Bạn bè và hai bên gia đình chỉ biết chung chung rằng chồng tôi đi công tác nước ngoài vài năm, vẫn thắc mắc vì sao tôi lại để chồng đi, trong khi con gái mới chỉ vừa 2 tuổi. Chồng tôi cũng chỉ trả lời rằng thời điểm khó khăn, công ty buộc phải điều chuyển nhân sự sang thị trường mới hơn. Ngày anh lên máy bay, tôi không tiễn, anh cũng nói tôi nên ở nhà. Tôi ôm con trong phòng ngủ mà nghe lòng trống rỗng, không biết vì sao mình lại thở dài.
Chồng đi vắng, tôi tiếp tục nuôi con theo cách mà tôi muốn. Đây chính là nguyên nhân khiến vợ chồng chúng tôi cãi cọ nhau suốt ngày. Quả thực, chồng tôi đã cảm thấy dị ứng, thấy “thất kinh khiếp đảm” với cái cách con bé hơn 6 tháng, vừa ngồi vững vững, tôi đã cho con vào ghế ăn rồi để con “ăn bốc ăn bải” rau củ hay bánh cứng quèo. Khi nó mỏi răng quá ngủ gật luôn trên ghế thì tôi bế con đi rửa ráy nhanh nhanh rồi đi ngủ. Chồng tôi bảo anh không tưởng tượng nổi tại sao tôi đoảng và lười đến thế. Anh luôn nghĩ đến việc những người mẹ xay bột, dỗ dành và liên tục bày trò cho con há mồm để đút từng thìa bột vào miệng con. Chưa kể tôi để con lăn bò thoải mái ra sàn nhà. Dù tôi đã giải thích hàng trăm lần là tôi cam kết lau nhà rất sạch thì anh vẫn khùng lên. Tôi luôn buộc anh về nhà trước 7h tối để chơi với con, kẻo con đi ngủ mất. Anh lấy lí do này nọ không chịu về, tôi gọi điện liên tục, thậm chí kêu gào và phá đám mọi cuộc vui tụ tập của anh. Hơn một lần anh lao về nhà, vừa dựng được xe là xông vào tát tôi nảy đom đóm mắt vì tôi làm anh xấu hổ với bạn bè. Ngày yêu tôi, anh si mê sự cá tính và sự mạnh mẽ của tôi. Làm chồng tôi, anh lại trách tôi là “đồ trái khoáy”. Rồi anh quát tháo, rồi tôi khóc lóc, và con gái tôi hoảng hồn vì những lời lẽ nặng nề, ầm ĩ trong nhà.
Rồi xa chồng, tôi tự do hoàn toàn, con tôi, một tay tôi lựa chọn phương pháp nuôi dưỡng và giáo dục. Tiền anh gửi về tôi không dùng. Tôi cho con bò lên sàn nhà, cho con nghịch nước ấm chán chê rồi mới tắm. Tôi đi du lịch cùng con. Tôi tự hào rằng tôi tháo vát, đảm đang và đầy hiểu biết. Con tôi cũng lớn phổng, tôi rất nhàn, mà con lại nhanh nhẹn, khôn ngoan. Lúc chồng gọi điện về, tôi để 2 bố con nói chuyện với nhau, tự hỏi han nhau, nhìn nhau qua webcame. Tôi không nói gì với chồng, chồng cũng chẳng nói gì với tôi. Tôi muốn chứng tỏ cho anh thấy rằng tôi “thắng”. Tôi tự hào rằng tôi hiện đại và tiếp thu được rất nhiều cái mới, ngấm ngầm muốn chồng phải nể mặt mình. Nhưng trong tôi luôn canh cánh một cảm giác băn khoăn, gần như là có lỗi. Lẽ nào phụ nữ tháo vát, đảm đang và hiểu biết thì luôn phải chịu cảnh cô đơn? Chẳng lẽ không một người chồng nào chịu ở bên một người mẹ, người vợ không giống như truyền thống?
