Chế phẩm sinh học EM với mô hình vườn- ao- chuồng- ruộng

Các sản phẩm phụ của nông nghiệp như: rơm, thân lá bắp… được ủ với một lượng chế phẩm sinh học EM thích hợp trở thành thức ăn dinh dưỡng cho bò. Phân bò lại được làm phân bón lúa, rau màu và làm thức ăn cho cá. Nước tiểu bò kết hợp với chế phẩm sinh học EM dùng để tưới cho rau, màu, giúp tiết kiệm 90% phân đạm urê. Đó là mô hình vườn- ao- chuồng- ruộng (VACR) đang được áp dụng khá hiệu quả tại tỉnh Bạc Liêu.

Ông Văn Thảo ở ấp Công Điền, xã Vĩnh Trạch, thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu là một trong 5 hộ dân ở xã Vĩnh Trạch đang áp dụng mô hình VACR. Tại buổi hội thảo đầu bờ tổ chức giữa tháng 11-2006 vừa qua, phần báo cáo thực hiện mô hình của ông đã thu hút sự quan tâm theo dõi của hơn 40 nông dân và cán bộ nông nghiệp. Đến khi trực tiếp tham quan, mô hình VACR của gia đình ông Thảo đã thuyết phục bà con nông dân: đàn bò lớn đẹp, khỏe mạnh; chuồng trại sạch sẽ, không có mùi hôi; lúa và rau, màu tươi xanh mơn mởn; còn ao cá thì đang chờ ngày thu hoạch.

Trong quá trình thực hiện mô hình VACR, ông Thảo ủ rơm, thân lá bắp với một lượng chế phẩm sinh học EM thích hợp để làm thức ăn cho bò. Nước tiểu bò được ông pha với chế phẩm EM nên không còn mùi hôi và trở thành đạm hữu cơ để tưới cho rau màu. 1 công đất ông trồng được 40 giồng cải dài 18m. Trước kia, mỗi vụ cải, ông tốn khoảng 40-45 kg phân urê/công. Hiện nay, ông chỉ tốn từ 5-7kg phân urê/công cộng với 10 lít nước tiểu bò và 1 lít chế phẩm EM nên tiết kiệm được khoảng 200.000 đồng. Một năm ông trồng từ 4-5 vụ cải, số tiền tiết kiệm được lên đến cả triệu đồng. Ông Thảo so sánh: “Sử dụng phân urê quá nhiều, rau cải mau bị sâu và thối, để lâu không được. Trong khi đó, sử dụng phân, nước tiểu bò, rau cải cứng cây, xanh tốt, ít bị thối nhũn và tồn trữ được lâu hơn”. Theo kinh nghiệm của

Ông Văn Thảo đang hướng dẫn bà con nông dân cách pha chế nước tiểu bò và chế phẩm EM tại hội thảo đầu bờ.

riêng ông, dùng nước tiểu bò pha với chế phẩm EM và một ít thuốc sâu xịt tren rau cải có tác dụng xua đuổi côn trùng có hại. Chuồng trại sau khi rửa sạch, chỉ cần dùng khoảng 200cc chế phẩm EM hòa với nửa thùng nước, tưới đều trong chuồng trại thì không còn mùi hôi nữa.

Phân bò được ông Thảo ủ hoai với chế phẩm EM thành phân hữu cơ, dùng bón cho đất trồng rau màu, lúa trước khi gieo hạt, giúp cây phát triển tốt. Ngoài ra, ông còn dùng phân bò làm thức ăn cho cá, tận dụng thêm thức ăn rau xanh mà không cần tốn tiền mua thức ăn công nghiệp. Ông Thảo cũng thường xuyên tạt chế phẩm EM xung quanh ao để làm sạch đáy áo và khử mùi hôi trong nước. Mô hình của ông Thảo chưa đến thời điểm thu hoạch toàn bộ, chưa tính được lợi nhuận, nhưng ông khẳng định: “Trước mắt, tôi thấy mô hình đem lại nhiều lợi ích thiết thực như: hạn chế sử dụng phân hóa học, rau màu ít sâu bệnh nên ít sử dụng thuốc trừ sâu; rau tồn trữ được lâu và bán được giá hơn. Nhờ tận dụng phân, nước tiểu bò nên tiết kiệm được chi phí sản xuất và không ảnh hưởng đến môi trường”.

