AlphaGo – trí thông minh nhân tạo của Google thời gian qua chứng tỏ nó đã làm chủ một trong những trò chơi lâu đời nhất và phức tạp nhất của con người – cờ vây. Chính điều đó có lẽ đã hình thành trong nhiều người mối lo sợ không hề nhẹ về AI, rằng một ngày nào đó, robot sẽ tiêu diệt sự tồn vong của nhân loại.
Ở Hàn Quốc, nơi đã sinh ra nhà vô địch thế giới Lee Se-dol, cờ vây được xem như một môn võ thuật, một món ăn tinh thần không thể thiếu. Tại đây, trò chơi cũng được chiếu trên truyền hình, tương tự như những môn thể thao phổ biến khác như bóng đá hay quần vợt. Chẳng những thế, luôn có những học giả ngày đêm nghiên cứu về cờ vây ở các học viện. Giờ đây, sau 2.500 năm tồn tại và phát triển, đại diện xuất sắc nhất đến từ xứ Kim Chi, bị đánh bại một cách thê thảm bởi sản phẩm của loài người – trí thông minh nhân tạo. Lần đầu tiên, văn hóa của Hàn Quốc bị làm lung lay bởi công nghệ.
Cờ vây là một nét văn hóa ở Hàn Quốc.
Chứng kiến AlphaGo của Google nhấn chìm Lee Se-dol với tỷ số 4-1, người dân Nam Hàn thật sự bị sốc, khi trước đó họ cho rằng “người hùng” của đất nước sẽ khiến AI thua tơi bời. Tuy nhiên, kết quả thực tế lại cho thấy một sức mạnh ngoài sức tưởng tượng của máy tính. “Đêm qua thật sự rất ảm đạm. Rất nhiều người uống rượu”, Jeong Ahram – phóng viên từ Joongang Ilbo, một tờ nhật báo lớn nhất Hàn Quốc cho biết.
Không phải chờ đến thất bại này, con người mới bắt đầu trở nên thận trọng hơn với AI. Những bộ phim như The Terminator cũng đã khiến người ta lo ngại về người máy, và một trong những chuyên gia khoa học hàng đầu thế giới như Stephen Hawking hay Elon Musk cũng đã nhanh chóng đưa ra những cảnh báo của họ về sự nguy hiểm tiềm tàng của trí thông minh nhân tạo. Thế nhưng, “quả đắng” nhận được sau trận đấu của Lee và AlphaGo dường như đã chạm đến lòng tự tôn của con người Hàn Quốc, nơi cờ vây được xem như một nét truyền thống văn hóa lâu đời. “Hàn Quốc lo sợ AI sẽ tàn phá lịch sử và văn hóa của con người”, Jeong nhận định.
AlphaGo được nhìn nhận là đã đánh bại Lee một cách không hề máy móc, với những bước đi mà chính người thua cuộc phải thừa nhận là vi diệu. Tuy nhiên, “AlphaGo thực sự không có trực giác“, đồng sáng lập Google – ông Sergey Brin chia sẻ sau chiến thắng áp đảo của sản phẩm thuộc công ty mình. “Nó thậm chí còn thực hiện những nước đi đẹp hơn nhiều so với những gì chúng ta có thể nghĩ đến”.
AlphaGo được nhìn nhận là đã đánh bại Lee một cách không hề máy móc. (Ảnh: BBC).
“Đây là một sự kiện lớn trong lịch sử tiến hóa của loài người – đó là một cỗ máy có thể vượt qua trực giác, sự sáng tạo và khả năng giao tiếp, mà trước đó, chúng được xem là thế mạnh của chúng ta”, Jang Dae-Ik, một triết gia khoa học tại Đại học quốc gia Seoul (Hàn Quốc) chi biết. “Trước đây, chúng tôi đã không nghĩ rằng trí thông minh nhân tạo có tính sáng tạo”, Jeong nói. “Giờ đây, chúng ta biết nó có khả năng sáng tạo, và nhiều hơn nữa ở một bộ não, và nó còn thông minh hơn”.
Khi những thất bại của Lee Sedol xếp chồng lên nhau, nhiều người Hàn Quốc tỏ rõ sự lo lắng: “Tôi nghĩ rằng thật thú vị để thưởng thức trận đấu, nhưng giờ đây thứ tôi nhận được thật sự đáng sợ”. Một người khác nói: “Chỉ cần nghĩ đến việc AI có thể tiếp cận được con người thì cũng đã đủ ghê rợn”. Trên khắp các mặt báo tại Hàn Quốc, mối lo ngại về trí thông minh nhân tạo hiện rõ qua các dòng tít lớn: “Sự tiến hóa khủng khiếp của trí tuệ nhân tạo” hay “Chiến thắng của AlphaGo gieo rắc nỗi ám ảnh về Trí tuệ nhân tạo”.
Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến lạc quan hơn khi cho rằng tác động từ sự thua cuộc của Lee sẽ châm ngòi cho một cuộc cách mạng trong giáo dục và học tập tại Hàn Quốc. “Chúng tôi đang rất yếu ở AI”, Lee Seok-bong, một nhà báo cho trang web khoa học Hàn Quốc, HelloDD.com nói. “Tính đến thời điểm này, người Hàn Quốc vẫn chưa biết gì nhiều về AI. Nhưng nhờ trận đấu này, mỗi người Hàn Quốc đều sẽ hiểu về nó, ngay từ bây giờ”.