Tàu vũ trụ Rosetta của châu Âu vào ngày 12/11 tới sẽ thả tàu thăm dò đáp xuống một sao chổi xa xôi trong vũ trụ, trong sứ mệnh lần đầu tiên của nhân loại nhằm “chạm” trực tiếp vào thiên thể còn mang nhiều bí ẩn này, theo AFP.
>>> Tàu Philae sẽ đáp lên “đầu” sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko
Mười ngày sau khi công bố vị trí hạ cánh của tàu thăm dò Philae trên sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cuối tuần qua đã xác định ngày cho Philae đáp xuống thiên thể đang chu du trong khoảng không vũ trụ cách Trái đất 450 triệu km này.
Tàu vũ trụ Rosetta sẽ cố gắng cho tàu thăm dò Philae đáp lên sao chổi có hình dáng kỳ lạ đang thẳng hướng đến mặt trời với vận tốc 16,79km một giây.
Hình ảnh sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko do tàu Rosetta chụp lại – (Ảnh: NASA)
Sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko với hình dáng giống như một con vịt cao su được cấu thành từ hai khối nối với nhau bởi một cái cổ hẹp.
Trước đó, ESA đã chọn điểm J nằm phía khối nhỏ được gọi là “đầu” để làm điểm đáp của Philae. Ngoài ra còn có điểm C nằm ở khối còn lại của sao chổi sẽ là vị trí hạ cánh dự phòng.
Nếu tất cả diễn ra đúng kế hoạch, Rosetta sẽ thả tàu thăm dò Philae vào lúc 8 giờ 35 phút ngày 12/11 (giờ GMT, tức 15 giờ 35 phút cùng ngày theo giờ Việt Nam) khi tàu vũ trụ cách điểm giữa sao chổi khoảng 22,5km và Philae sẽ đáp xuống sao chổi bảy giờ sau đó.
Với độ trễ là 28 phút và 20 giây của tín hiệu một chiều truyền về từ Rosetta thì việc xác nhận hạ cánh sẽ đến được Trái đất vào khoảng 16 giờ ngày 12/11 (giờ GMT, tức 23 giờ cùng ngày theo giờ Việt Nam).
Trường hợp nếu ESA không sử dụng vị trí hạ cánh J mà chọn điểm C thì Philae sẽ tách khỏi tàu vũ trụ Rosetta vào lúc 13 giờ 4 phút ngày 12/11 (giờ GMT, tức 20 giờ 4 phút cùng ngày theo giờ Việt Nam) ở khoảng cách 12,5km so với sao chổi và hạ cánh sau đó bốn giờ. Ở kịch bản này thì việc xác nhận hạ cánh sẽ truyền về Trái đất lúc 17 giờ 30 phút ngày 12/11 (giờ GMT, tức 0 giờ 30 phút ngày 13/11 theo giờ Việt Nam).
Điểm đáp dự kiến của tàu thăm dò Philae lên sao chổi – (Ảnh: NASA)
Được biết tàu Rosetta được trang bị 11 camera và nhiều cảm biến đã chụp lại và truyền về Trái đất những hình ảnh đáng kinh ngạc của sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko. Hiện các nhà khoa học còn mong chờ những khám phá lớn hơn từ 10 thiết bị đo đạc trên Philae.
Theo đó, nếu thành công, các nhà khoa học có thể giải mã được những bí ẩn của sao chổi – những thiên thể bằng băng đá được sinh ra cùng thời với hệ Mặt trời của chúng ta cách nay 4,6 tỉ năm, qua đó có thể trả lời một số câu hỏi về sự sống trên Trái đất.
Rosetta bắt kịp 67P/Churyumov-Gerasimenko sau chuyến hành trình dài 6 tỉ km với bốn lần bay ngang Trái đất và sao Hỏa để sử dụng lực hấp dẫn từ hai hành tinh này nhằm tăng tốc.
Với trọng lượng khoảng 100kg, Philae sẽ sử dụng các móc để neo vào sao chổi trước khi thực hiện các cuộc thí nghiệm của mình, bao gồm mũi khoan 30cm vào sao chổi để thu các mẫu vật nhằm phân tích chúng.
Theo Thanh Niên