Bằng cách chiếu xạ tia gamma (Co60) trên cây mè đen, các nhà nghiên cứu Việt Nam đã tạo ra được giống mè đột biến với tính trạng có lợi như nhiều quả, không giảm chất lượng dầu trong mè…
Ảnh so sánh cây mè trước và sau khi chiếu xạ |
Đề tài “Ứng dụng phương pháp chiếu xạ tạo giống mè đột biến” do Th.S Đoàn Phạm Ngọc Ngà –Trung tâm phát triển Khoa học &Công nghệ trẻ làm chủ nhiệm đã được hội đồng nghiệm thu thông qua vào chiều 21/5 tại Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM.
Trong đề tài trên, tác giả đã dùng tia bức xạ gamma (Co60) trên đối tượng là cây mè đen (giống mè đen Tây Ninh) qua 2 thế hệ tiếp theo.
Kết quả cho thấy, trong thế hệ đầu, sau khi chiếu tia, cây mè đen xuất hiện nhiều biến dị như chẻ nhánh và ngọn, nhiều quả. Trong cả 2 thế hệ, các biến dị chẻ nhánh nhiều quả và thấp cây thường xuất hiện cùng nhau có triển vọng giúp gia tăng năng xuất hạt thô (6,4%-10,4%) nhưng không hề giảm hàm lượng dầu và chất lượng dầu có trong hạt mè.
Th.S Đoàn Phạm Ngọc Ngà bên giống mè thế hệ thứ hai với nhiều biến dị có lợi như thấp cây, nhiều quả… |
Tác giả khẳng định, kết quả đạt được ở thế hệ thứ 2 cho thấy các dòng biến dị chọn lọc được ở thế hệ thứ nhất vẫn tiếp tục di truyền cho thế hệ thứ 2.
Năng suất hạt thô ở thế hệ thứ 2 tăng so với thế hệ 1 và đặc biệt hàm lượng dầu trong hạt không bị ảnh hưởng. Đối với biến dị nhiều quả, nghiên cứu cho thấy, đây là loại biến dị có triển vọng theo hướng lai tạo để tạo ra giống mè mới.
Hầu hết, các thành viên trong hội đồng nghiệm thu đều có chung ý kiến rằng với nguồn kinh phí 50 triệu đồng và thời gian thực hiện trong vòng 1 năm thì phương pháp dùng bức xạ tạo được một số dòng biến dị có lợi làm cơ sở cho việc nghiên cứu sau này của Th.S Đoàn Phạm Ngọc Ngà rất đáng ghi nhận.
Theo Tin, ảnh: Mai Linh (VietNamNet)