Chỉ cần với tay, bạn có thể giảm được hàng tấn CO 2

Chỉ cần với tay, bạn có thể giảm được hàng tấn CO 2

Tiết kiệm điện, giảm rác thải nhà bếp, đi xe đạp hay sử dụng phương tiện giao thông công cộng… Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã đưa ra một loạt những việc cần làm để mỗi người tự góp phần giảm khí thải nhà kính.

Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) kêu gọi, mọi người trên thế giới đều có thể tiết kiệm năng lượng tại nhà bằng các biện pháp nhằm làm giảm khí nhà kính phát thải trong đời sống hàng ngày.

Đó là các biện pháp đơn giản, mỗi người đều có thể làm được để góp phần giảm thiểu khí thải nhà kính, như sử dụng ít năng lượng không chỉ giúp ích cho hành tinh mà còn tiết kiệm tiền cho hộ gia đình; điều chỉnh bộ ổn nhiệt hoặc điều hoà lên 1,5oC (3oF) tiết kiệm khoảng 1 tấn CO2 một năm; sử dụng tủ lạnh tiết kiệm năng lượng có thể tiết kiệm được gần nửa tấn CO2 mỗi năm so với sử dụng tủ lạnh thông thường; sử dụng bóng đèn huỳnh quang compact dạng xoắn hiệu quả tiết kiệm hơn 75% so với bóng đèn thắp sáng thông thường; sử dụng cửa sổ, cửa ra vào loại cách nhiệt và làm thêm phần cách nhiệt vào gác mái và tầng hầm, nền sẽ làm giảm việc tiêu thụ năng lượng;

Chương trình cũng nhắc nhở mọi người giảm rác thải nhà bếp. Trung bình mỗi năm, một người thải lượng rác gấp 10 lần trọng lượng cơ thể của mình. Trong khi đó, 1kg rác đem chôn lấp sản sinh khoảng 2 kg khí metan. UNEP cũng khuyến cáo mọi người hãy bớt việc mua sắm và thải các đồ bao gói không cần thiết. Sử dụng cả 2 mặt giấy và tái chế giấy có thể tiết kiệm 2,5kg khí nhà kính đối với mỗi kg giấy sử dụng.

Chỉ cần với tay, bạn có thể giảm được hàng tấn CO 2

Chạy xe với tốc độ chậm, bạn có thể góp phần giảm thiểu hàng trăm kg khí thải nhà kính CO2 mỗi năm… Trong ảnh: Dòng xe ô tô dày đặc trên một đường phố ở Bắc Kinh, Trung Quốc (Ảnh: Trần Vũ)

Một loạt các hoạt động tiết kiệm năng lượng trên đường đi cũng tỏ ra rất hiệu nghiệm nếu mỗi người chịu khó đi bộ, đi xe đạp, sử dụng xe dùng chung hoặc các phương tiện giao thông công cộng… Việc làm này cũng sẽ góp phần giảm lượng phát thải khí nhà kính.

UNEP cũng đưa ra khuyến cáo cho người đi xe hơi… Hãy giữ lốp căng nhất khi sử dụng xe cũng như lái xe với tốc độ thấp sẽ tiết kiệm nhiên liệu hơn và giảm phát thải khí nhà kính.

Các chuyên gia môi trường đã tính toán, nếu bạn lái xe ở tốc độ thấp hơn 5 dặm mỗi giờ so với tốc độ tối thiểu trên quãng đường đi làm hằng ngày dài 8 dặm, bạn có thể góp phần giảm thiểu 350 kg khí CO2 mỗi năm.

Băng tan: Một vấn đề nóng bỏng

“Băng tan – một vấn đề nóng bỏng” là chủ đề được Chương trình môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) chọn cho Ngày môi trường thế giới (5/6) năm nay.

Theo giới khoa học, nhiệt độ Trái đất đã tăng thêm 0,75°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. 11 năm nóng nhất trong vòng 125 năm qua đã diễn ra từ suốt năm 1990, trong đó năm 2005 được ghi nhận là năm nóng nhất. Hiện nay các nhà khoa học đều nhất trí rằng nguyên nhân này là do sự phát thải các khí nhà kính như CO2 từ nhiên liệu hóa thạch bị đốt cháy.

Trong khoảng thời gian từ năm 1960 đến 2002, sự phát thải khí CO2 từ con người trên toàn cầu tăng lên gấp 3. Dự đoán mức tăng nhiệt độ trong thế kỷ này trong khoảng 1,4oC đến 5,8oC. Tác động của sự biến đổi khí hậu có thể nhìn thấy rõ nét. Các ví dụ như sự thu nhỏ các chỏm băng ở Bắc cực, mực nước biển tăng nhanh, thu hẹp các sông băng trên toàn thế giới, tan chảy các vùng đóng băng vĩnh cửu; băng tan nhanh hơn ở các sông, hồ; tăng cường độ và tần suất các cơn bão nhiệt đới; kéo dài khoảng cách giao mùa; và những biến đổi về loài và cách thói quen của động thực vật.

Trong vòng 100 năm qua, mực nước biển trên phạm vi toàn cầu đã tăng từ 1-2mm mỗi năm. Kể từ năm 1992, tỷ lệ này khoảng 3mm/năm. Mực nước biển tăng, cư dân sống ở các đảo thấp và các thành phố ven biển đối mặt với tình trạng ngập lụt.

Về thiệt hại kinh tế, năm 2005, hãng Munich Re ước tính thiệt hại do các thảm hoạ liên quan đến thời tiết như bão nhiệt đới, cháy rừng vào khoảng trên 200 tỷ USD, trong đó các thiệt hại được bảo hiểm vào khoảng trên 70 tỷ USD.

Kiều Minh

 

Theo VietNamNet