Những kiến thức cơ bản, đơn giản nhất về cách chăm sóc mẹ và bé những ngày đầu sau sinh sẽ giúp mẹ tránh được những rắc rối, phiền toái không đáng có.
Chăm sóc sức khỏe mẹ
Thời kỳ hậu sản thông thường kéo dài 6 tuần. Sau khi sinh mẹ sẽ được tiêm thuốc co tử cung. Vài ngày đầu mẹ phải đối mặt với những cơn đau dạ con để đẩy sản dịch ra hết. Trong thời gian này, mẹ cần chú ý đến những vấn đề sau:
– Không dùng gen bụng vì gen sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như băng huyết, đơ tử cung.
– Sản dịch thường hết sau 10-15 ngày.
– Nếu âm đạo tiết dịch có mùi hôi, kèm đau bụng và ra sản dịch, mẹ cần đến bệnh viện chuyên khoa khám vì đây có nhiều khả năng là dấu hiệu bất thường.
– Cố gắng ngủ nhiều, tranh thủ con ngủ mẹ cũng phải ngủ để lấy lại sức.
– Không nằm bất động, thi thoảng đi lại. Khi nằm nghỉ không vắt chéo hai chân, chân duỗi thẳng để sản dịch được đẩy ra ngoài.
– Thư giãn, tránh trầm cảm, tránh mất ngủ.
– Không tắm gội cùng chung một ngày (nếu hôm nay tắm thì để ngày mai gội đầu).
– Khi cổ tử cung, đường âm đạo và âm hộ phục hồi hoàn toàn mới được phép quan hệ. Thông thường từ 6-8 tuần sau sinh là có thể gần gũi chồng, tuy nhiên phải hết sức nhẹ nhàng.
Dinh dưỡng cho mẹ
Vấn đề dinh dưỡng cho sản phụ sau sinh luôn là vấn đề gây tranh cãi bởi thói quen kiêng khem quá mức của người Việt. Mẹ cần tuân thủ các nguyên tắc ăn uống sau để vừa hồi phục sức khỏe cho chính mình, vừa có đủ sữa cho con bú.
– Vẫn tiếp tục uống sắt và canxi.
– Uống ít nhất 3 lít nước/ ngày. Nước ở đây có thể xen kẽ nước lọc, nước hoa quả, nước canh, sữa.
– Không ăn thực phẩm cay, nóng. Không hút thuốc, uống rượu bia.
– Mẹ nên ăn những thực phẩm tốt cho mẹ và bé như cam tươi, sữa chua, súp lơ xanh, đậu phụ, thịt bò, trứng gà, khoai lang. Hạn chế tỏi ớt, thì là, bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả. Đối với những mẹ đẻ mổ, 6h đầu sau mổ nên ăn các món nhẹ như súp, sữa, cháo.
– Mẹ có thể ăn tôm nhưng không nên ăn thực phẩm tanh, tính hàn như cua, ốc.
Dinh dưỡng cho bé – nuôi con bằng sữa mẹ
Đối với bé sinh đủ tháng
Bữa bú đầu tiên ngay sau khi chào đời 1 tiếng, sữa non rất tốt cho bé vì chứa nhiều kháng thể và lợi khuẩn hỗ trợ hệ miễn dịch của bé sau này. Sữa non có trong 3 ngày đầu sau sinh, sau 3 ngày sẽ là sữa trưởng thành. Sữa đầu thường nhạt màu, màu hơi xanh; sữa cuối thì nhiều chất dinh dưỡng vì thế mẹ nhớ cho bé bú hết một bên ngực rồi mới chuyển sang vú bên kia.
– Bú càng sớm càng tốt, bé sẽ thải phân su sớm, tăng đào thải qua nước tiểu, giảm nguy cơ vàng da bệnh lý.
Trong sữa có nước nên không cần phải cho bé uống nước trong 6 tháng đầu đời.
Cho bé bú cả hai bên vú, nếu không vú mẹ sẽ bị lệch, trông mất thẩm mỹ.
Mẹ cố gắng cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Cho bé bú sẽ kích thích sự phát triển não bộ của bé. Khi nuôi con bằng sữa mẹ, mẹ cũng nhận được nhiều lợi ích về sức khỏe. Khi bé bú, cơ thể mẹ tiết ra hormone oxytocin giúp tử cung co hồi nhanh, nhanh cầm máu sau sinh. Bé bú thường xuyên, sữa tiết đều, giúp giảm tỷ lệ mắc các bệnh liên quan đến vú như ung thư vú, cương vú, áp xe vú.
Đối với bé sinh thiếu tháng
Bé thiếu tháng là những bé sinh dưới 37 tuần, có cân nặng dưới 2,5 kg.
Dinh dưỡng hoàn hảo nhất cho bé sinh thiếu tháng vẫn là nguồn sữa mẹ. Ngoài ra, giảm thiểu thời gian cách ly mẹ con, áp dụng phương pháp da tiếp da, áp bé vào ngực mẹ 30 phút/ lần.
