Cho phép bán thuốc chữa bệnh tại siêu thị: Chỉ bán thuốc không cần kê đơn

Việc cho phép bán thuốc tại siêu thị giúp người dân có quyền lựa chọn mua thuốc dễ dàng hơn (Ảnh minh họa)
Đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân

Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan nhận định, việc Luật Dược (sửa đổi) quy định cấm kê đơn thực phẩm chức năng là rất tiến bộ. Nếu thực hiện nghiêm túc được quy định này, kết hợp với thực hiện tốt các quy định quản lý về thực phẩm chức năng trong Luật An toàn thực phẩm sẽ tạo được bước chuyển biến trong lĩnh vực vốn đang rất lộn xộn hiện nay, bảo vệ được quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.

Tương tự, về quy định cho phép bán một số loại thuốc tại siêu thị, bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, phù hợp với xu thế của thế giới và đáp ứng yêu cầu hội nhập. Việc cho phép bán thuốc tại siêu thị cũng giúp người dân có quyền tiếp cận, lựa chọn, mua thuốc dễ dàng hơn. Tất nhiên, không phải thuốc nào cũng được bán trong siêu thị, sẽ chỉ cho phép bán các loại thuốc thông thường, không cần kê đơn như thuốc cảm, sổ mũi, vitamin… 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Tiên phân tích, Luật Dược (sửa đổi) không “lấn sân” Luật An toàn thực phẩm bởi luật này chỉ đề cập đến việc “cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh…” với tất cả các sản phẩm chứ không chỉ đích danh thực phẩm chức năng. Về quy định cho phép các doanh nghiệp tổ chức quầy thuốc lưu động tới miền núi, vùng sâu, vùng xa để phục vụ nhân dân, ông Nguyễn Văn Tiên cho rằng: “Thực tế, ở một số vùng núi, vùng sâu, vùng xa hiện nay, việc tiếp cận mua thuốc của nhân dân rất khó khăn, có khi trên cả địa bàn rộng lớn không có nổi một dược sĩ, một nhà thuốc nào. Do đó, quy định này là cần thiết”. 

Quản lý chặt để tránh biến tướng

Theo các chuyên gia y tế, những điểm mới trong Luật Dược (sửa đổi) sẽ tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi và đáp ứng tốt hơn quyền lợi của người dân và doanh nghiệp. Song từ quy định của luật đến triển khai trong cuộc sống lại là một câu chuyện dài. Chẳng hạn, với quy định cho phép bán thuốc trong siêu thị, Bộ Y tế sẽ phải lập danh mục các loại thuốc được phép bán và hệ thống quy định để đảm bảo an toàn cho người sử dụng…

Bà Phạm Khánh Phong Lan phân tích, thuốc là mặt hàng đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng con người nên nếu không quản lý chặt, để xảy ra biến tướng trong kinh doanh mặt hàng này thì nguy hại khôn lường. Chẳng hạn, nếu không quản lý chặt chẽ mà để siêu thị bán cả thuốc kê đơn thì rất nguy hiểm. Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, thực tế hiện nay, ngay cả những nhà thuốc đã đạt mức thực hành tốt vẫn có vi phạm nên khi cho phép bán thuốc ở siêu thị, nếu quản lý không nghiêm thì sai phạm càng dễ xảy ra hơn. “Luật đã có cải tiến nhưng kết quả thực hiện ra sao, tác động thế nào đến đời sống người dân vẫn cần thực tế trả lời”, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan nói. 

Tương tự, với quy định cho phép doanh nghiệp tổ chức quầy thuốc lưu động tới miền núi, vùng sâu, vùng xa, ông Nguyễn Văn Tiên cho rằng, cần phải có sự quản lý chặt chẽ, từ điều kiện hoạt động tới yêu cầu về bảo quản thuốc, chất lượng thuốc… đều phải được giám sát. “Nếu không quản lý tốt, rất có thể xảy ra tình trạng lạm dụng, biến tướng vì mục đích lợi nhuận, chẳng hạn doanh nghiệp cố ý trà trộn thuốc kém chất lượng, thuốc sắp hết hạn sử dụng lên miền núi bán. Cơ quan quản lý Nhà nước phải quản lý chặt, nếu không quy định nhân văn lại biến thành có hại”, ông Nguyễn Văn Tiên nói.

Nguồn: Theo Anninhthudo

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.