Chỉ nói không với con khi thật cần thiết
Có những lúc bạn phải nói không. Thật ra có nhiều lúc bạn muốn nói không. Khi một đứa trẻ lớn lên, nó cần biết những nguyên tắc về cách cư xử và sẽ làm theo hướng dẫn của bạn. Bạn phải sẵn sàng đưa ra những giới hạn: con không được nhảy lên đồ đạc trong nhà, nếu con muốn đốt lửa thì phải có người lớn ở cạnh, con không được xem tivi quá nhiều, con phải nắm tay bố mẹ khi qua đường…
Tạo ra ranh giới khác với việc cấm đoán, trừng phạt. Trừng phạt là việc bắt phải chịu đau, điều mà không bao giờ dạy được cho trẻ ngoài những cảm xúc tiêu cực về sự sợ hãi và căm ghét. Khiển trách, giáo huấn, kiểm soát cũng đều không có tác dụng. Tất cả những điều này chỉ dẫn đến sự đối kháng từ phía trẻ nhỏ. Thay vì bạn làm một người giám sát độc đoán, hãy làm một người thày đầy dịu dàng, truyền cho bé những quy định cần thiết. Hãy coi đây như một trò chơi, chúng ta phải chơi như thế nào và tại sao.
Một người bố hoặc mẹ nói không một cách rõ ràng, thành thật tốt hơn là những người có xu hướng giải thích dài dòng sau khi nói không. Bạn nghĩ rằng việc giải thích của bạn sẽ khiến trẻ chấp nhận và hiểu lý do tại sao bạn nói không. Nhưng trẻ con không quan tâm đến thuyết trình khi bạn đã không đồng ý. Nói không mà không cần giải thích sẽ giúp bạn tránh được nguy cơ cãi nhau với trẻ khi không cần thiết.
Để có thể nói không một cách hợp lý, bạn phải làm theo những hướng dẫn, quy định mà bạn đặt ra cho trẻ. Một người bố hay chửi thề lại lo lắng tại sao cậu con trai 4 tuổi của mình văng tục khi chơi với bạn? Hãy làm gương cho trẻ nhỏ. Nếu bạn không muốn con chửi thề thì đừng chửi thề. Điều đó phù hợp với những quy định bạn đưa ra với con trẻ.
Hãy dùng câu nói không như một công cụ dễ chịu để dạy dỗ và hướng dẫn trẻ. Nhưng bạn cũng nên có những giới hạn chấp nhận được và những sáng tạo riêng cho việc hạn chế trẻ làm những điều nó thích nhưng không tốt. Thay vì quát mắng khi con vẽ lên tường, hãy bảo bé “không được vẽ lên tường” rồi đưa cho con một tờ giấy trắng để bé vẽ thỏa thích. Thay vì bảo “Con không được ăn bánh nữa”, mà hãy nói “Con cất bánh đi, sau khi ăn cơm tối xong thì con hãy ăn tiếp”. Bạn đừng lo rằng mình quá dễ dãi khi làm như trên. Mục đích của việc thực hiện kỷ luật là kỷ luật tự giác. Bọn trẻ sẽ thấy tự do và an toàn khi biết rằng chúng đã học được cách chỉ dẫn bản thân mình làm thế nào cho đúng – một sức mạnh mà chúng cần để trở thành người lớn thực thụ.
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.