Xưa nay, “đúng thì khen thưởng – sai thì phạt” luôn là một mệnh đề đúng trong công việc. Nhưng khen làm sao để người khen cảm thấy đó là lời động viên chân thành và cần phải cố gắng hơn, hoặc chê làm sao để nhân viên nhận ra lỗi của mình mà sửa đổi và tiến bộ hơn, lại không làm mất đi tình cộng sự thì không phải chuyện dễ dàng.
Khi làm sếp, đương nhiên một người lãnh đạo sẽ có những cách khác nhau để phê bình hoặc khích lệ nhân viên của mình, nhưng không phải ai cũng được cấp dưới tâm phục khẩu phục khi áp dụng “bí kíp” vào thực tế công việc. Những mẹo dưới đây sẽ giúp các nhà lãnh đạo có thêm những cái nhìn đúng đắn trong việc áp dụng phê bình vào công việc đối với cộng sự của mình.
Tìm hiểu ngọn ngành
Điều đầu tiên khi bạn biết nhân viên của mình mắc lỗi, khoan hãy chỉ trích hay bực tức vội vàng, hãy tìm hiểu thêm từ nhiều kênh thông tin khác nhau để truy đến cùng sự thật của vấn đề.
Sự thật luôn là cốt lõi để bạn phân định phải trái của vấn đề. Đừng vì quá tức giận mà không truy vấn ngọn nguồn, cũng không nên vì có thiện cảm lớn với nhân viên đó mà “lơ” đi sự việc. Luôn phân minh dựa trên sự thật, bạn sẽ là một nhà trọng tài công bằng nhất.
Hãy gọi nhân viên vào phòng riêng
Khi bạn đã bình tĩnh trở lại và biết rõ ngọn nguồn câu chuyện, bạn đã hiểu tại sao nhân viên đó làm sai, cố ý hay vô tình thì bạn có thể gọi người đó vào phòng riêng để nói chuyện thẳng thắn.
Là một nhà lãnh đạo hẳn bạn sẽ nắm được cá tính của nhân viên đó, để có những “đối sách” phù hợp khi nói chuyện. Vấn đề khi trao đổi sẽ không phải là “Anh đúng hay tôi đúng” mà là sự thừa nhận của nhân viên với sai lầm của mình. Bạn chớ nên cả giận mất khôn mà gào thét hay đe dọa anh ta/cô ta nói ra sự thật, bởi sự nóng giận của bạn chỉ làm bạn mất đi khả năng phán đoán. Hãy xem thái độ hối lỗi của nhân viên đã làm sai ra sao để có quyết định phù hợp cho việc tiếp tục hay sa thải.
Nếu như anh ta/cô ta đã mắc một sai lầm nghiêm trọng ảnh hưởng đến công việc thì bạn cũng không cần phải bực tức làm gì, ảnh hưởng đến tinh thần và sức khỏe của bản thân, hãy công khai sai lầm của anh ta/ cô ta trong cuộc họp sau khi có quyết định sa thải. Việc này sẽ là một “đòn tâm lý” cho các nhân viên khác biết mà không mắc phải lỗi lầm đó.
“Lời nói chẳng mất tiền mua”
Hãy thêm chút hài hước vào lời khen hoặc chê của mình với nhân viên, sếp sẽ thấy hiệu quả khác hẳn so với việc khen ra khen, chê ra chê. Ví dụ như thấy nhân viên đó có năng lực nhưng lại hay làm việc tùy hứng thì có thể áp dụng khen mà chê kiểu như “ Cậu làm việc tốt đấy, nhưng cố gắng tập trung hơn nữa nhé, cậu mà không lãng đãng thì hiệu quả còn cao hơn nhiều, cố lên thanh niên!”. Chỉ một câu khen mà chê như vậy nhưng cả sếp lẫn nhân viên đều cảm thấy thoải mái, không có cảm giác bị sỉ nhục hay bị tổn thương. Suy cho cùng, lời chê hay lời khen cũng đều làm để nhân viên của mình tiến bộ hơn, vì thế lời nói luôn là một sức mạnh để thể hiện sự tài tình trong khả năng lãnh đạo của mình.
Không trả thù cá nhân
Nếu bạn là một người lãnh đạo tốt thì không bao giờ nên mắc phải lỗi lầm này. Dù nhân viên của bạn có mắc lỗi lầm nhưng bạn nên công tâm để nói về vấn đề đó, không nên nhân dịp đó để trả thù cá nhân, lôi chuyện cũ của nhân viên ra để tấn công. Nhân viên của bạn sẽ càng thêm khó chịu vì thái độ của bạn, họ sẽ cảm thấy bạn đang dồn họ vào chân tường, vì thế bạn sẽ không bao giờ có được sự vị nể của họ.
Chuyện lỗi lầm của nhân viên cũng không nên nhắc đi nhắc lại, điều đó khiến mọi người đều nhìn nhận bạn như một kẻ chỉ thích “bới lông tìm vết”, chuyên mượn cớ để trả thù cá nhân, hành động đó hoàn toàn không phải là hành vi của một nhà lãnh đạo có tầm.
Khen – chê” luôn là một phạm trù tế nhị trong giao tiếp, vì thế việc sử dụng nhịp nhàng lời nói trong việc giao tiếp này đòi hỏi các nhà lãnh đạo cần phải biết mềm mại, khéo léo. Bởi vì điều cuối cùng trong việc khen hay chê cũng chỉ với mục đích cho công việc trôi chảy, thuận lời và đạt kết quả tốt nhất!
Nam Trung
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.