Dinh dưỡng cho bé – nuôi con bằng sữa công thức
Khi nuôi con bằng sữa công thức mẹ cần chú ý đến những vấn đề sau:
– Pha sữa theo đúng hướng dẫn trên bao bì, không pha đặc quá sẽ khiến bé mất nước, hại thận bé, không pha loãng quá sẽ không cung cấp đủ dinh dưỡng cho bé.
– Không pha sữa bằng nước khoáng đóng chai.
– Tiệt trùng bình sữa thường xuyên.
– Cho bé ăn mỗi 2-3 tiếng/ lần hoặc khi bé đói.
– Trường hợp bé không ăn hết sữa, sữa có thể bảo quản trong tủ lạnh trong vòng 1 tiếng. Quá 1 tiếng, không nên cho bé bú lại phần sữa thừa đó nữa.
Cân nặng của bé thế nào là bình thường?
Mẹ theo dõi cân nặng của bé. Tuần đầu tiên bé có thể bị sụt cân sinh lý. Sang đến tuần thứ 2 bé phục hồi cân nặng lúc mới sinh. Từ 5-6 tuần cân nặng của bé gấp 2 lần lúc sinh. Đến 1 tuổi, cân nặng của bé gấp 3 lần lúc sinh.
Bé có bú đủ sữa hay không?
Mẹ có thể biết được bé có bú đủ sữa hay không nhờ vào cách đếm số lần đi tiểu tiện và đại tiện trong ngày của bé.
Trong 24 giờ sau sinh: Bé tiểu ít nhất 1-2 lần. Đi tiêu ít nhất 1-2 lần hoặc vài ba lần do đào thải phân su.
Trong 2 – 3 ngày đầu sau sinh: Bé đi tiểu ít nhất 3-4 lần. Đi tiêu ít nhất 2-3 lần.
Trong 4 ngày sau sinh: Bé đi tiểu ít nhất 5-6 lần. Đi tiêu ít nhất 3-4 lần.
Khi nào bé đói?
Thông thường khi bé đói bé sẽ khóc toáng lên. Tuy nhiên khóc là dấu hiệu muộn. Mẹ cần chú ý đến các dấu hiệu sớm như miệng bé tóp tép, hoặc quay đầu tìm ti mẹ. Cho bé bú theo nhu cầu, cho bé bú thường xuyên và lâu hơn nếu bé muốn. Thông thường ít nhất cho bé bú 10-15 phút mỗi bên vú.
Nếu bé không bú mà ngủ triền miên, đánh thức bé bằng cách cù cù nhẹ vào lòng bàn chân, tuyệt đối không lay bé vì rất nguy hiểm. Nếu 5-6h bé không bú, bỏ bú, mẹ cần lưu ý vì bé có thể đang gặp vấn đề.
Những đặc điểm bình thường của bé
Bé có cân nặng từ 2,8kg-3,2kg, chiều dài từ 32-35 cm.
Da bé rất mỏng, dễ bị tổn thương. Tháng đầu tiên mẹ không cắt móng tay, móng chân cho bé mà đeo bao chân bao tay.
Bé có bớt màu xanh là bình thường. Nếu bé có bớt màu nâu đậm ở cổ, gáy sau đó lan rộng, có thể bé bị u máu phẳng. Khi bé được 6 tháng có thể đưa bé đến bệnh viện để xử lý.
Về bộ phận sinh dục của bé gái, môi nhỏ bao trùm môi lớn, dần dần mới hoàn thiện. Tương tự, bộ phận sinh dục bé trai có thể chưa đầy đủ. Tại bộ phận sinh dục của bé trai và bé gái có thể ra chút máu. Mẹ không phải lo vì đây là hiện tượng bình thường do nội tiết của mẹ để lại. Ngực của bé có thể sưng to, phồng, vài hôm sẽ hết.
Bé sơ sinh ngủ nhiều để hoàn thiện não bộ và các chức năng khác. Thường bé ngủ 22 tiếng/ ngày.
Dạ dày bé nằm ngang chưa tạo thành góc cong nên hay bị trớ. Mẹ chú ý không cho bé bú quá no. Cho bé ợ hơi sau khi bú.
Bé bị vàng da sinh lý khi vàng từ mặt đến bụng, khoảng10 ngày sẽ tự hết. Trường hợp mặt, mắt bé vàng, lan từ từ ra sau lưng, xuống dưới, sưởi nắng không hết tức là bé bị vàng da bệnh lý. Khi này cần đến sự can thiệp của các y bác sỹ chuyên khoa. Vàng da bệnh lý thường xảy ra đối với trẻ đẻ non, hoặc đẻ sang chấn nhưng không được xử lý kịp thời.
Xem thêm
Cách tắm cho trẻ sơ sinh
Làm đẹp sau sinh
Giam can sau sinh
Minh Trang
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.