Chăm sóc bé khi mọc răng sữa
Mọc răng là một trong những giai đoạn phát triển quan trọng của bé. Những chiếc răng đầu tiên và được bé sử dụng trong những năm sau đó được gọi là răng sữa. Sau khi bé được 6 tuổi bé sẽ có giai đoạn thay răng, thời điểm này những chiếc răng sữa được thay thế bằng răng vĩnh viễn và được sử dụng trong suốt cuộc đời.
Nhiều người nghĩ rằng răng sữa không quan trọng vì sau này chúng cũng được thay thế nên lơ là chuyện chăm sóc răng sữa cho bé. Tuy nhiên, theo mình được biết nếu răng sữa bị tổn thương cũng sẽ ảnh hưởng đến chân răng và cũng ảnh hưởng đến răng vĩnh viễn sau này.
Do đó để chăm sóc bé khi mọc răng và chăm sóc răng của bé, mẹ cũng nên có những kiến thức cơ bản sau:
Thứ tự mọc răng của bé
Tuy có sự khác nhau về thời gian, tuy nhiên hầu hết thì răng sữa đều mọc theo thứ tự nhất định: đầu tiên là hai răng cửa dưới mọc khi bé 6-10 tháng tuổi, sau đó là hai răng cửa trên lúc bé được 8-10 tháng tuổi, sau đó hai răng cửa trên mọc đối xứng nhau lại xuất hiện khi bé 9-13 tháng, hai răng cửa dưới mọc đối xứng nhau lại xuất hiện khi bé được 10- 16 tháng. Tiếp theo là hai răng hàm trên và hai răng hàm dưới, răng nanh trên và dưới cũng sẽ xuất hiện trong năm thứ 2. Cuối cùng là răng hàm trong cũng xuất hiện. Như vậy tuy bé có mọc răng sớm hay trễ thì khi được 30 tháng bé cũng đã mọc đủ hết 20 cái răng sữa. Răng sữa của bé sẽ có màu trắng đục.
Những biểu hiện khi bé mọc răng
Khi bé mọc răng sẽ có những biểu hiện bên ngoài mà bạn có thể nhìn thấy là nướu răng bắt đầu sưng lên, bé có biểu hiện chảy nước miếng và do ngứa nướu răng bé sẽ “cạp” bất cứ thứ gì mà bé cầm trên tay.
Sốt
Khi bé mọc răng hầu hết bé sẽ bị sốt. Tuy nhiên cũng sẽ có những bé không bị sốt, tuỳ vào cơ địa của bé. Bạn quan sát nếu bé có những biểu hiện của mọc răng và kèm theo sốt thì bạn có thể biết bé sốt do mọc răng. Nếu bé sốt cao trên 38 độ C thì cho bé dùng thuốc hạ sốt, cho bé uống nhiều nước, không kiêng cữ ăn uống sẽ làm bé thiếu dinh dưỡng, nhưng chú ý thức ăn cần mềm và lỏng, dễ ăn, cho bé ăn những gì bé thích tuy nhiên không nên cho bé ăn quá nhiều bánh kẹo ngọt và uống nước có gas.
Theo dõi từ 3-5 ngày, nếu bé không có những biểu hiện bệnh lý khác thì bé sẽ tự động hết sốt. Nếu bé có những biểu hiện của những bệnh lý khác như nổi ban, sốt cao khó hạ, nổi bóng nước…bạn cần đưa bé đến bác sĩ ngay để được điều trị.
Bạn có thể tham khảo cách chăm sóc bé khi bị sốt.
Chăm sóc răng sữa cho bé
Khi những cái răng đầu tiên xuất hiện cũng là lúc bạn nên có kế hoạch chăm sóc “ cái gốc” của bé yêu nhà bạn.
Đối với những bé dưới 12 tháng tuổi, hàng ngày bạn nên dùng khăm mềm gac rơ lưỡi nhúng vào nước muối pha loãng để vệ sinh răng cho bé. Bạn nên làm mỗi ngày hai lần hoặc sau khi bé ăn xong.
Đối với những bé trên 12 tháng, bạn có thể cho bé sử dụng bàn chải và kem đánh răng. Đối với bàn chải, bạn nên sử dụng loại có lông mềm. Đối với kem đánh răng bạn sử dụng loại dành riêng cho bé, mỗi lần sử dụng chỉ lấy 1 lượng kem nhỏ bằng hạt đậu xanh và tập cho bé tự đánh răng. Khuyến khích bé nhổ nước kem ra, nhưng nếu bé có lở nuốt thì cũng không cần quá lo lắng.
Bạn không nên cho bé ăn những thức ăn, nước uống quá nóng hay quá lạnh sẽ ảnh hưởng không những đến răng mà còn đến cổ họng của bé. Cũng không nên cho bé ăn quá nhiều bánh kẹo ngọt sẽ ảnh hưởng đến răng của bé.
Bạn cũng không nên quá lo lắng vì trong giai đoạn mọc răng bé sẽ thấy khó chịu, bé ăn ít đi, cáu gắt sẽ dẫn đến chuyện bé bị sụt cân.
Đến nha sĩ 6 tháng 1 lần để kiểm tra sức khoẻ răng miệng cho bé.
Đến gặp bác sĩ để có những tư vấn hợp lý nếu bạn thấy quá lo lắng hay bé có những biểu hiện không bình thường.
Chúc bé ngày càng ngoan, thông minh và cao lớn, khoẻ mạnh!
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.