Hình ảnh Chúa Jesus không còn xa lạ với nhiều người, tuy nhiên, trong thực tế vẫn tồn tại nhiều tranh cãi xoay quanh chân dung thực sự, màu da của Ngài. Mới đây, Megyn Kelly – người phụ trách Fox News đã gây xôn xao khi công bố rằng, có cơ sở xác nhận Ngài là người da trắng. Liệu đó có phải là hình ảnh “thật” nhất về Chúa Jesus?
Tuy vậy, con người vẫn không ngừng nghiên cứu để tìm ra được những tài liệu, chứng cứ khoa học nhằm hiểu hơn về Ngài. Hãy cùng Discovery News điểm lại những khắc họa nổi bật nhất về Chúa Jesus mà con người đã tìm được trong nhiều thế kỷ qua.
Vào năm 235, con người tìm thấy tranh vẽ khắc trên tường Nhà thờ Dura Europos và nhận định đây là một trong những khắc họa sớm nhất về Chúa Jesus. Bức họa có tên “Healing of the Paralytic”, mô tả Chúa Jesus khi còn trẻ với khuôn mặt không có râu, sở hữu mái tóc ngắn và xoăn, mặc áo dài ngang thắt lưng còn chân đi dép quai hậu. Trong hình, Ngài đang giúp một người đàn ông tàn tật hàn gắn những đau đớn về cả thể xác và tâm hồn.
Vào thế kỷ thứ IV, nhiều người biết đến bức chân dung khắc họa Chúa Jesus với bộ tóc dài và khuôn mặt để râu. Lấy cảm hứng từ các vị thần Hy Lạp và La Mã cổ đại, tác phẩm của Marcellinus và Peter là một trong những phiên bản Chúa Jesus khi trưởng thành được nhiều người biết tới nhất.
Tới thế kỷ thứ V, bức khảm “The Good Shepherd” được tìm thấy trong lăng mộ Galla Placidia tái hiện hình ảnh Chúa Jesus mang đậm sắc thái của người La Mã cổ đại. Một lần nữa Ngài xuất hiện với khuôn mặt không để râu nhưng đặc biệt hơn với vầng hào quang sau lưng còn phục trang mang màu sắc vương giả.
Tuy nhiên, bức khảm tìm thấy tại nhà thờ Hagia Sophia vào thế kỷ thứ VI lại cho thấy hình ảnh Chúa Jesus khi mới lọt lòng được Đức Mẹ Đồng Trinh ẵm. Vây quanh là các hoàng đế La Mã cổ đại đang dâng lên Ngài thành phố Instanbul.
Hình ảnh Chúa Jesus bị đóng đinh cùng hai tên cướp đã được tìm thấy trong những bức hình minh họa ở cuốn Rabbula Gospels vào thế kỷ thứ VI.
Trong khi đó, nhiều người theo đạo Cơ đốc tin rằng, Shroud of Turin chính là tấm vải phủ lên mặt của Ngài khi được chôn cất sau khi bị đóng đinh. Phương thức thử nghiệm phóng xạ tiến hành vào năm 1988 đã cho kết luận, tấm vải liệm được dệt vào thời Trung cổ. Tuy nhiên, có nhiều nghi vấn dấy lên rằng đây không phải là tấm vải gốc.
Có rất nhiều chuyên gia tranh cãi về diện mạo thực sự của Chúa Jesus. Có người cho rằng, Ngài trông rất giản dị, giống như những mô tả của Kinh thánh; không ít người khác tin, Ngài mang vẻ đẹp rực rỡ.
Phải tới thời kỳ Phục Hưng, những tranh cãi trên mới chấm dứt khi hình ảnh Chúa Jesus cao lớn hơn, vạm vỡ, có tính “thẩm mỹ” hơn được đưa ra và nhiều người đón nhận.
Cùng với sự phổ biến của đạo Cơ đốc, người theo Đạo đã tự tạo ra các công trình phản ánh hình ảnh của Chúa Jesus theo tín ngưỡng riêng của họ. Một trong số đó là bức tượng Christ the Redeemer.
Cao 40m, được xây từ bê-tông và đá soapstone, bức tượng Christ the Redeemer (bức tượng Chúa Cứu Thế) nằm trên đỉnh núi Corcovado tại Rio de Janeiro (Brazil) được coi là biểu tượng đạo Cơ đốc của thế giới mới.
Vào năm 2001, chương trình có tên gọi “Son of God” của đài BBC đã tái hiện lại khuôn mặt của Chúa Jesus bằng cách sử dụng công nghệ khoa học hiện đại, Cuối cùng, họ tìm ra hình ảnh của Ngài với nước da sẫm màu, mặt để râu và mái tóc cắt ngắn.