Chỉ yêu thôi không đủ

(Mark Manson) – Năm 1967, John Lennon đã viết một ca khúc với tựa All You Need is Love (Tình yêu là tất cả những gì bạn cần). Ngoài ra, ông cũng đã viết nhiều ca khúc bất hủ khác về tình yêu, góp phần làm nên tên tuổi nhóm The Beatles. Tuy nhiên trong thời gian sáng tác ca khúc ngợi ca tình yêu All You Need is Love, John lại đang lừa dối người vợ đầu tiên (Cynthia Lennon) và ngoại tình với Yoko Ono – người sau này trở thành vợ hai của ông.

35 năm sau, Trent Reznor – thủ lĩnh ban nhạc Rock Nine Inch Nails lại viết một ca khúc mang tên Love is Not Enough (Chỉ tình yêu là không đủ) với những ca từ mang màu sắc ảm đạm và rất thực tế về tình yêu. Thế nhưng đến năm 2009, chàng ca sĩ nổi tiếng với những màn biểu diễn gây sốc và thời gian dài chìm trong trầm cảm và nghiện ngập này đã quyết rũ bỏ tất cả để kết hôn với Mariqueen Maandig và trở thành người cha tốt của hai đứa con.

Một trong hai người đàn ông kể trên đã có nhận thức rõ ràng và thực tế về tình yêu, nhưng người còn lại thì không. Một trong hai người đã lý tưởng hóa tình yêu và coi nó là chìa khóa giải quyết mọi vấn đề, người kia thì không.

Hẳn bạn cũng biết rằng, không chỉ John Lennon mới coi “Tình yêu là tất cả” mà nhiều người trong số chúng ta cũng vậy. Chúng ta mặc định tình yêu là lối thoát cho mọi rắc rối trong cuộc sống. Điện ảnh, âm nhạc, lịch sử, những câu truyện truyền miệng… đều góp phần khiến chúng ta càng thêm chắc chắn rằng: tình yêu chính là mục tiêu cao nhất của đời người, là giải pháp cuối cùng cho mọi nỗi đau và mọi cuộc đấu tranh của chúng ta. Dần dần, chúng ta lý tưởng hóa tình yêu, đặt tình yêu ở vị trí quá cao so với giá trị thực của nó và cuối cùng là phải trả giá vì điều đó.

Khi chúng ta tin rằng “Tình yêu là tất cả”, cũng như John Lennon, chúng ta có thể sẽ bỏ qua những giá trị nền tảng khác của một mối quan hệ như sự tôn trọng, lòng trung thành và cam kết. Nếu tình yêu thực sự có thể giải quyết mọi vấn đề, tại sao những phẩm chất vừa nêu lại luôn được coi là điều kiện tiên quyết để một cặp đôi có thể gắn bó lâu dài?

Trên thực tế, tất cả chúng ta đều hiểu rằng trong cuộc đời mình có nhiều thứ thiêng liêng hơn tình yêu đơn thuần. Mức độ thành công trong mối quan hệ của chúng ta cũng dựa vào những giá trị sâu sắc và quan trọng hơn.

Ba sự thật khắc nghiệt về tình yêu

Vấn đề lớn nhất của việc lý tưởng hóa tình yêu là chúng ta sẽ kỳ vọng vào những điều hoang đường mà tình yêu thực sự không thể mang lại được. Dưới đây là một số ví dụ minh họa:

1. Một người khiến bạn mê mẩn không có nghĩa là anh/cô ta dành cho bạn

Chỉ vì một anh chàng nào đó khiến bạn có “tiếng sét ái tình” không có nghĩa là anh ta sẽ là người bạn đời lý tưởng của bạn. Tình yêu là một quá trình cảm xúc chứ không phải một khoảnh khắc bốc đồng. Để có thể thực sự hòa hợp thì hai người cần thời gian tìm hiểu và chấp nhận con người thật của nhau. Trên thực tế, có nhiều cặp đôi rất quấn quýt với nhau lúc mới yêu nhưng chẳng bao lâu đã đường ai nấy đi.

