Ngày 21/3, ThS Nguyễn An Đệ, trưởng Bộ môn Giống và công nghệ sinh học Trung tâm nghiên cứu giống cây ăn quả miền Đông Nam Bộ cho biết, Trung tâm hiện đang sở hữu ba giống bưởi đường lá cam không hạt (ĐLC240, ĐLC434 và ĐLC436). Ba giống bưởi này đã cho được quả từ một mùa đến hai mùa.
Giống bưởi không hạt được tạo ra bằng phương pháp chiếu xạ (Ảnh: T.Ngọc)
Để có được ba giống bưởi không hạt, Trung tâm đã đưa 1.000 cành bưởi đường lá cam sạch bệnh lên lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt chiếu xạ bằng nguồn phóng xạ côban 60 (Co60). Sau khi chiếu xạ, 1.000 cành này được ghép với 1.000 cây bưởi mẹ, sau đó chọn ra giống ưu việt, ít hạt nhất. Từ một nghìn cây này, Trung tâm đã chọn ra được ba giống có dưới năm hạt trên một quả, nhưng đa số quả không có hạt. Theo tiêu chuẩn quốc tế, trong một quả bưởi có dưới năm hạt sẽ đạt tiêu chuẩn không hạt.
Hiện Trung tâm đã đăng ký đề tài nghiên cứu để đưa ba giống này khảo nghiệm trên diện rộng (10ha) nhằm đánh giá lại kết quả, trước khi đưa giống đến người dân trồng đại trà.
Thực tế nhiều nông dân trồng bưởi tại vùng Đồng Nai, Bình Dương vẫn đang sản xuất bưởi đường lá cam không hạt bằng cách phun chất điều hòa sinh trưởng khi bưởi bắt đầu kết quả. Tuy nhiên, theo ThS Đệ, cách làm này chỉ tạo ra quả trong một mùa nhất định và mang tính cấp thời, không đại diện cho giống bưởi không hạt được. Tại thời điểm hiện nay, giá bưởi không hạt thường cao gấp đôi quả có hạt cùng loại.
Theo Đất Việt