Khác với lớp thú nuôi con hoàn toàn trong bụng mẹ, một số loài thú có túi thường có xu hướng sinh con còn rất non, sau đó chúng buộc phải nuôi con thêm một thời gian trong cái túi nằm ở phía trước bụng. Song ngoài vai trò làm “tổ ấm” cho thú non, liệu chiếc túi của thú mẹ còn có công dụng nào khác?
Giáo sư Elizabeth Deane thuộc Trường đại học Macquarie ở Sydney, Úc đã tiến hành cuộc nghiên cứu tập trung vào loài gấu túi koala (ảnh) và loài kangaroo nhỏ Tammar xoay quanh chủ đề này với hi vọng trả lời câu hỏi bằng cách nào những sinh linh bé nhỏ vừa mới chào đời ấy có thể chống chọi lại bệnh tật trong khi hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh và có thể bò từ đường sinh sản ngoài của mẹ, cuối cùng chui tọt vào túi.
GS Elizabeth Deane cho biết: “Trong thời điểm không phải là mùa sinh sản, túi của loài thú có túi thường khô ráo và có màu nâu. Nhưng đến mùa sinh sản, những cái túi biến đổi hoàn toàn với sự sạch sẽ không ngờ và có một hợp chất kháng sinh màu trong mờ. Ta biết rằng lúc thú con chào đời, hầu như không có gì hỗ trợ chúng tạo ra được phản ứng miễn dịch.
Do vậy, khả năng đối phó với bệnh tật của chúng cũng rất thấp. Tuy nhiên, chiếc túi của mẹ chúng bấy giờ chính là nhân tố bảo vệ thú non, khi thú mẹ tiết ra một hợp chất kháng sinh bên trong chiếc túi của nó. Qui luật sinh tồn tự nhiên đã giúp thú non biết bò vào trong túi của mẹ chúng để được hợp chất kháng sinh đặc biệt ấy bảo vệ!”.
NGUYỄN SINH
Theo ABC News, Tuổi Trẻ Online