Bạn cũng có thể si mê một người không hề trân trọng và thường cư xử thô lỗ với mình. Thậm chí, người bạn yêu thương hết lòng ấy có thể là một bệnh nhân tâm thần và sẽ gây nguy hiểm tính mạng cho bạn bất cứ lúc nào. Hẳn bạn đã thấy nhiều cô gái bị bạn trai bạo hành cả thể xác lẫn tinh thần nhưng vẫn không chấm dứt mối tình đó, vì họ còn hy vọng sẽ dùng tình yêu cảm hóa được người kia.

Bạn cũng có thể yêu một người có những lý tưởng, nhân sinh quan và mục tiêu trong cuộc sống hoàn toàn khác, thậm chí đối lập với mình.

Chúng ta thực sự có thể “rơi” vào tình yêu với một người không phù hợp và không thể mang lại hạnh phúc cho chúng ta. Điều đó nghe có vẻ nghịch lý, nhưng là sự thật.

Khi hẹn hò và tìm người có thể làm bạn đời, cái chúng ta cần không chỉ là cảm xúc mà còn cả lý trí nữa. Tất nhiên là bạn thường ưu tiên người có thể làm trái tim mình rung động và khiến thế giới trước mắt như nở hoa, nhưng bạn cũng cần chú ý tới cách người ấy đối xử với người xung quanh, với bạn và với chính mình. Ngoài ra, đừng bỏ qua giai đoạn tìm hiểu về quan điểm sống, về lý tưởng của người ấy trước khi chìm vào men say tình yêu. Nếu bạn bất chấp tất cả để yêu một cách mù quáng, người sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi và đau khổ nhất chính là bạn.

2. Tình yêu không giải quyết được hết các vấn đề trong mối quan hệ của bạn

Tôi và bạn gái đầu tiên đã có một tình yêu hết sức nồng nhiệt, dù chúng tôi sống ở hai thành phố khác nhau, không có nhiều tiền để thường xuyên gặp gỡ, bị gia đình hai bên cấm cản và phải trải qua nhiều khó khăn khác nữa của một cuộc tình xa.

Tất nhiên là chúng tôi đã có những cuộc cãi vã khủng khiếp, nhưng rồi chỉ trong chốc lát, chúng tôi lại làm lành và động viên nhau rằng một vài vấn đề vụn vặt không thể phá vỡ tình yêu vĩ đại của chúng tôi. Tình yêu thực sự đã khiến tôi và cô ấy lầm tưởng mình có thể giải quyết mọi vấn đề, cho dù thực tế là chúng chẳng biến đi đằng nào cả. Chúng tôi đã cố lảng tránh chúng và tự lừa dối chính mình.

Và cứ thế, những cuộc cãi vã lặp đi lặp lại theo chiều hướng ngày một tệ hơn. Thậm chí, chúng tôi còn thấy mệt mỏi đến mức không thể bình tĩnh trò chuyện với nhau được nữa. Khi nhìn lại, tôi nhận ra mối quan hệ của mình đã lung lay từ rất lâu nhưng tình yêu đã khiến tôi phủ nhận điều đó. Chẳng phải chúng ta vẫn thường nghe rằng tình yêu có thể chinh phục tất cả sao?

Kết cục là chúng tôi đã chia tay nhau theo lối không vui vẻ gì. Và bài học lớn nhất mà tôi học được từ cuộc tình đó là: tình yêu chỉ có thể giúp bạn cảm thấy được an ủi trước những rắc rối đang diễn ra chứ không hề giải quyết được mớ bòng bong đó.

Tình yêu có thể gây “say” và khiến bạn trở nên mơ mộng trong những ngày đầu, nhưng nếu không có một cơ sở vững chắc và một tương lai rõ ràng thì nó sẽ dễ dàng bị áp lực cuộc sống và thời gian đánh bại.

