… Sự tồn tại của cha mẹ bên con cái nhiều khi là như thế, có những điều cáu kỉnh, có những sự cằn nhằn, có khi là những tiếng thở dài thất vọng khi con cái không sống theo cách cha mẹ muốn và cha mẹ không phải là niềm vui khi con cái nghĩ về.

Nhưng chúng ta trở về và nhận mọi thứ từ cha mẹ. Để rồi cho rằng họ khiến ta buồn và ta lạnh nhạt ra đi, vùi lấp đời ta trong mớ công việc vĩnh viễn chẳng bao giờ kết thúc. Mà ta quên mất, tuổi cha mẹ mới là điều hữu hạn. Cha mẹ không hoàn hảo nên mới rất cần ta làm một đứa con hiếu thảo trên đời…

Nguyên Ân

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.