Nếu mẹ từng lơ là khi chăm sóc răng miệng cho bé, hãy cảnh giác! Bởi răng khỏe mạnh là một phần rất quan trọng trong sức khỏe tổng thể của con. Các nha sĩ khuyên rằng, thậm chí ngay từ khi mới sinh và chưa có chiếc răng nào, bé cũng cần được chăm sóc răng miệng kĩ càng để đảm bảo con có thể khỏe mạnh và phát triển tốt nhất.
Khi nào bé mọc răng?
Thông thường, bé sẽ xuất hiện chiếc răng đầu tiên vào khoảng 6 tháng tuổi. Tuy vậy, mẹ cũng đừng lo lắng khi chúng mọc sớm hoặc chậm hơn vài tháng. Điều đó hoàn toàn không có gì bất thường và không phải là bệnh lý. Theo nhiều nghiên cứu, những trẻ đẻ non, yếu; những bé có chế độ ăn chưa hợp lý hoặc khi mẹ ăn uống mà kiêng khem quá nhiều cũng có thể ảnh hưởng tới quá trình mọc răng của con.
Mỗi bé đều có tốc độ mọc răng khác nhau, nhưng hầu hết trong 3 năm, bé sẽ có đủ 20 chiếc răng sữa. Đến khi bé 5 – 6 tuổi, những chiếc răng sữa sẽ bắt đầu “rụng” để nhường chỗ cho răng vĩnh viễn.
Đừng coi thường vai trò của răng sữa
Răng sữa góp phần định hình khuôn mặt trẻ, giúp “hướng dẫn” cho răng vĩnh viễn mọc đúng vị trí. Thông thường, răng sữa mọc lên và đứng trên cung hàm, sau vài năm thì chân răng bắt đầu tiêu dần chuẩn bị nhường chỗ cho một mầm răng vĩnh viễn sắp trồi lên ngay đúng vị trí đó. Nếu răng sữa bị hỏng sớm và phải nhổ khi chưa đến lúc, mầm răng vĩnh viễn bên dưới chưa lớn kịp nên chưa mọc ngay được. Lỗ nhổ răng đó bị bít lại và cứng chắc, khi mầm răng vĩnh viễn mọc lên sẽ gặp khó khăn, mọc chậm và đôi khi mọc lệch.
Răng sữa có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe của trẻ nhỏ. (Ảnh minh họa theo foodnavigator)
Răng sữa cũng góp phần giúp cho xương hàm phát triển. Đó là vì khi bé nhai thức ăn, động tác này làm cho hàm được phát triển bình thường. Răng sữa cũng giúp trẻ phát âm; nếu răng sữa bị hỏng sớm phải nhổ, trẻ có thể nói ngọng. Đó là lý do vì sao mẹ phải chăm sóc răng miệng thật tốt cho bé.
Răng sữa có một lớp men bên ngoài rất mỏng so với răng vĩnh viễn, khiến cho bé dễ bị sâu răng. Nhất là trẻ em thường hay tiếp xúc nhiều với đồ ngọt như bánh, kẹo, sữa công thức, nước trái cây,… hay thậm chí cả sữa mẹ (vì trong sữa mẹ cũng có đường); trong khi việc vệ sinh răng miệng cho trẻ nhỏ không đơn giản chút nào. Vì thế vi khuẩn dễ tấn công răng bé và gây sâu răng.
Sâu răng sớm ở trẻ em gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe vì nó không chỉ khiến bé đau đớn, mà còn khiến con khó ăn, khó ngủ và mất tập trung trong việc học tập.
“Tips” chăm sóc răng miệng đúng cách cho bé từ sơ sinh đến 4 tuổi
Bé sơ sinh đến 1 tuổi | – Lau sạch nướu của bé bằng khăn sạch, mềm và ấm 2 lần mỗi ngày.
