Theo các nhà khoa học Israel, cơn bão cát tháng trước xảy ra ở Trung Đông là hiện tượng bất thường, do con người gây ra ở Syria và Iraq.
Chiến tranh Syria gây ra bão cát ở Trung Đông
Cơn bão cát, hay còn gọi là bão bụi, thổi qua Trung Đông hôm 7-9/9 làm giảm tầm nhìn, ảnh hưởng đến giao thông và khiến hàng nghìn người phải nhập viện do gặp phải vấn đề đường hô hấp tại nhiều khu vực ở Iraq, Syria, Lebanon, Ai Cập, Jordan, Israel, và Cyprus.
Một con chim bồ câu đậu trên dây điện trong cơn bão bụi hôm 8/9 ở Beirut, thủ đô Lebanon. (Ảnh: Reuters).
Theo Washington Post, các nhà nghiên cứu ở đại học Ben-Gurion, Israel phân tích bão cát cho thấy, chúng thường xuất hiện vào mùa xuân. Tuy nhiên, năm nay, họ phát hiện lượng lớn bụi cát bị cuốn lên, hơn rất nhiều so với những dữ liệu từng được ghi nhận kể từ năm 1995, và cát cũng di chuyển ở độ cao thấp hơn.
Từ đó, các nhà khoa học suy luận, hiện tượng này phải gắn liền với sự thay đổi lớn trong môi trường Syria, nơi canh tác nông nghiệp chiếm phần lớn, và chiến tranh đã tàn phá đất đai.
Họ phát hiện thuộc tính và cường độ của bão cát liên quan trực tiếp đến hai yếu tố, một là sự sụt giảm mạnh về số lượng các hoạt động canh tác nông nghiệp ở miền bắc Syria, chủ yếu gây ra vì các đập nước dọc sông Euphrate bị phá hủy.
Ảnh vệ tinh cho thấy bão bụi bao trùm khắp Trung Đông hôm 9/9. (Ảnh: NASA).
“Quá trình này bắt đầu từ thập kỷ trước”, giáo sư Arnon Karnieli cho biết. “Phân tích cho thấy sự khác biệt rõ rệt về thảm thực vật giữa phía bên kia biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và bên này Syria”. Yếu tố thứ hai là các hoạt động quân sự đã làm xói mòn đất ở Syria.
Cuộc nội chiến bước sang năm thứ năm gây ảnh hưởng nặng nề đến Syria, khiến hơn 300.000 người thiệt mạng, 12 triệu người, gần một nửa dân số, buộc phải rời bỏ quê hương.
Theo VnExpress