Sinh con thời nay là chuyện trọng đại với hầu hết mọi gia đình. Để chuẩn bị cho một em bé ra đời, nhiều cặp vợ chồng còn chuẩn bị sức khỏe và tinh thần trước đó cả năm. Tuy thế chuyện “nhỡ” kế hoạch vẫn xảy ra ở nhiều mẹ, cá biệt có mẹ lại mang bầu ngay khi bé trước còn chưa qua cữ 3 tháng 10 ngày.
Bỗng nhiên… bầu
Sinh bé Bi được 1,5 tháng, nhà nội neo người, chị Hà xin phép về ngoại nhờ mẹ đẻ chăm. Ban đầu chỉ dự định ở vài tuần chờ tới khi Bi cứng cáp hơn và thuê được giúp việc thì 2 mẹ con về lại Hà Nội song thời hạn lưu lại nhà ngoại đã được kéo dài “chưa có hạn định”. Nguyên do bởi chị Hà…nghén quá. Chị Hà mang bầu bé thứ 2 khi Bi mới 3 tháng, kết quả của một lần “chồng về thăm 2 mẹ con, nhớ quá nên làm ‘liều’ mà không dùng biện pháp bảo vệ”
“Mang bầu mà mình còn không hề biết. Lúc đầu nghén quá mọi người còn tưởng mình bị hậu sản, cảm lạnh. Mãi đến đến khi chồng về thăm và nói đùa ‘Bi làm khổ mẹ nhỉ, ra đời rồi mà mẹ vẫn cứ nghén như thường’ thì mình mới ‘chột dạ’ thử que. Lúc đi siêu âm bé đã được 9 tuần rồi, 2 vợ chồng nhìn kết quả siêu âm mà hoang mang…”
Trường hợp của Nhật Minh còn “ly kỳ” hơn. Minh mang bầu tới tận…4 tháng và thai bắt đầu máy (đạp) thì chị mới phát hiện ra “Kể ra thì xấu hổ vì thấy em quá vô tư, chủ quan nhưng quả thật em chẳng có dấu hiệu mang thai gì hết. Em không hề nghén. Với lại đang cho con bú, kinh nguyệt chưa có lại, người xồ xề nên bụng có to ra cũng chẳng biết. Mãi tới khi thấy máy máy trong bụng em mới để ý. Đi siêu âm thì thai đã được 17 tuần rồi.”
Mặc dù mang thai không kế hoạch song với tâm lý “trời cho thì nhận” hoặc ở thế “chẳng đừng” vì thai đã quá to như Nhật Minh, nhiều mẹ quyết định để đẻ. Đứa trước còn đỏ hỏn đã phải chăm đứa sau trong bầu.
Mang bầu khi chưa có kế hoạch là thách thức rất lớn với nhiều mẹ
(Ảnh minh họa: Saloncom)
Quá chừng gian nan
Với chị Hà, những ngày đầu tiên mang bầu đứa thứ 2 là những ngày “kinh khủng” nhất của cuộc đời từ trước đến nay. Bé Bi gần 5 tháng đã phải cai sữa mẹ, ăn sữa công thức để không ảnh hưởng đến thai. Nghĩ đến cảnh con không chịu bú bình, khóc ngằn ngặt trong khi mẹ thì căng tức sữa nằm bẹp một chỗ vì nghén, không bế nổi con mà chị Hà rớt nước mắt. Cơ địa yếu, dạ con mới sinh xong còn lỏng, chị Hà dọa sẩy mấy lần, phải nằm treo chân một chỗ. Bé Bi mấy tháng đó một tay bà ngoại chăm. “Nhiều lúc cảm thấy bất lực vô cùng, con mình sinh ra mà không thể bế ẵm chăm sóc. Chồng thì ở xa, dù ở với mẹ đẻ mình vẫn khóc vì tủi thân suốt.”
Mang bầu đã vất vả là thế, tới lúc sinh con còn gian nan gấp nhiều lần. Nhật Minh sinh bé thứ 2 khi bé đầu tròn 13 tháng. Con lớn giao lại cho giúp việc còn bà ngoại chăm mẹ và bé mới sinh. Do sinh liền nhau, sức khỏe của Minh suy giảm rõ rệt và có dấu hiệu trầm cảm. Đứa nhỏ lúc sinh bị ngạt nên chưa tròn tháng đã viêm phế quản nằm viện 12 ngày. Đứa lớn giúp việc chăm chưa quen cũng lăn ra ốm, tiêu chảy cấp cả tuần. Chồng thì không thể nghỉ việc. Trong suốt tháng đầu tiên, cả nhà cứ nháo nhào lên. “Em thường xuyên gào khóc một mình thời điểm đó. Kể cũng lạ, hồi con gái tính em mạnh mẽ, ít khóc lắm . Sinh bé Mun cũng không thấy bị sao thế mà tới lượt bé Min thì ngày nào cũng khóc hết. Nói ra phải tội chứ nhiều lần em đã thấy hối hận vì đã đẻ con”
“Sợ nhất là lúc mẹ ốm, con ốm và chồng đi công tác. Đợt Min được 3 tháng thì em sốt do viêm tắc tuyến sữa, sốt đùng đùng 39, 40 độ nằm rét run cầm cập. Bà ngoại về quê làm đám giỗ, giúp việc thì vụng về. Con cái nheo nhóc, khóc lóc ỏm tỏi loạn nhà. Lúc đó em thấy đời mình sao u tối thế không biết, chỉ muốn chết quách cho xong”
Ấy thế mà trải qua giai đoạn “bấn loạn” thì hầu hết các mẹ sinh con “trứng gà, trứng vịt” đều cảm thấy sinh con liền nhau cũng có nhiều cái hay.
“Trứng vịt, trứng gà” cùng một nhà
“Lúc bé là lúc vất vả nhất chứ bắt đầu từ 1 tuổi trở đi là ổn hơn nhiều, chúng nó tự chơi với nhau yêu lắm, nhiều lúc cũng chành chọe nhưng thường là tự biết cách đi đến thỏa thuận trong hòa bình. Nhà có 2 đứa trẻ con lúc nào cũng rộn ràng hết. Mẹ muốn mệt, muốn bệnh cũng không được, thành ra cũng có cái hay. Với cả nuôi con luôn một thể, sau này bố mẹ nhàn hơn ” Chị Hà chia sẻ
Nhìn ngắm “thành quả” đáng yêu và dễ thương thế này, bao mệt mỏi tan biến hết
(Ảnh minh họa: Oppcc)
Còn với Nhật Minh thì “Nhà em cũng nào cũng như cái chợ hết, ồn ào khủng khiếp, nhiều lúc mẹ ong hết cả đầu vì tụi nó. Thế nhưng vắng một lúc là nhớ không chịu nổi. Bé Mun hơn Min có 1 tuổi nhưng ra dáng đàn chị lắm, yêu chiều và nhường nhịn em, còn bảo thương em vì em bé hay bị ốm nữa. Có lần em phạt Min vì tội cắn chị thì Mun lại chạy ra xin giúp cho em… Nhìn chúng nó chơi với nhau, yêu thương nhau đôi lúc nghĩ lại em vẫn cảm thấy có lỗi với những ý nghĩ không tốt trước đây”
Chăm một đứa trẻ sao chu toàn đã khó, huống hồ ở đây là hai đứa con gần tuổi nhau. Khó khăn gấp đôi là điều tất yếu nhưng niềm vui cũng theo đó mà được nhân lên gấp bội.
Phong Anh