Những ngày thiếu nhau, tôi hiểu, căn nhà này trống trải vô cùng. Tôi đã nghĩ sẽ đợi anh đi, rồi khi quen với cảm giác một mình, tôi sẽ trả nhà cho anh, sẽ đề nghị li hôn mà không cần tòa án phải chia tài sản. Vậy mà bây giờ tôi hoang mang quá. Tôi không sợ chồng yêu người khác, không sợ chồng đề nghị li hôn, vì tôi cứng cỏi, tôi đi qua được. Nhưng tôi sợ con gái tôi chỉ biết có mình tôi trên đời, coi tôi là người tốt nhất với con mà lớn lên theo cách khắt khe, phán xét, nghi ngờ mọi thứ quanh mình. Tôi thấy tôi có lỗi vì đẩy chồng ra khỏi con mình. Vì rõ ràng là anh rất yêu con, chỉ là anh không đồng ý với tôi về phương pháp chăm con. Thêm nữa, để con ở lại với tôi và tình nguyện đi xa, chắc chắn là anh yêu tôi và tin rằng tôi đủ hiểu biết để nuôi con mình. Chọn cách ly thân chứ không ly hôn, chắc chắn anh cũng vẫn còn nghĩ đến việc trở về. Vậy thì thực chất, câu chuyện phức tạp giữa vợ chồng tôi, hình như chỉ là cách của hai cái tôi to đùng và không nhường nhịn nhau.
Suy cho cùng, cháo hay cơm thì rồi con cũng lớn… vấn đề ở đây là sự áp đặt của cả chồng và tôi trong cách nuôi dạy con mà thôi.
Chúng tôi đang làm gì con bé thế này? Ai cũng nghĩ là mình sẽ làm điều tốt nhất cho con, còn người kia kém cỏi? Chúng tôi chưa kịp để con cảm nhận niềm vui có cha mẹ ở bên thì đã đặt con vào sự hiếu thắng của mình. Chồng tôi không biết nghe, hay tôi không biết cách nói với anh cho phù hợp? Chồng tôi quá cổ hủ hay tôi chưa biết cách cho anh thấy rằng mình yêu con đủ để áp dụng cho con mọi phương pháp an toàn trong nuôi dạy? Chẳng lẽ trong một vài thời điểm, tôi không thể nào nhân nhượng chồng mình?
Tôi biết, tôi đã thắng. Bởi tôi vốn là người hiếu thắng. Tôi biết tôi luôn có được điều mình muốn, bởi vì tôi luôn nhất nhất bắt buộc mọi thứ phải theo ý mình. Chỉ là con tôi trong trẻo quá, con tôi chẳng có lý luận gì, để phân tích điều đúng sai, về việc phải ăn cháo bột hay cơm. Nhưng chắc chắn là con cần cả cha mẹ ở bên. Con cần một người mẹ chăm lo đến những điều vụn vặt, để một người cha dạy con về niềm tin và cảm hứng về những chân trời mới. Cần cha mẹ nhường nhịn nhau và cần về nhà để thấy niềm vui sống. Rằng cháo hay cơm thì con rồi cũng lớn. Rằng dạy cách này hay cách khác thì mục đích cuối cùng trong cuộc đời là con phải cảm thấy thật yêu đời và sống thật vui. Rằng cha mẹ đã sống theo cách nào và được đào tạo ra sao thì điều quan trọng nhất vẫn phải là tin tưởng và trao cho con quyền lựa chọn cuộc đời của con, dù con muốn làm một giáo sư hay một người làm vườn. Tôi tự hào mình được ăn học đầy đủ, giỏi giang, vậy mà tôi luôn nghĩ chỉ có mình là tốt. Con sẽ lớn lên thế nào với một người mẹ luôn muốn chứng tỏ mình chiến thắng? Tôi đã được cha mẹ yêu thương và trao quyền lựa chọn ra sao, mà tôi quên điều ấy mất rồi…
Chồng tôi, qua cái tết này, năm tới anh sẽ về. Anh bảo, anh thấy có lỗi với tôi vô cùng vì đã quá cổ hủ trong nuôi dạy con. Anh bảo, anh có ra nước ngoài mới thấy nhiều người Việt luôn áp đặt, từ việc nhỏ là bắt con ăn theo ý bố mẹ. Tôi nói, chính tôi mới là người có lỗi, bởi suy cho cùng, buộc người khác phải đồng ý với sự mới mẻ của mình, cũng là một điều áp đặt cả thôi…
Linh Nga
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.