Trước khi cưới tôi cũng nghe chồng giới thiệu qua về bố chồng là người đàn ông vụn vặt quá “đàn bà”. Nhưng cứ phải về làm dâu tôi mới hiểu.
Ngay ngày đầu tiên tôi đi chợ về, thấy bố chồng chạy ra xách đồ giúp, chưa kịp mừng vì bố chồng tâm lý thì tôi thấy ông soạn hết đồ ra, cầm miếng thịt lên ngửi ngửi, rồi nhặt từng bó rau, quả cà chua ra xem xét. Còn chưa hiểu chuyện gì thì ông quay ra mắng: “lần sau mua ít đồ thôi, mua nhiều thế này tốn kém quá.” Rồi bố chồng tôi chạy đi lấy quyển sổ, bảo tôi đọc rõ mua từng thứ hết bao nhiêu tiền. Thật sự tôi hơi choáng, nhưng thôi chắc đấy là thói quen giám sát chi tiêu của ông.
Nấu cơm xong, tôi đang lúi húi dọn mâm để mời mọi người xuống ăn thì bố chồng lại xuống kiểm tra. Thấy bát cơm nguội tôi không hấp ông hỏi tôi định làm gì, tôi cũng thật thà trả lời rằng: “cơm khô quá con định đổ đi.” Thôi thế là thêm một bài ca vì cái tội lãng phí, không biết trân trọng mồ hôi công sức của người nông dân. Tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ kia. Và cứ thế mỗi ngày tôi nếm trải thêm nhiều trải ngiệm mới ở gia đình nhà chồng. Hoá ra từ trước đến nay mẹ chồng tôi chẳng bao giờ được cầm tiền đi chợ, hoặc là bố chồng đi, hoặc là ông sẽ khoán rõ mua những gì. Ông quy định rõ, đồ gì phải mua ở đâu, như kiểu chai dầu ăn phải đúng 33 nghìn, và phải ra đại lý mua cho rẻ. Mì tôm thì 3 người nấu 2 gói súp thôi, không phải ông sợ mặn mà ông để dành một gói xào rau.
Nhưng đấy cũng không phải là tất cả. Chưa có ai nói nhiều như bố chồng tôi. Ông như kiểu phát thanh viên của đài phát thanh phường vậy. Ông nói như đài, nói không dừng lại, và hay chê. Ông chê người nhà chán lại chê người ngoài. Chúng tôi chưa có con nhưng chứng kiến cảnh ông bắt bẻ cô giáo của con bé Tít, con của anh trai chồng tôi mà ngán ngẩm. Ngày nào ông cũng giành phần đưa đón cháu dù anh chị tôi không ở cùng ông bà. Anh chị cũng không muốn ông đưa Tít đi học, nhưng sáng sớm nào ông cũng đi xe đến, đứng ngoài cổng bấm còi inh ỏi để anh chị gửi cháu Tít cho ông đưa đi. Ông không cho cháu Tít mặc đồng phục lớp vì chê vải rẻ tiền. Đi họp phụ huynh cho cháu, ông xông thẳng đến phòng của ban giám hiệu để “dạy dỗ” họ về tinh thần trách nhiệm cần phải có cho người làm giáo dục dù chính họ cũng không hiểu đã làm gì sai. Chưa hết, có mỗi một hôm cháu Tít về nhà là chạy ngay xuống toilet đi vệ sinh, ông quy ngay ra cái tội cô giáo cháu cấm không cho cháu đi vệ sinh ở lớp, rồi tưởng tượng ra cảnh cháu của ông đã sợ sệt thế nào, đã khổ sở ra sao, rồi vừa uống rượu vừa hờ khóc như cháu chết bất đắc kỳ tử rồi không bằng!
Sống với ông, mẹ chồng tôi bị rơi vào cảnh buồn không dám khóc, vui không dám cười. Ông suốt ngày cứ cáu kỉnh, gườm gườm, thấy vợ con nói đùa nhau, cười vui một tí, ông lầm bầm “đĩ thõa”. Hôm bà ngoại chồng tôi mất, mẹ chồng tôi buồn, ủ rũ cả tuần, nhưng ông cũng không tha cho bà, ông lôi bà ra chửi không ra gì vì cái tội “rước cái bộ mặt đưa đám về nhà ông”. Suốt ngày ông chỉ sợ vợ con phản bội, sợ hàng xóm lừa gạt, chiếm đoạt, sợ cô giáo tra tấn hành hạ cháu, sợ ăn trộm rình mò nhà ông…Tôi về thăm mẹ đẻ, biết nhà mẹ đẻ tôi nuôi gà, ông đứng cửa dặn với theo “bảo bà gửi sang đây ít trứng gà ta, trứng gà chợ bố không ăn được, nhưng bà tính tiền thì con cứ mặc cả ba nghìn rưỡi một quả thôi, cứ bảo mẹ không bán thì nhà chồng con mua ở chợ cũng đầy ra cho bà ấy khỏi kiêu?!”.
Tôi thương mẹ chồng tôi. Mẹ cũng như mẹ tôi, cả đời tận tụy vì chồng con. Chồng có thế nào cũng im lặng sẵn sàng chịu đựng. Sống với bố chồng tôi, một người nhanh nhẹn, tháo vát, đã từng làm chủ cả doanh nghiệp lớn như bà, bây giờ cũng trở nên ngơ ngác, chậm chạp và hay giật mình lo sợ. Tôi không biết phải làm gì. Tôi muốn ra ở riêng, chồng tôi cũng sẵn sàng ủng hộ, nhưng cái cách này, tôi sợ mẹ chồng tôi sẽ phát điên, tôi muốn ở lại đỡ đần cho bà phần nào những căng thẳng, stress trong nhà. Nhưng tôi cũng sợ chính tôi đang tiếp tay cho ông, với cách sống nhỏ nhen và toan tính đến nỗi bần tiện này. Tôi sợ, không kiên quyết ra ở riêng, ông sẽ làm ảnh hưởng đến tinh thần cả đứa con mà tôi sắp sinh ra…
Quỳnh Hoa
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.