Người nghiên cứu ra mô hình VACR là tiến sĩ Lê Thị Dự, Trưởng Bộ môn Công nghệ hạt giống, Viện Lúa ĐBSCL. VACR là nội dung nghiên cứu của đề tài “Ứng dụng mô hình sản xuất tích hợp nông nghiệp, đa dạng hóa cây trồng vật nuôi cho vùng sản xuất còn nhiều khó khăn” do Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Bạc Liêu cấp vốn và chủ quản, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Nông nghiệp sạch là đơn vị chủ trì thực hiện. Đề tài được triển khai thực hiện từ năm 2005 đến năm 2007. Theo Tiến sĩ Lê Thị Dự, chủ nhiệm đề tài, để thực hiện mô hình VACR hiệu quả, cần có chế phẩm sinh học EM.

Chế phẩm EM đang được bán rộng rãi trên thị trường, được sản xuất theo công nghệ vi sinh lên men các vi sinh vật có ích: vi khuẩn quang hợp, vi khuẩn lac- tic, nấm men, xạ khuẩn và nấm sợi (công nghệ Nhật Bản). Các vi sinh vật này hoạt động chuyển biến các chất khó tiêu thành các chất dễ tiêu, tăng dinh dưỡng, biến các phế phẩm nông nghiệp như rơm, thân lá bắp thành thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao, phù hợp với bò. Chế phẩm EM có công dụng khử mùi hôi chuồng trại gia súc, gia cầm; phân hủy các chất hữu cơ, thức ăn dư thừa và các chất độc hại như NH3, NO2, H2S có trong ao hồ nuôi thủy sản, nước tiểu động vật; kích thích hệ tiêu hóa vật nuôi nhờ hệ thống enzym sinh học; nâng cao sức đề kháng cho cơ thể vật nuôi. Tiến sĩ Lê Thị Dự cho biết: “Muốn tăng phẩm chất nông sản và đảm bảo các yêu cầu khác thì việc sử dụng phân hữu cơ, phân bò bắt buộc phải dùng công nghệ vi sinh (kết hợp với chế phẩm EM). Khi lên men, các vi sinh vật có ích hoạt động sinh nhiệt cao, có thể tiêu diệt vi sinh vật gây bệnh dịch, hạn chế truyền nhiễm và giảm mùi hôi của phân”.

VACR là mô hình sản xuất nông nghiệp tích hợp khép kín, phù hợp cho vùng sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn, giúp nông dân phá thế độc canh cây lúa, đa dạng hóa nguồn thu nhập. Ông Nguyễn Phú Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trạch, cho biết: “VACR là mô hình mới và có nhiều hiệu quả thiết thực. UBND xã sẽ phối hợp với hội nông dân các cấp để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi giúp nông dân phát triển mô hình này”. Theo ông Phan Duy Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu, đối với 5 hộ dân thực hiện mô hình trình diễn, Sở sẽ thu hồi 40% kinh phí đã hỗ trợ thực hiện mô hình khi đề tài nghiên cứu kết thúc. Đồng thời, sẽ hỗ trợ các địa phương có chủ trương nhân rộng mô hình này để giúp nông dân nâng cao nhận thức, giảm thiểu sử dụng phân bón hóa học, tiết kiệm chi phí sản xuất.

Từ kết quả thực hiện ở xã Vĩnh Trạch, thị xã Bạc Liêu, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu đã tiếp tục phối hợp với Ban chủ nhiệm đề tài để nhân rộng mô hình này tại huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Dự kiến, mô hình sẽ được triển khai thực hiện vào đầu năm 2007. Tiến sĩ Lê Thị Dự cho biết: “Mô hình sản xuất tích hợp để tiết kiệm nguyên vật liệu trên một đơn vị diện tích vừa trồng trọt, vừa chăn nuôi vẫn được duy trì. Tuy nhiên, tùy điều kiện tình hình của từng địa phương mà chúng tôi lựa chọn cây trồng, vật nuôi cho phù hợp”.

Bài, ảnh: LỆ THU

 

Theo Báo Cần Thơ