Chẩn đoán ung thư bàng quang bằng mùi nước tiểu

Chẩn đoán ung thư bàng quang bằng mùi nước tiểu

Các nhà nghiên cứu tại đại học Liverpool và đại học West of England ở Britol đã tạo ra một thiết bị có thể phân tích các mùi trong nước tiểu để tìm kiếm những tín hiệu sớm của bệnh ung thư bàng quang. Nhóm nghiên cứu cho biết thiết bị có thể đạt độ chính xác đến 100% với 98 mẫu thử nước tiểu.

Thiết bị có tên gọi Odoreader chứa một hệ thống cảm biến phản hồi theo các chất hóa học trong khí thoát ra từ nước tiểu. Hệ thống bao gồm thiết bị ghi sắc kí chất khí tiêu chuẩn được lắp với một cột mao dẫn. Cột mao dẫn giao tiếp với chiếc một cảm biến oxit kim loại nóng (hỗn hợp gồm thiếc và kẽm oxit) đóng vai trò là máy dò.

Chẩn đoán ung thư bàng quang bằng mùi nước tiểu

Lọ chứa mẫu nước tiểu được đưa vào thiết bị và khí bốc lên từ nước tiểu bên trong sẽ được phân tích để lấy kết quả về những chất hóa học được tìm thấy. Quy trình này mất khoảng 30 phút, kết quả sẽ hiển thị trên một màn hình máy tính và dữ liệu sẽ cho biết có hay không sự hiện diện của tế bào ung thư trong bàng quang.

Nhóm nghiên cứu cho biết việc chẩn đoán sớm ung thư bàng quang sẽ tăng cơ hội chữa trị thành công và giảm các chi phí điều trị liên quan. Thông thường, một trong những phương pháp được dùng để phát hiện dấu hiệu sớm của ung thư bàng quang là sử dụng những chú chó được huấn luyện đặc biệt để ngửi mùi lạ trong nước tiểu. Mặc dù vậy, phương pháp này không lý tưởng đối với môi trường bệnh viện. Tuy nhiên, dựa trên thực tế rằng loài chó có thể phát hiện ung thư từ mùi lạ, các nhà nghiên cứu mới có ý tưởng quan trọng để tạo nên thiết bị nói trên.

“Những kết quả do Odoreader mang lại rất đáng khích lệ để chúng tôi phát triển các công cụ chẩn đoán mới cho căn bệnh ung thư bàng quang. Thế nhưng, chúng tôi hiện tại cần phải khảo sát trên quy mô lớn hơn với nhiều mẫu thử của nhiều bệnh nhân hơn nhằm kiểm tra hiệu năng của thiết bị trước khi nó có thể được sử dụng rộng rãi tại các bệnh viện”, giáo sư Chris Probert thuộc đại học Liverpool cho biết.

 

Theo Tinh Tế, Gizmag, Đại học Liverpool