3. Tình yêu không phải lúc nào cũng xứng đáng để bạn hy sinh bản thân

Nói tới tình yêu, một trong những yếu tố thường được ngợi ca nhất chính là đức hy sinh. Theo đó, nếu bạn thực lòng yêu một người thì bạn phải thấy vui với mọi niềm vui của người ấy và thậm chí, sẵn sàng hy sinh hạnh phúc cá nhân để người ấy được hạnh phúc.

Thế nhưng câu hỏi đặt ra là: bạn phải hy sinh những gì thì mới có thể khiến người yêu vui lòng và sự hy sinh đó có đáng hay không?

Trong mối quan hệ, việc hai người chấp nhận từ bỏ một số sở thích và thói quen của mình để xây dựng hạnh phúc chung là rất bình thường. Nếu sự hy sinh chỉ dừng ở mức ấy thì đó là điều mọi cặp đôi đều nên làm mà không cần phải đắn đo.

Tuy nhiên nếu sự hy sinh trong tình yêu là chấp nhận hạ thấp lòng tự trọng và phẩm giá, chấp nhận việc bị bạo hành và phải từ bỏ đam mê, lý tưởng sống của mình chỉ để thỏa mãn ý muốn của người kia thì nó không còn là điều tốt đẹp nữa. Một mối quan hệ lành mạnh, bình đẳng là mối quan hệ mà cả hai người đều phải được sống thật với chính mình và được người kia chấp nhận. Nếu một trong hai, thậm chí là cả hai đều phải “diễn” để có thể chung sống với nhau thì tình yêu sớm muộn gì cũng biến thành bi kịch.

Câu chuyện tình bạn trong tình yêu

Một trong những lời khuyên phổ biến nhất để giữ gìn tình yêu hạnh phúc là: hai người nên giữ lấy tình bạn trong tình yêu và coi bạn đời cũng là bạn thân nhất của mình. Hầu hết chúng ta đều nhìn nhận lời khuyên này ở khía cạnh tích cực: mình cần dành nhiều thời gian hơn cho người ấy; mình nên cởi mở và chia sẻ nhiều hơn với người ấy; mình nên rủ người ấy tham gia những cuộc vui chơi giống như mình thường làm với hội bạn thân vậy;…

Tuy nhiên bạn cũng cần phải đặt ra cho mình câu hỏi này: liệu mình có chịu đựng được những thói hư tật xấu của vợ/chồng như đối với một người bạn thân không?

Thành thật mà nói, chẳng mấy người trong chúng ta làm được việc đó. Tại sao chúng ta lại cố chịu đựng những thói hư tật xấu của người yêu – những điều mà chúng ta sẽ không bao giờ chấp nhận ở bạn bè? Đó là vì tình yêu khiến chúng ta tưởng rằng có thể gạt sang một bên những vấn đề liên quan đến danh dự và quyền lợi của mình, nhưng tình bạn thì không.

Tôi có một cô bạn mới cưới và rất yêu chồng, bất chấp thực tế là anh chồng luôn luôn lấy cớ bận rộn để không hề tham gia vào việc chăm sóc nhà cửa, thường xuyên bỏ rơi vợ để đi ăn nhậu với bạn bè,… Tất cả mọi người đều khuyên cô bạn tôi nên cân nhắc thêm trước khi kết hôn với người đàn ông này nhưng cô ấy bỏ ngoài tai. Lý do là vì cô ấy đang yêu người kia say đắm.

Thế nhưng khi cảm xúc lãng mạn của tuần trăng mật qua đi, thực tế bắt đầu “đập” vào cuộc hôn nhân này. Một năm sau ngày cưới, anh chồng vẫn liên tục bận rộn, luôn tỏ ra cáu giận nếu đi làm về mà vợ chưa kịp nấu bữa tối, mắng vợ là “lười biếng”, “ngạo mạn” và vẫn thường dùng những ngày nghỉ hiếm hoi để đi ăn nhậu với người khác.