– Ngay sau khi chiếc răng đầu tiên mọc lên, mẹ cũng không được lơ là với nó mà phải làm sạch ít nhất 1 lần/ngày (thường là trước khi đi ngủ) với bàn chải đánh răng lông mềm được thiết kế riêng cho trẻ sơ sinh. Hãy đặt bé nằm trên một mặt phẳng hoặc bế bé để đầu con nằm gọn trong lòng mẹ và bắt đầu đánh răng. – Không nên để bé nằm trên giường cùng với một cái chai, vì bé sẽ gặm nó suốt khiến nguy cơ những chiếc răng mọc lên bị lệch. – Bé từ 6 tháng trở đi: + Nếu muốn cho bé uống nước trái cây: không nên cho bé uống quá 125 – 175ml mỗi ngày, và nên cho bé uống bằng cốc thay vì bình, vì con sẽ ngậm rất lâu khiến đường và các axit trong nước ép trái cây phá hoại men răng của bé. + Nếu bé cần ngậm ti bình trong lúc ngủ trưa, hãy cho nước lọc vào bình thay vì sữa hay nước trái cây. + Nếu mẹ cho bé bú trước khi đi ngủ, hãy nhớ là vệ sinh răng sạch sẽ cho con. + Đừng ngậm núm ti giả để thử nhiệt độ của sữa, cũng như không đặt núm ti đó vào miệng bạn với bất cứ lý do nào, bởi vì vi khuẩn (bao gồm cả những loại gây sâu răng), virus hay nấm men có thể “lây” sang bé theo cách này. |
Bé 1 – 2 tuổi | – Bé nên được khám nha khoa lần đầu tiên sau 12 tháng tuổi.
– Mẹ đánh răng cho bé hàng ngày (sử dụng kem đánh răng không có chất fluoride). – Hạn chế cho bé ngậm núm vú giả để ngủ trưa và trước khi đi ngủ. |
Bé 3 – 4 tuổi | Lúc này, mẹ đã có thể hướng dẫn bé tự đánh răng với quy tắc: “2 trên 2” – tức là mỗi ngày đánh răng 2 lần, mỗi lần 2 phút.
– Ở tuổi này, bé có thể bắt đầu sử dụng kem đánh răng có chứa fluoride với lượng bằng hạt đậu xanh mỗi lần. Hãy giảng giải cho con rằng kem đánh rằng thì phải “nhổ” thay vì “nuốt”, vì rất nhiều bé thường nuốt khi đánh răng. – Khuyến khích bé đánh răng thật đúng cách, để đảm bảo tất cả bề mặt răng được làm sạch. – Hãy đánh răng cùng con để làm mẫu cho bé. – Nếu bé có thói quen mút ngón tay khi răng vĩnh viễn bắt đầu xuất hiện, cần ngăn bé lại bởi nó có thể khiến răng con bị lệch. |
Cho mọi lứa tuổi | – Rửa tay trước và sau khi đánh răng. – Rửa sạch bàn chải đánh răng sau mỗi lần sử dụng và làm khô, để tách riêng bàn chải sao cho chúng không chạm vào các bàn chải của người khác. – Thường xuyên thay bàn chải (chừng 3 tháng 1 lần hoặc khi thấy các lông bàn chải trở nên cứng, mòn,…). – Không nên tạo cho trẻ thói quen uống nước giữa bữa ăn. Không cho bé ăn vặt thường xuyên với bánh kẹo, nước trái cây, hoa quả sấy khô hoặc các thực phẩm chứa đường khác. – Thường xuyên cho bé đi nha sỹ để kiểm tra răng miệng (thông thường là 6 tháng hoặc theo đề nghị của nha sĩ). |
Những “quy tắc” chăm sóc răng miệng cho bé thực ra rất đơn giản và dễ thực hiện nếu mẹ bỏ chút thời gian để tìm hiểu. Đó cũng là cách tốt nhất để con lớn lên khỏe mạnh toàn diện.