Cô bạn tôi đã rơi vào một cuộc hôn nhân tồi tệ vì đã lý tưởng hóa tình yêu. Dù cho đã biết rõ mọi bản tính của chồng mình nhưng cô ấy vẫn không từ bỏ anh ta vì nghĩ rằng tình yêu sẽ giúp khắc phục mọi thứ. Đáng buồn là thực tế không diễn ra như cô ấy mong đợi và giờ đây, cô ấy phải tìm đến mọi người thân và bạn bè để làm điểm tựa tinh thần thay cho anh chồng vô tâm.

Hãy tưởng tượng, nếu cô/cậu bạn thân nào đó của bạn đòi đến sống cùng và suốt ngày xả rác ra nhà, bắt bạn nấu cơm cho họ ăn, mắng chửi bạn mỗi khi lên cơn cáu giận thì bạn có duy trì nổi tình bạn đó không?

Tôi cũng có một anh bạn rất yêu vợ, đến mức anh ấy đồng ý cho vợ biết mọi mật khẩu từ điện thoại, tài khoản email, thẻ ngân hàng,… vì không muốn vợ phải ghen tuông. Cuộc sống của anh ấy được vợ kiểm soát 24/7. Anh ấy muốn đi đâu, làm gì, gặp ai cũng đều phải “xin phép” vợ và tuân theo thời gian cố định do vợ đặt ra. Mọi người đều bảo anh ấy nên thay đổi tình trạng này, nhưng anh ấy cũng bỏ ngoài tai vì đang yêu vợ say đắm.

Nếu cô/cậu bạn thân nào đó của bạn cũng đòi kiểm soát bạn như vậy, bạn liệu có cho phép không?

Hãy nhớ điều này: cách duy nhất bạn có thể tận hưởng trọn vẹn tình yêu trong cuộc đời mình là tạo ra điều gì đó khác quan trọng hơn tình yêu đơn thuần cho mối quan hệ của mình.

Trong suốt cuộc đời mình, bạn có thể sẽ còn gặp và còn yêu nhiều người khác nữa. Trong số đó, sẽ có những người tốt và những người không tốt với bạn. Bạn có thể yêu khi còn trẻ và cũng có thể yêu khi đã già. Bạn có thể đến với tình yêu bằng nhiều con đường khác nhau. Tình yêu hôm nay chưa chắc đã là duy nhất. Tình yêu cũng không hiếm hoi như các bộ phim và tiểu thuyết lãng mạn vẫn cố thuyết phục bạn.

Nhưng lòng tự trọng, giá trị riêng và niềm tin của bạn lại là những điều rất quý giá và không gì thay thế được. Bạn có thể yêu nhiều người trong đời mình, nhưng một khi bạn đã đánh mất những điều vừa nêu thì chúng có nguy cơ sẽ mất vĩnh viễn.

Tình yêu là một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất mà bạn có thể có trên thế giới này. Tất cả chúng ta đều nên hướng tới và cảm nhận nó ít nhất một lần trong đời. Tuy nhiên cũng như bất cứ trải nghiệm nào khác, tình yêu có thể mang lại cho bạn cả điều tốt và điều xấu. Vì vậy, bạn không thể để tình yêu thay đổi bản sắc riêng và mục đích sống của mình. Ngay khi bạn làm điều đó, tình yêu thực sự đã biến mất và bạn cũng đã đánh mất chính mình.

Trong cuộc sống này, vẫn còn nhiều điều khác mà bạn cần trải nghiệm và trân quý. Tình yêu là tuyệt vời. Tình yêu là cần thiết. Tình yêu là đẹp. Nhưng chỉ tình yêu thôi là không đủ.

Nguồn: Theo Mark Manson Blog

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.